Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Bắc Triều Tiên đổi tiền?




Bắc Triều Tiên là một thế giới ít người biết đến

Có tin Bắc Triều Tiên cải cách tiền tệ lần đầu tiên trong 17 năm nhằm giảm lạm phát và ngăn chặn nạn chợ đen.

Các hãng thông tấn nước ngoài trích nguồn một bản tin ngắn của Tân Hoa Xã từ Bình Nhưỡng và tin của hãng Yonhap nói tin đổi tiền được tung ra từ sáng thứ Hai, gây hỗn loạn trên thị trường.

Thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap tường thuật từ thành phố Shenyang của Trung Quốc giáp ranh Bắc Hàn rằng tỷ giá đổi tiền là 100 đồng cũ ăn một đồng mới và tờ 1.000 won cũ nay được thay bằng tờ 10 won mới.

Hãng này trích lời một nguồn tin Bắc Triều Tiên hay buôn bán với Trung Quốc nói: "Nhiều người dân ở Bình Nhưỡng đang lo lắng và hốt hoảng."

"Những người có của nả cất kín đang vội ra chợ đen đổi lấy Nhân dân tệ hay đôla Mỹ. Giá cả hai ngoại tệ này đều tăng vọt."

Thông tin tương tự cũng được đăng tải trên các báo của Nam Hàn như Chosun Ilbo hay Daily NK.

Bộ Thống nhất của Hàn Quốc nói đang kiểm tra các thông tin này vì chưa có thông báo chính thức nào từ phía báo chí Bắc Triều Tiên.

Nếu quả thực là như vậy, thì đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên cho đổi tiền kể từ 1992, khi Bình Nhưỡng thay tiền mới bằng tiền cũ với tỷ giá 1:1. Trước đó nữa là một lần đổi tiền vào năm 1959.

Cải cách tiền tệ sẽ là một bước quan trọng trong cải cách kinh tế của đất nước (...) ẩn dật, nơi hàng triệu người đang lâm vào tình trạng thiếu đói.

Bình Nhưỡng đặt mốc năm 2012, tròn một trăm năm ngày sinh lãnh tụ quá cố Kim Nhật Thành, để đạt được xã hội phát triển "phồn vinh".

Tuy nhiên nước này đang phải nhờ vào trợ giúp lương thực của nước ngoài suốt từ những năm 1990 tới nay.

Cải cách kinh tế được đưa vào áp dụng từ 2002, trong có việc cho phép chợ đen và chợ nông trang. Tuy nhiên thành quả trên thực tế chưa nhãn tiền.

*********

source

BBC Vietnamese

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Obama gặp Hồ Cẩm Đào



Tổng thống Obam duyệt binh danh dự ở Đại sảnh đường (quốc hội)

Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh.

Thương mại, biến đổi khí hậu và các vấn đề kinh tế dự khiến chi phối nghị trình.

Hai người đã gặp nhau trước đó và dùng cơm tối hôm thứ Hai.

Ông Obama cũng sẽ gặp chủ tịch quốc hội hôm nay và dự tiệc khoản đãi trong Đại sảnh đường.

Ông Obama, không có gia đình đi cùng, cũng sẽ thăm Cố Cung và Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh.

Trước đó ông ghé Thượng Hải, và nhắn nhủ trong bài nói chuyện với sinh viên Trung Quốc rằng, quyền con người và tự do nên là phổ quát cho tất cả mọi người.

'Sinh động'

Ông Obama nói ông rất ủng hộ không kiểm duyệt, và internet không bị ngăn cấm "là một nguồn sức mạnh" nên khuyến khích.

Cuộc gặp 'thực sinh động'

Nhà chức trách Trung Quốc có một số cách kiểm soát nội dung internet chặt chẽ nhất trên thế giới.

Ông Hồ Cẩm Đào nhận xét cuộc gặp gỡ với sinh viên của vị khách là "thực sinh động".

Ông Obama cười lớn khi nghe vậy và nói với chủ nhà rằng thế giới nhìn nhận "tầm quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ" trong lúc đối phó với những vấn đề toàn cầu.

Đàm luận trong bữa ăn tối hôm qua, hai ông nói đến lịch sử của hai nước, và nêu lên những thách thức kinh tế mà hai nước đang đối diện.

Hai người cũng trao đổi về tầm quan trọng đáng kể của giáo dục để giúp nhân dân tiến bộ.

Sau khi thăm Nhật, Singapore, ông Obama sẽ rời Trung Quốc ngày mai để đi Nam Hàn.


source

BBC Vietnamese

***************

Lời kêu gọi “đừng kiểm duyệt Internet” của TT Obama đã bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, ngay trên Internet
Nov 16, 2009

Photo courtesy: AP
Photo courtesy: AP

Cali Today News - Lời kêu gọi “chính phủ TQ đừng có kiểm duyệt Internet” đã bị kiểm duyệt ở Trung Quốc chỉ vài giờ sau. Bài diễn văn của ông đã bị chận lại trên mạng Net, chỉ được phát ra nguyên vẹn trên một đài TV địa phương.

Trước đây có nhiều chỉ trích của thế giới nhắm vào hệ thống “Bức Tường Lửa Trung Hoa”, khiến cho trên 250 triệu người xử dụng Internet của TQ không được xem những gì mà chính phủ TQ không muốn họ xem.

Trong cuộc gặp gỡ với sinh viên ở Thượng Hải, TT Obama phê bình kỹ thuật ngăn chận này. Lập tức giới truyền thông TQ “tẩy rửa” đoạn gay cấn này và loại ra trên nhiều Web site trong nước.

TT Obama nói: “Tôi là ủng hộ viên hết mình của chế độ không kiểm duyệt. Ở Mỹ, chính vì có Internet tự do mà người ta có thêm sức mạnh và tôi cổ vũ cho việc này”.

Một blogger có tên Hecaitou nói một bản dịch của bài diễn văn của ông Obama đã bị gỡ xuống chỉ sau có 27 phút được post trên Net.

Chỉ có đài TV của Thượng Hải là truyền hình toàn bộ bài diễn văn trực tiếp. Nó được đưa vào hai cổng vào của Internet và trên Web site của Tòa Bạch Ốc và không bị kiểm duyệt, mặc dù hình ảnh và âm thanh đã “bị nhảy” và chậm lại trên các Web site của TQ.

Tờ Nhân Dân Nhật Báo đã tường thuật là “TT Obama nói với đám đông là Internet là công cụ truyền thông tuyệt hảo”, nhưng hoàn toàn không đả động gì tới lời kêu gọi “bãi bỏ kiểm duyệt Internet ở TQ của ông Obama” cả.

Đào Nguyên source AP

source

Calitoday

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Mỹ cải tổ y tế




John WhitesidesTin ngắn


WASHINGTON, D.C. (Reuters) ‒ Hạ viện Hoa Kỳ vừa khít khao thông qua dự luật cải tổ lớn nhất từ nhiều chục năm qua về dịch vụ y tế cho Tổng thống Barack Obama một thắng lợi rất quan trọng. Dự luật này đã được chuyển lên Thượng viện Hoa Kỳ để tiếp tục thảo luận và bổ sung.

Bằng một tỉ số phiếu 220-215 thuận, trong đó có 1 phiếu ủng hộ của một dân biểu Đảng Cộng hòa, dự luật này có ảnh hưởng đến gần như tất cả người Mỹ và chấm dứt thói quen của các hãng bảo hiểm dịch vụ y tế từ chối không nhận bảo hiểm những người bị bệnh từ trước.

Nhưng tại Thượng viện, công việc về dự luật y tế - ưu tiên nội vụ hàng đầu của tổng thống Obama - đã bị ngưng đọng từ nhiều tuần qua khi lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, nghị sĩ Harry Reid đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp để có thể có đủ 60 phiếu cần thiết để thông qua dự luật này.

Bất kỳ sự khác biệt nào giữa Thượng viện và Hạ viện về dự luật này đều phải được đối chiếu và thống nhất, dự thảo luật cuối cùng phải được cả hai viện thông qua trước khi ông Obama ký để trở thành sắc luật.

Dân biểu Đảng Dân chủ vỗ tay hoan hô và ôm nhau mừng rỡ khi số phiếu thứ 218 được ghi lại, và lại hoan hô một lần nữa khi Chủ tịch Hạ viện, dân biểu Nancy Pelosi, gõ búa công bố kết quả sau cùng.

Hầu hết các dân biểu Đảng Cộng hòa chỉ trích biện pháp dùng 1 nghìn tỷ đô-la để cung cấp bảo hiểm y tế cho hầu hết dân Mỹ, và những thuế mới cho người giàu có và họ cho rằng chính phủ can thiệp quá nhiều vào lĩnh vực y tế tư nhân.

“Nhờ những cố gắng của Hạ viện, chúng ta chỉ còn hai bước nữa để đạt đến cải tổ bảo hiểm y tế ở Mỹ. Nay đến lượt nghị sĩ Hoa Kỳ phải tiếp tục thông qua phiên bản của Thượng viện. Tôi hoàn toàn tin tưởng Thượng viện sẽ thông qua,”, ông Obama nói trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện.

Ông Reid, Lãnh tụ đảng Dân chủ tại Thượng viện, đang chờ ước tính chi phí từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội trước khi tiết lộ chi tiết của phiên bản dự luật của Thượng viện. Nhưng ông đã thực hiện một trong những quyết định khó khăn nhất là đưa cả một chương trình bảo hiểm do chính phủ phụ trách vào dự luật của Thượng viện.

Dân biểu hoan hô Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tại cuộc họp báo sau khi dự luật y tế được thông qua tối hôm 7/11/2009
Nguồn: Brendan Smialowski/Getty Images
“Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhận định từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội về đề xuất dự thảo của chúng tôi trong những ngày tới, và mong muốn đưa phiên bản dự thảo cuối cùng ra trước Thượng viện càng sớm càng tốt,” ông Reid nói trong một tuyên bố ngay sau khi có kết quả từ Hạ viện.

Việc cải tổ sẽ đưa đến những thay đổi lớn nhất trong hệ thống y tế, hiện chi dùng 2,5 nghìn tỷ USD, kể từ khi Mỹ có chương trình y tế “Medicare” của chính phủ dành cho người lớn tuổi vào năm 1965.

Dân biểu nhiệm kỳ đầu tiên của Louisiana, Ánh Cao, chính là dân biểu duy nhất của Đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ dự luật y tế này.

Kết quả bước ngoặt này một bước tiến lớn đối với ông Obama, người đã đầu tư khá nhiều vốn liếng chính trị trên trận chiến về dịch vụ y tế này. Nếu Đảng Dân chủ thua tại Hạ viện thì cuộc chiến đã có thể kết thúc và chương trình nghị sự lập pháp còn lại của tổng thống Obama và đảng Dân chủ kể như xong và sẽ dễ đưa đến thất bại lớn trong cuộc bầu cử quốc hội vào năm sau.

Ông Obama đến Capitol Hill vào sáng thứ bảy để họp với các dân biểu đảng Dân chủ và nhấn mạnh sự cần thiết của dự luật đổi mới y tế.

Đảng Cộng hòa và Dân chủ tranh luận đôi khi rất gay go suốt ngày, và đến đêm thứ bảy vê dự luật y tế, đòi tất cả mọi người phải có bảo hiểm và tất cả chủ nhân trừ nhữ hãng hàng nhỏ nhất đều phải cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho công nhân.

“Chúng tôi không có khả năng có dự luật này,” ông Roy Blunt dân biểu đảng Cộng hòa nói. Đây là chương trình dài 2000 trang để nhà nước tiếp quản dịch vụ y tế.”

Dự luật sẽ cho phép mọi người có thể chọn mua các kế hoạch bảo hiểm tư nhân hay bảo hiểm của chính phủ bị ngành công nghiệp bảo hiểm phản đối dữ dội, và dự luật này sẽ còn trợ cấp để giúp người Mỹ có thu nhập thấp mua bảo hiểm.

Các nhà phân tích ngân sách của Quốc hội nói rằng dự luật y tế này sẽ mở rộng vùng phủ sóng đến (cấp bảo hiểm cho) 36 triệu người chưa có bảo hiểm đang sống tại Hoa Kỳ, khiến khoảng 96 phần trăm dân số được bảo hiểm y tế, và sẽ làm giảm thâm hụt ngân sách khoảng 100 tỷ trong 10 năm.



© DCVOnline




Nguồn: U.S. House passes health care bill
source
DCVOnline

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

Nan đề nông thôn Trung Quốc


Nan đề nông thôn Trung Quốc

Một nữ nông dân Trung Quốc (Getty Images)

Diện tích canh tác trên đầu người tại nông thôn Trung Quốc đang thu hẹp.

Chuẩn bị kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Trung Quốc được cho là chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có nhiều nhân tố khác với các giai đoạn đã trải qua.

Bối cảnh chung kinh tế và xã hội cho thấy Trung Quốc đang trực tiếp đối diện ba vấn đề mang tính vĩ mô. Đó là tính thiếu hiệu quả của cầu nội địa, khuynh hướng giãn rộng trong khoảng cách thu nhập và tính phức tạp gia tăng trong quản lý xã hội.

Riêng trên địa bàn nông thôn, một khu vực có bình diện rộng lớn ở Trung Quốc, xã hội nông thôn Trung Quốc hiện đang đối diện những vấn đề và thách thức nào?

Câu hỏi này được Tiến sỹ Trần Quang Kim (Chen Quangjin), Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đặt ra trong một báo cáo của ông, được Viện Quan hệ Quốc tế IFRI của Pháp, có trụ sở đóng tại Paris và Bruxelles, công bố trong tháng 7/2009.

Theo bản báo cáo có tên gọi 'Phát triển nông thôn Trung Quốc trong thế kỷ 21 : Tiến bộ và thách thức', của Tiến sỹ Trần, sau 30 năm cải cách nông nghiệp, bắt đầu từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nông thôn Trung Quốc chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ, cùng các biến đổi về cơ cấu xã hội, kinh tế, việc làm, đặc biệt với việc thiết lập hệ thống khoán tới hộ gia đình.

Bất bình đẳng xã hội ở nông thôn đã gia tăng một cách rõ rệt, đa số nông dân không được hưởng gì nhiều từ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội

TS. Trần Quang Kim, Viện XHH Trung Quốc

Nằm ở trung tâm của hệ thống này là quá trình chuyển đổi quyền quyết định sản xuất và quản lý vi mô tới các hộ nông nghiệp, nhờ đó phát huy và giải phóng được năng lực của nông dân, như nhận định của ông:

"Nông dân trở nên tương đối tự do so với trước, khi có quyền quyết định sản xuất cái gì và có thể bán các nông phẩm và các sản phẩm phi nông ra thị trường nông thôn và đô thị nhằm cải thiện đời sống."

Đó là vài thành tựu lớn, nhưng ông Trần cho rằng Trung Quốc cần lưu ý các vấn đề xã hội nông thôn " từ cái nhìn dựa trên các quyền tự do kinh tế và các quyền xã hội " .

Từ góc độ này, theo ông, " Mặc dù các tiến bộ quan trọng đã đạt được ở các khu vực nông thôn, hiện đang xuất hiện tình trạng mất cân bằng rộng lớn trong phân phối lợi ích.

" Bất bình đẳng xã hội ở nông thôn đã gia tăng một cách rõ rệt, đa số nông dân không được hưởng gì nhiều từ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, " ông Trần nhận định.

‘Phát triển không cân đối’

Lao động Trung Quốc tại Tân Cương sau một trận động đất (AP)

Nhiều lao động phổ thông ở đô thị Trung Quốc di cư từ nông thôn

Theo số liệu khảo sát năm 2006, được phó viện trưởng Trần Quang Kim trích dẫn, hệ số Gini (một chỉ báo chất lượng phát triển) áp dụng với hộ gia đình nông thôn nước này đạt mức 0,64, với việc các hộ giàu (chiếm tổng số 20%) kiếm được gấp 41,5 lần thu nhập của các hộ nghèo nhất (chiếm 20%).

Đó là về phân tầng thu nhập nông thôn, còn khoảng cách thu nhập giữa đô thị và nông thôn Trung Quốc cũng tiếp tục giãn rộng, cho thấy một đặc điểm rõ nét khác của phát triển bất cân bằng ở Trung Quốc.

" Một mặt là sự phát triển không cân bằng giữa cư dân đô thị - nông thôn và mặt khác, là phát triển kinh tế và xã hội không cân đối, " chuyên gia về biến đổi và phát triển xã hội Trung Quốc cho biết,

" Trước năm 1985, khoảng cách thu nhập đô thị và nông thôn giảm, do thực tế là cải cách nông thôn vượt trước cải cách đô thị. Nhưng từ năm 1986 tới nay, khoảng cách này liên tục tăng.

Nhiều ngưòi dân nông thôn đã phải hướng ra tìm các trợ giúp bên ngoài, như vay ngân hàng, nhưng phần lớn không được phê chuẩn để được vay

Ông Trần Quang Kim

" Năm 2002, thu nhập của các cư dân đô thị đã cao hơn 4,3 lần so với cư dân nông thôn. Còn năm 2007, mức thu nhập ròng dành cho chi tiêu, tính theo đầu người, ở các hộ đô thị cao hơn ít nhất 3,3 lần so với cùng chỉ số ở các hộ nông thôn. "

Báo cáo của nhà xã hội học Trung Quốc cũng cho thấy một thực tế khác trong hạn chế nguồn lực mà ông tin là một trở lực trong phát triển ở nông thôn Trung Quốc. Do thu nhập thấp, " tín dụng của người dân nông thôn rất hạn chế và họ khó có thể đầu tư vốn nhằm mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất. "

" Nhiều ngưòi dân nông thôn đã phải hướng ra tìm các trợ giúp bên ngoài, như vay ngân hàng, nhưng phần lớn không được phê chuẩn để được vay. "

Hạn chế kinh tế, dẫn tới nhiều khó khăn khác mà người dân nông thôn Trung Quốc đang phải gánh chịu như trong y tế, nhà ở và giáo dục.

Riêng về giáo dục, vẫn theo tiến sỹ Trần Quang Kim, vẫn còn ít nhất không dưới 15% học sinh Trung Quốc nói chung chưa học hết 9 năm giáo dục phổ thông bắt buộc mà đa số trong đó là thuộc nông thôn.

‘Loại trừ xã hội’

Công nhân Trung Quốc tại Bắc Kinh (Reuters)

Hiện vẫn tồn tại các danh mục quy định loại việc dành cho lao động từ nông thôn ở một số đô thị Trung Quốc

Bản báo cáo về xã hội nông thôn của Phó Viện trưởng Xã hội học Trung Quốc còn sử dụng khái niệm " loại trừ xã hội " khi so sánh bất bình đẳng nông thôn so với đô thị, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn bức bách ở nông thôn, người lao động phải tìm lối thoát ra đô thị.

Ông Trần nhận định: " Loại trừ xã hội với cư dân nông thôn tới các thành phố, thị trấn là một thực tế, xuất phát chủ yếu từ chế độ quản lý hộ khẩu giữa đô thị và nông thôn của nhà nước.

"Chính phủ hiện vẫn không có kế hoạch cải cách mạnh mẽ chế độ hộ khẩu này mặc việc này gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dân nông thôn. "

Tiến sĩ Trần khẳng định tại nhiều nơi ở Trung Quốc, chính quyền địa phương vẫn còn phân biệt giữa hộ tịch nông thôn và đô thị, và việc này dẫn tới bất bình đẳng trong " tiếp cận các quyền xã hội.

Rất ít các lao động loại này được ký hợp đồng, họ thường phải chấp nhận làm việc nhiều giờ đồng hồ, lương thấp, điều kiện lao động xấu và thiếu vắng các bảo hiểm xã hội

Báo cáo về lao động di dân nông thôn TQ 2006

" Loại trừ và ngăn ngừa di dân nông thôn tới đô thị đang đặc biệt ảnh hướng tới nhiều lao động nông thôn di cư làm việc ở các thành phố cũng như gia đình của họ, " nhà xã hội học nông thôn nhận xét.

" Vào thập niên 1990, một số chính quyền địa phương còn lập ra danh mục các nghề nghiệp và công việc phân biệt dành cho lao động nông thôn di cư.

"Ngày nay, do giới chuyên môn lên tiếng, việc ban bố các quy định này đã giảm đi, nhưng nhiều lao động nông thôn di cư vẫn chủ yếu làm các công việc công nghiệp hết sức nặng nhọc. "

Phó viện trưởng Viện Xã hội học Trung Quốc trích dẫn một báo cáo điều tra diện rộng về hiện trạng lao động nông thôn nhập cư vào đô thị tại Trung Quốc năm 2006 :

" Rất ít các lao động loại này được ký hợp đồng, họ thường phải chấp nhận làm việc nhiều giờ đồng hồ, lương thấp, điều kiện lao động xấu và thiếu vắng các bảo hiểm xã hội."

" Nói chung, họ ít khi được hưởng và được bảo vệ các quyền lao động và quyền dân chủ khác của họ ở các công ty và trước các dịch vụ công cộng ở thành phố. "

'Cải cách, hy vọng'

Hai lao động đang gánh gạch tại Bắc Kinh (AP)

Lao động nông thôn di cư ra các thành phố thường làm công việc nặng nhọc.

Trong phần kết luận, báo cáo của Tiến sỹ Xã hội học Trần Quang Kim do Trung tâm Châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Ifri của Pháp công bố hồi tháng Bảy, nhấn mạnh một thực tế:

" Trong bối cảnh Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với việc một mặt, hàng hoá tiêu thụ tư nhân khủng hoảng thừa, do tiêu thụ không tăng đủ nhanh, mặt khác, nhà nước không cung cấp đủ các hàng hoá, dịch vụ công cộng, nông thôn Trung Quốc cũng đang bước vào một giai đoạn mới."

" Trong đó, người dân nông thôn vừa cần có thêm các sáng kiến kinh tế mới, vừa cần được tôn trọng và bảo vệ tốt hơn các quyền xã hội và chính trị của họ. "

Tiến sỹ Trần cũng nhận thấy từ sau đại dịch SARS (cúm gia cầm) vốn chỉ ra thực tế các hiểm hoạ xã hội có thể tác động tới xã hội Trung Quốc ra sao, thì " hàng năm lại xuất hiện thêm các sự kiện khác như các xung đột bạo lực từ các cuộc chống đối cá nhân hoặc tập thể đối với thu thuế nông nghiệp và việc trưng thu ruộng, đất".

Tất cả các nhân tố này đang thúc ép Trung Quốc đi tới các hướng mới, trong đó cần nhấn mạnh sự bình đẳng xã hội hơn là hiệu quả kinh tế đơn thuần

Ông Trần Quang Kim

" Nhiều cuộc xung đột quy mô lớn giữa các giới chức địa phương và nông dân đã dẫn tới nhiều diễn biến phức tạp, kể cả các vụ giết người hoặc tự sát. "

Ông kết luận, Trung Quốc phải tiến hành một cải cách triệt để hơn, bao gồm các cải cách kinh tế và xã hội nông thôn sâu rộng, để qua đó hy vọng giải quyết các vấn đề mang tính thách thức sâu sắc đối với hệ thống.

" Khoảng cách đô thị, nông thôn ngày một trở nên xấu hơn và đặt dấu hỏi vào khả năng của nhà nước giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng kinh tế thuộc thế giới thứ ba (ngay ở Trung Quốc)."

" Tất cả các nhân tố này đang thúc ép Trung Quốc đi tới các hướng mới, trong đó cần nhấn mạnh sự bình đẳng xã hội hơn là hiệu quả kinh tế đơn thuần, mà trong đó cần phải chú ý hơn tới các khuôn khổ vốn hạn chế người dân Trung Quốc, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, " TS. Trần Quang Kim kết luận.

Tiến sỹ Trần Quang Kim, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, là chuyên gia xã hội học nông thôn, trực tiếp phụ trách Ban nghiên cứu Phát triển Xã hội của Viện. Ông đồng thời là Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp Tư nhân Trung Quốc.

***************

source

BBC Vietnamese

Chiêm ngưỡng tàu chiến “Tháp đôi” tiến vào New York


Thứ Hai, 02/11/2009 - 11:18 PM


(Dân trí) - Tàu chiến “Tháp đôi” được xây dựng bằng thép lấy từ đống đổ nát của Trung tâm thương mại Thế giới hôm nay đã “trở về” thành phố quê nhà New York.


"Tháp đôi" đi qua khu vực Ground Zero sáng ngày 2/11.
Tàu USS New York đã tiến vào sông Hudson, gần Ground Zero, bắn 21 phát súng để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố năm 2001.
Tàu chuẩn bị đi qua cầu Verrazano-Narrows trong Vịnh New York.
Ngang qua Nữ thần tự do. Phần mũi tàu được làm từ 7,5 tấn thép nóng chảy lấy từ đống đổ nát của Tòa tháp đôi xưa.
Đông đảo người thân của các nạn nhân cùng các thành viên của lực lượng cấp cứu và công chúng đã đón chào tàu “Tháp đôi” trở về.
Đội quân nhạc chờ đón tàu "Tháp đôi".
Người thân của nạn nhân của vụ khủng bố 11/9 chào đón "Tháp đôi" trở về.
Dự kiến Hải quân Mỹ sẽ tổ chức một buổi lễ nhận nhiệm vụ chính thức cho tàu chiến mới vào thứ bảy tới. Tàu New York đã bắt đầu hành trình đầu tiên từ Louisiana, nơi nó được xây dựng, gần 3 tuần trước.
"Tháp đôi" được xây dựng ở Louisiana, có chi phí lên tới 1 tỷ USD.
Phần mũi của tàu được làm từ 7,5 tấn thép nấu chảy lấy trong đống đổ nát của 2 toà tháp Trung tâm thương mại Thế giới bị đổ sập trong vụ khủng bố 11/9.

Phan Anh

Theo BBC, Daily Mail

source

http://dantri.com.vn/c36/s36-359704/chiem-nguong-tau-chien-thap-doi-tien-vao-new-york.htm