Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Chiến tranh sẽ bùng nổ giữa Anh và Argentina


Cập nhật lúc 1:27:25 AM - 23/02/2010

Falklands.jpg


Hình một dàn khoan dầu ngoài khơi Falkland Islands chụp vào cuối năm 2009. Hôm thứ Hai, công ty Desire Petroleum PLC đã bắt đầu khai thác dầu hỏa tại một điểm phía bắc Falkland Islands, khiến cho chính phủ Argentina giận dữ – ảnh: Diamond Offshore Drilling.


Hoài Mỹ/Viễn Đông

LONDON/BUENOS AIRES – Anh quốc và Argentina (Á Căn Đình) lại lâm vào một cuộc xung đột mới về quần đảo Falkland. Theo đài BBC, nội trong tuần này hay đầu tuần tới, các công ty Anh sẽ khởi sự khai thác dầu hỏa ở vùng này. Ngoại trưởng của Argentina cảnh cáo: “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để chống cự và để bảo vệ mọi quyền lợi của chúng tôi”.

Tình thế càng căng thẳng hơn khi các nhóm “Rio-group” - gồm các quốc gia Châu Mỹ Latin và các quốc gia Caribbean đang họp thượng đỉnh ngày 21 và 22-02-2010 ở Cancun, Mexico - đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Argentina.

Vụ tranh chấp nói trên này khiến dư luận thế giới nhớ lại cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Anh quốc và Argentina - Falkland War - diễn ra cách nay vừa đúng 28 năm mà vết thương vẫn chưa khỏi hẳn theo ý nghĩa của danh ngôn: Thời gian là thần dược chữa lành mọi vết thương. Năm 1982, cuộc chiến bùng nổ và kéo dài 74 ngày vì vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Falkland. Lần này, nếu không có một giải pháp chính trị, người ta e rằng mộc cuộc chiến mới sẽ khó tránh khỏi cũng ở hải phận này và thời điểm chấm dứt thì rất khó đoán, nhưng vì một nguồn lợi thiên nhiên vô cùng quí báu: Dầu hỏa!


* Địa lý và lịch sử của Falkland

Falkland Islands hay Islas Malvinas là một quần đảo của Anh quốc nằm về phía Nam Đại Tây Dương, cách các bờ biển Magellan (gần Nam Mỹ) khoảng 515 cây số. Hai hòn đảo lớn hơn cả gọi là West-Falkland và East-Falkland; phần còn lại gồm tổng cộng gần 200 đảo nhỏ. Diện tích tính chung là 12.200 cây số vuông. “Thủ đô” và là thành phố duy nhất mang tên Port Stanley.

Quần đảo mang hình dáng của một miền duyên hải sắc cạnh với những vịnh nhỏ và eo biển hẹp. Điểm cao nhất của các hải đảo này là ngọn núi Adam 698 mét, nằm ở West-Falkland.

Trên những hải đảo ngày đêm lộng gió này sinh sống lúc nhúc các loại sinh vật của miền Bắc cực, như hải cẩu, chim cánh cụt và loài hải âu “khắc khổ”. Chỉ có rất ít người “chịu khó” cư ngụ ở đây để chăn nuôi bầy gia súc như trừu và dê.

Các sử gia không chắc chắn ai là người đầu tiên đã khám phá được những hòn đảo này và trên đảo có thổ dân hay không. Chỉ một điều chắc chắn là nhiều nhà đi biển vòng quanh thế giới đã tìm ra vùng Nam thuộc Đại Tây Dương, nên cũng đã có thể đặt chân lên quần đảo Falkland này. Điển hình là năm 1501 nhà mạo hiểm người Tây Ban Nha, Amerigo Vespucci khi du hành vòng quanh vùng Nam thuộc Đại Tây Dương, đã viết về một số đảo ngầm hoang vắng dưới biển ở bên ngoài Nam Mỹ. Các sử gia suy đoán đó có thể là việc mô tả đầu tiên về các dãy hải đảo này.

Vào khoảng thế kỷ 15 và 16, cho tới năm 1690, thuyền trưởng người Anh, John Strong đã đặt chân lên đất liền của một eo biển nằm giữa các hòn đảo quan trọng và đã đặt tên là “Falkland Sound” - “Quê nhà ở các đảo”.

Theo thời gian, sau nhiều lần thay quyền đổi chủ, hết người Anh lại tới Pháp, rồi Tây Ban Nha đến Á Căn Đình… và sau cùng Falkland lại rơi vào tay người Anh tên John Byron sau khi ông này “đền bù” một số tiền kếch xù cho Louis Antoine de Bougainville để người Pháp này “ra đi” vĩnh viễn. Port Louis được đổi thành Port Soledad. Năm 1770, quần đảo bị người Tây Ban Nha chiếm đoạt bằng vũ lực và cư dân Anh bị trục xuất. Tuy vậy người Tây Ban Nha chỉ ở lại các hòn đảo này cho tới năm 1811 thì tự động di tản vì tình trạng bất ổn trong nước. Nhờ vậy cư dân Anh đã hồi hương.


* Nguyên nhân “Falkland War”

Ngày 02-04-1982, với tướng Leopoldo Galtieri chỉ huy, một lực lượng Argentina gồm 8.000 quân nhân và 20 chiến xa loại LVTP 7 đã bất ngờ đổ bộ xâm chiếm quần đảo Falkland. 1.800 cư dân trên các hòn đảo này cộng với 57 binh sĩ của ngành Hàng Hải Vương Quốc (Royal Marines) và 11 thủy thủ của Hải Quân Vương Quốc Anh (Royal Navy) đã vô phương chống cự trước cường lực.

Nguyên nhân chính thức của chiến dịch quân sự này là vào thời điểm đó chế độ quân phiệt cai trị Argentina với tướng Galtieri đứng đầu, lập luận rằng người Tây Ban Nha đã để lại quần đảo Falkland cho họ và các hải đảo này thuộc về Argentina vốn thoát khỏi nền cai trị của Tây Ban Nha để trở thành độc lập năm 1816. Ở Argentina, uy quyền của Anh được nhận thức là một nỗi sỉ nhục. Niềm kiêu hãnh của đất nước vốn bị tổn thương đó sẽ được chữa lành nhờ cuộc ra quân này.


* Liên Hiệp Quốc (LHQ) can thiệp

Ngày 03-04-1982, LHQ đồng biểu quyết kêu gọi các đơn vị quân sự của Argentina rút lui và chấm dứt mọi sự thù nghịch. Argentina từ chối. Tướng Leopoldo Galtieri đang cần một “sự tái chiếm lòng nhân dân”, nếu sự bất mãn tiếp tục, ông sẽ bị chấm dứt quyền lực. Argentina do đó bất tuân nghị quyết của LHQ. Bởi thế nữ thủ tướng Anh đương thời, bà Margaret Thatcher, người được mệnh danh là “Iron Lady”, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc khai chiến mặc dù đa số dân chúng Anh chưa hề nghe nói về những hải đảo đó và rất ít người biết phần vùng này lại là thuộc địa của Anh.

Hôm sau, nội các Anh họp khẩn. Bà Thatcher cho rằng 1.800 công dân Anh chính cống ở Falkland đã yêu cầu việc bảo vệ nước Anh bằng quân sự. Lập trường của bà rất minh bạch và cuơng quyết: Bà không thể ngồi koanh tay. Phải chiếm lại các hòn đảo này với bất cứ giá nào cho dù đa số cố vấn quân sự của bà và những yếu nhân về chính sách đối ngoại tỏ ra nghi ngờ về một chiến dịch; ngay cả các lực lượng quân sự Anh cũng gặp nhiều khó khăn trước quyết định này, bởi vì họ đã không được huấn luyện cho thứ công tác như thế.


* Cuộc chiến

Một lực lượng gồm 27.000 người và trên 100 tầu chiến được tập trung nhanh chóng - đến ngày 5 tháng Tư, thì trực chỉ tiến về mục tiêu. Hai chiến hạm Invincible và Hermes cũng đã hiện diện.

Những ngày đầu tiên, chiến tranh diễn ra trên biển và trên không. Hải và không quân của Argentina cũ kỹ đã thua đậm trước những vũ khí cực kỳ tối tân của Anh; tuy nhiên các phi cơ Dassault Super Etendard của Argentina cũng đã gây thiệt hại cho các tàu hải quân Anh, trong số này đáng kể là chiếc Sheffield bị trúng đạn, gẫy đôi và chìm ngày mồng 4. Ba tuần sau, ngày 25 tháng 5, chiếc Coventry chịu cùng số phận, kéo theo xuống lòng biển 25 sinh mạng. Ngày 8 tháng 7, đến lượt chiếc Sir Galahad “banh càng” cùng với 50 quân nhân tử vong

Về phía Argentina, tuần dương hạm “General Belgrano” do Hoa Kỳ trao lại cho Argentina năm 1951 sau khi đã phục vụ hải quân Mỹ suốt thời đệ nhị thế chiến, đã bị một tiềm thủy đĩnh Anh “chôn vùi” xuống lòng đại dương.

Lực lượng Anh càng ngày càng tiến gần mục tiêu. Nhẩy dù và pháo binh của hải quân được đưa bằng tầu tới Port San Carlos rồi đổ bộ lên bờ ở Goose Green. Trận đánh xáp lá cà diễn ra ác liệt. Quân Argentina chiến đấu anh dũng, nhưng lính Anh nhờ phần lớn yếu tố tâm lý đã sớm làm chủ được tình thế khiến đối phương nhiều người phải đầu hàng. Khi lực lượng Anh bao vây Stanley, toàn thể quân Argentina còn lại đã buông vũ khí.

Thiệt hại: Anh: 255 quân sĩ và 3 cư dân ở đảo thiệt mạng, 777 người bị thương và 59 người bị bắt làm tù binh - Argentina: 649 tử vong, 1.068 bị thương và 11.313 tù binh.


* Lịch sử tái diễn?

28 năm sau, nay trận chiến Falkland có cơ tái phát mà lần này, như trên đã nói, nguyên nhân chính yếu và dầu hỏa và khí đốt với trị giá ước lượng khoảng trên 110 tỉ đô la.

Ô khai thác dầu và khí đốt này nằm trong vùng bao quanh quần đảo Falkland và nhiều công ty Anh nay mai sẽ khởi sự công cuộc khai thác. Theo hãng thông tấn Reuters, thủ tướng Anh Gordon Brown đã khẳng định: “Đương nhiên chúng tôi có toàn quyền làm việc này”. Người Anh cho rằng họ đã có luật pháp quốc tế trong tay và thủ tướng Brown nhấn mạnh là họ luôn luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đối với các hải đảo này.

Trước câu hỏi của các ký giả là các tàu chiến (của Anh) tăng cường có được chuyển đến vùng đó hay không, thủ tướng Anh trả lời: “Chúng tôi đã làm tất cả công việc chuẩn bị xét ra cần thiết để bảo đảm là Falkland đã được bảo vệ đầy đủ”.


* Nghiêm trọng

Tuy nhiên, Argentina ngược lại cho rằng người Anh không có quyền hành gì ở các vùng chung quanh những hải đảo ấy. Đài BBC viết rằng nữ tổng thống Cristina Fernandez thứ Tư tuần qua đã minh xác là Argentina hiện giờ buộc bàu bè nào cập bến các đảo ấy phải xuất trình giấy phép kể cả tàu bè của các nước ở toàn vùng Nam Mỹ.

Anh quốc bác bỏ mạnh mẽ sự đòi hỏi kể trên.

Trong một bản tuyên bố, chính quyền Argentina xác quyết họ đã thi hành “tất cả biện pháp dự phòng” để ngăn chận người Anh đến lấy dầu hỏa và khí đốt. Ngoại trưởng Argentina, ông Jorge Taiana nhấn mạnh rằng Argentina sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các quyền lợi của họ.

Đại sứ Anh ở Argentina đầu tiên sau cuộc chiến tranh Falkland, Humphrey Maud cho rằng việc Argentina đòi giấy phép quả thật nguy hiểm. Hãng thông tấn Reuters trích dẫn lời tuyên bố của ông Maud: “Mỗi sự cố gắng của Argentina nhằm đòi hỏi một hình thức nào đó về chủ quyền của vùng ấy đều là điều mà chúng tôi nhận thấy rất nghiêm trọng”. Quan điểm của ông đã được Andrew Rosindeel, dân biểu quốc hội của Đảng Bảo Thủ, tán đồng.


* Giải pháp ngoại giao

Tuy vậy sẽ là sự kiện gây ngạc nhiên trường hợp hai bên không chịu giải quyết cuộc tranh chấp này qua việc đối thoại - điều mà chính quyền Anh cũng vẫn thường nhấn mạnh.

Ông Adrew Rosindell cho rằng tuy vấn đề có thể ít đưa tới một cuộc xung đột về quân sự, nhưng đây là một vụ tranh chấp lớn nhất kể từ sau cuộc chiến 1982. Dân biểu này nói: “Đây là là một thứ trình diễn tiêu biểu của một cuộc triển lãm. Họ dư biết là người Anh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, và đó là một cuộc chiến mà họ không thể nào thắng nổi”.


* Ủng hộ Argentina

Ngoại trưởng Argentina, Jorge Taiana đã đưa vấn đề này ra trước hội nghị của “Rio-Group” vừa diễn ra ở Cancun, Mexico trong hai ngày, Chủ Nhật và thứ Hai vừa qua. Theo các nhà ngoại giao, sự ủng hộ từ hội nghị này rất quan trọng đối với Argentina.

Hugo Chávez, tổng thống của Venezuela xác định ngay chỗ đứng của ông ta trong cuộc xung đột: “Nghe này, Anh quốc, nhà ngươi dự tính ở lại Las Malvinas trong bao lâu?” - Trong câu hỏi, ông ta đã dùng địa danh bằng tiếng Tây Ban Nha thay vì “Falkland”. Chávez huênh hoang theo thói quen, nhắn gửi lời tuyên bố trực tiếp tới Anh quốc và nữ hoàng Elizabeth: “Người Anh vẫn tiếp tục đe dọa Argentina, nhưng nhớ là chúng tôi không còn sống trong năm 1982 nữa. Nều xẩy ra một cuộc xung đột, nhà ngươi có thể biết đích xác là Argentina không đứng riêng rẽ một mình đâu nhé như nước này đã một lần lâm vào”.

Công ty dầu hỏa Desire đã thầu được khế ước khoan dầu, nhưng hiện cố tỏ ra trung lập đối với vụ tranh chấp giữa Anh và Argentina. Phát ngôn viên của công ty này phát biểu: “Desire là một công ty thương mại và chúng tôi không dính líu vào điều mà Argentina nói sẽ mang ra trước LHQ”.

Cư dân khoảng 3.000 người ở các đảo trên vùng Falkland bày tỏ họ hiện không biết mình đứng ở đâu. Theo nhật báo London Daily Telegraph, chính khách địa phương Jan Cheek trình bày: “Chúng tôi đã từng nghe nhiều năm điều vô lý này từ phía Argentina, và nay lại nghe nữa, vẫn chuyện cũ rích”.

Nhật báo trên giải đoán nữ tổng thống Cristina Kirhner của Argentina có thể đã được nhiều hơn động lực về dân quyền để có một đường hướng cứng rắn trong cuộc chiến mới về các hải đảo ấy. Bài bình luận của London Daily Telegraph viết là tuy nhiên uy tín của bà Kirchner đã xuống dốc trong các cuộc thăm dò ý kiến gần đây, do đó bà cần cơ hội để tái “đánh bóng” tiếng tăm của mình? – (HM)
source
Vien Dong Daily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét