Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Trung Quốc cảnh cáo các nước láng giềng thân Mỹ



26-08-2010

Trung Quốc cảnh cáo các nước láng giềng thân Mỹ


Frank ChingRim lược dịch


Trung Quốc cảnh cáo các nước láng giềng thân Mỹ


Trung Quốc cảnh cáo các nước Á châu: thao diễn quân sự với Hoa Kỳ có hại cho sức khỏe. Nam Hàn và Việt Nam, là hai nước vừa có thao diễn hải quân với đối tác Hoa Kỳ, đã bị cảnh cáo rằng Hoa Kỳ thì xa xôi vạn dặm, tài chánh đang gặp khó khăn trầm trọng và không là một đối tác đáng tin cậy trong lúc Trung Quốc là ông láng giềng gần, ở ngay xịch bên cạnh.

“Những cuộc thao diễn quân sự làm Nam Hàn bất ổn,” là tít báo lớn trên trang nhất tờ Thời báo Toàn cầu (Global Times) hôm thứ Sáu, là tờ báo cùng cha cùng mẹ với tờ Nhân dân Nhật báo.

Nam Hàn và Hoa Kỳ đang tiến hành một loạt thao diễn quân sự nhằm cảnh cáo Bắc Hàn không được có thêm hành động hiếu chiến đối với Nam Hàn nữa. Cuộc thao diễn quân sự này xảy ra sau vụ chiến hạm Cheonan của Nam Hàn bị thủy lôi Bắc Hàn bắn chìm hôm tháng Ba, làm 46 thủy thủ thiệt mạng.

Nhưng những cuộc tập trận như thế, và như một đồng minh quân sự mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ, liệu sẽ mang đến cho Nam Hàn sự an ninh mà Nam Hàn đang tìm kiếm, tờ Thời báo Toàn cầu đặt vấn đề.

“Những cuộc thao diễn quân sự mới chỉ gởi thêm tín hiệu thù địch cho Bắc Hàn,” tờ báo nói. “Chính thái độ thù nghịch là nguồn bất ổn và bắt buộc Bắc Hàn phải có những hành động liều mạng hơn.”

Hơn nữa, bài báo nói rõ, Nam Hàn không những gây thù địch với Bắc Hàn – mà còn khiêu khích Trung Quốc nữa.

“Bất luận Hoa Kỳ và Nam Hàn giải thích như thế nào, thao diễn quân sự ở vùng biển bao quanh Trung Quốc hiển nhiên là có ý đồ nhắm vào Trung Quốc,” theo tờ báo.

Trung Quốc: "thao diễn quân sự với Hoa Kỳ có hại cho sức khỏe". Nguồn: Onthenet
Ngũ Giác Đài đã thông báo hàng không mẫu hạm USS George Washington sẽ không tham dự cuộc tập trận dự trù sẽ xảy ra vào tháng tới ở Biển Hoàng Hải gần Trung Quốc. Đây là lần thứ nhì chiếc hàng không mẫu hạm này không tham dự trong những cuộc thao diễn quân sự ở biển Hoàng Hải sau khi người Trung Hoa phản đối, họ cho rằng sự có mặt của chiếc chiến hạm này sẽ gây phương hại đến nền an ninh quốc gia của họ.

Quyết định của Hoa Kỳ, một lần nữa, nhằm chìu theo ý Bắc Kinh chắc chắn sẽ được Hán Thành ghi nhận.

Tờ Thời báo Toàn cầu nói thêm, tuy không đề cập đến tên: “Nam Hàn cần giữ cho đầu óc tỉnh táo rằng nền an ninh phải được xây dựng trên thiện chí với các nước làng giềng của mình. Một liên minh Hoa Kỳ - Nam Hàn mạnh mẽ có thể làm phương hại đến niềm tin của Hán Thành đối với các nước láng giềng, và điều này đưa đến sự bất ổn.”

Điều đó có nghĩa, đây là một sai lầm cho Nam Hàn khi nghĩ rằng Nam Hàn có thể dựa vào Hoa Kỳ để đối phó với ông láng giềng vĩ đại của mình – ông Trung Quốc.

Một sự cảnh cáo tương tự cũng dành cho Việt Nam, sau khi Việt Nam cũng tiến hành cuộc hoạt động chung với hải quân Hoa Kỳ.

Chiếc hàng không mẫu hạm USS George Washington cũng đến Việt Nam sau khi tập trận ở phía đông bán đảo Triều Tiên. Có lẽ có ý nghĩa hơn, là Việt Nam và Hoa Kỳ vừa có cuộc hội thảo về phòng thủ lần đầu tiên xảy ra tuần rồi trong khi hội thảo quân sự giữa Hoa Thạnh Đốn và Bắc Kinh vẫn đang bị đình chỉ.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Jiang Yu cảnh cáo rằng tình trạng Việt Nam “mỏng mảnh mong manh như một giỏ trứng” với những hiểm nguy nằm chờ chực ba bên bốn phía.

Jiang Yu: “Nếu Trung Quốc và Việt Nam thật sự có đụng độ quân sự, sẽ không có hàng không mẫu hạm của bất cứ nước nào có thể bảo đảm được sự an ninh cho Việt Nam.”. Nguồn: Xinhua
Việt Nam, bà Yiang Yu cảnh cáo, đang làm cho người Trung Hoa phật lòng. Hà Nội “có lẽ đánh giá khả năng bảo vệ của chiếc dù chú Sam cao quá,” bà tuyên bố thẳng thừng. “Nếu Trung Quốc và Việt Nam thật sự có đụng độ quân sự, sẽ không có hàng không mẫu hạm của bất cứ nước nào có thể bảo đảm được sự an ninh cho Việt Nam.”

Bà Jiang Yu khuyên Việt Nam “từ bỏ cái ý tưởng muốn làm gì thì làm ở Biển Nam Hải dưới sự bảo vệ của hải quân Hoa Kỳ.”

Trung Quốc vạch rõ rằng Hoa Kỳ đang sa lầy với cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, đang đối diện với khó khăn kinh tế và tài chánh, lại đang từng bước cắt giảm chi tiêu quân sự.

Tờ báo mạng Nhật báo Nhân dân đã tường thuật việc giải tán Bộ Chỉ huy Hỗn hợp (JFC), mới được thành lập chưa tới một năm ở Norfolk, tiểu bang Virginia để tập chú vào việc hoán đổi khả năng quân sự của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ông Robert Gates vừa cho hay tuy ngân qũy dành cho quốc phòng gia tăng một hay hai phần trăm hàng năm, nhưng sự gia tăng này không đủ để duy trì khả năng chiến đấu của quân đội, vốn đòi hỏi sự gia tăng từ hai đến ba phần trăm.

Ngược lại, Trung Quốc có tình trạng tài chánh tốt hơn nhiều và có khả năng gia tăng ngân qũy quốc phòng gần hai con số hằng năm. Chính sách vừa răn đe vừa hăm doạ của Trung Quốc có thể mang lại một vài kết quả nào đó, nhưng thiết tưởng sẽ khôn ngoan hơn cho Trung Quốc nếu họ trở lại với chính sách xưa cũ của mình trước đây, nhấn mạnh vào sự thiện chí và hợp tác cùng phát triển.

Lối tiếp cận chủ động nhẹ nhàng, hấp dẫn của Trung Quốc trong thập niên 80 mang lại kết quả lớn lao. Dùng đến sự hăm họa và tống tiền có thể làm cho một số nước nhỏ trong vùng Á châu sợ vãi trong quần, nhưng thái độ hống hách này sẽ không tạo nên những người bạn và đồng minh tin cậy, đó chính là những gì Trung Quốc đang cần.


© DCVOnline



Nguồn:

(1) China warns US-friendly neighbors. The China Post, 25 August 2010
source
DCV Online

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Phi cơ Bắc Hàn rơi ở Trung Quốc


Cập nhật: 12:09 GMT - thứ tư, 18 tháng 8, 2010

Phi cơ Bắc Hàn rơi ở Trung Quốc

Phi cơ bị cho là của Bắc Hàn rơi xuống tỉnh Liêu Ninh

Một phi cơ Bắc Triều Tiên mà có thể là chiến đấu cơ của không quân đã đâm xuống lãnh thổ Trung Quốc thuộc vùng biên giới làm chết người phi công, theo tin của các hãng thông tấn Trung Quốc và Nam Hàn.

Theo hãng Yonhap trích nguồn tình báo không nêu tên, người ta tin rằng phi công Bắc Hàn tìm cách trốn sang Nga.

Vụ rơi máy bay xảy ra hôm thứ Ba 17/8 tại tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc.

Việc đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên không phải là hiếm nhưng vụ trốn bằng máy bay thì hiếm xảy ra và có thể làm Bình Nhưỡng mất mặt.

Trung Quốc có hiệp ước nộp trả mọi người Bắc Hàn trốn sang lãnh thổ của họ nên có thể đây là lý do khiến người phi công tìm cách bay sang Nga.

Bắc Hàn có căn cứ không quân ở Sinuiju, gần biên giới với Trung Quốc.

Tân Hoa Xã đưa tin rằng một phi cơ nhỏ, không có số hiệu và có thể của Bắc Hạn đã gặp nạn.

Hiện nhà chức trách đang điều tra vụ việc trong lúc có bình luận không chính thức rằng vỏ phi cơ không có dấu hiệu cháy nổ nên có thể nó bị rơi vì hết xăng.

Hình dân địa phương chụp chiếc máy bay cho thấy cờ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở đuôi.

Các chuyên gia quân sự nói chiếc phi cơ có vẻ như là MiG-15, loại được dùng trong chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Tờ Minh Báo ở Hong Kong nói người phi công thứ nhì đã nhảy dù được ra nhưng không đưa thông tin gì về số phận của ông ta.

Tuy thế, tin của Nam Hàn nói là chỉ có một phi công lái chiếc máy bay.

Nơi máy bay rơi là Lagu, một làng ở Liêu Ninh, cách biên giới Bắc Hàn 150 km.

Tin từ phía Trung Quốc cũng nói chính quyền nước này đã báo cho nước láng giềng Bắc Triều Tiên về vụ việc.

Người dân tại làng Ersonggou, cách nơi rơi máy chừng 5 km, nói họ thấy chiếc phi cơ bay thấp qua vùng này trước khi đâm xuống một khu vườn.

Một người đàn ông chỉ xưng họ của ông là Ning kể lại rằng "Động cơ máy bay phát tiếng lạ, nó bay lúc cao lúc thấp, trông như một đống sắt vụn bay trên trời".

source

BBC Vietnamese

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Mông Cổ, đường dây buôn người lao động Bắc Triều Tiên


BẮC TRIỀU TIÊN - MÔNG CỔ -
Bài đăng : Thứ ba 10 Tháng Tám 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Tám 2010
Mông Cổ, đường dây buôn người lao động Bắc Triều Tiên
Những người lao động Bắc Triều Tiên (2007)
Những người lao động Bắc Triều Tiên (2007)
Reuters/Reinhard Krause
Anh Vũ

Báo Le Figaro hôm nay có bài chú ý đến châu Á với tựa đề « Mông Cổ trung tâm buôn lậu lao động Bắc Triều Tiên » . Phóng viên của tờ báo đã đến tận thủ đô Ulan Bato để có bài viết về tình trạng buôn bán lao động Bắc Triều Tiên tại Mông Cổ.

Tác giả bài báo ghi nhận, tại một khu phố của trung tâm thủ đô Ulan Bato, có một trụ sở, bên ngoài có cắm cờ Bắc Triều Tiên. Đó là một văn phòng công chứng, nhưng ông chủ của nó còn là một nhà thầu lao động đến từ Bắc Triều Tiên. Theo tác giả bài báo thì cách đây ít tuần, có 6 người Bắc Triều Tiên làm lập trình tin học đã đến làm việc tại các cơ sở của ông chủ này và lương của họ được rót thẳng vào tài khoản của nhà độc tài Kim Jong Il. Những người đó hoàn thành công việc đã trở về nước, nhưng sẽ có những người khác sang thay thế họ.

Theo tác giả bài báo, chế độ kiệt quệ Bình Nhưỡng đang xoay sang việc bán nhân công ra nước ngoài để làm nguồn thu. Từ vài năm trở lại đây người ta đã đồn đoán có bóng dáng của các công nhân Bắc Triều Tiên trên các công trường ở những nước từ châu Phi đến Đông Nam Á hay Trung Đông. Nhưng giờ đây ở Ulan Bato, tin đồn đó là chuyện có thật. Một người có trách nhiệm của chính quyền đã cho Le Figaro biết, Mông cổ vừa thỏa thuận với Bình Nhưỡng nhận 5 nghìn lao động Bắc Triều Tiên. Vẫn theo nhân vật này thì vào lúc lệnh trừng phạt quốc tế đang đánh mạnh vào việc buôn bán vũ khí của Bắc Triều Tiên, một nguồn thu ngân sách truyền thống của nước này, thì bán lao động là nguồn thu duy nhất còn lại của chế độ này.

Mông Cổ là nước thưa dân, chỉ có 2,7 triệu người, trong bối cảnh bùng nổ của ngành khai mỏ phục vụ cho công cuộc phát triển, đất nước nhỏ bé này đang rất thiếu nhân lực.

Những công nhân được Bình Nhưỡng gửi đến là nguồn nhân lực lý tưởng cho các công việc nặng nhọc như xây dựng đường xá, nhà cửa hay lái xe tải. Nhưng điều quan trọng hơn cả là giá rẻ hơn so với lao động Trung Quốc hay Mông Cổ, theo như lời giải thích của ông chủ tịch của Chinggis, một tập đoàn Công nghiệp lớn nhất Mông Cổ. Ông chủ này cũng cho biết là các công nhân Bắc Triều Tiên rất kỷ luật và chấp nhận làm việc vất vả. Nhất là họ không phải là người Trung Quốc, đây là một ưu thế ở Mông Cổ, một đất nước vẫn bị ám ảnh từ bao đời nay về sự xâm lược của người láng giềng vĩ đại Trung Quốc. Việc có mặt các công nhân Bắc Triều Tiên góp phần nào vào việc ngăn chặn làn sóng ồ ạt của công nhân Trung Quốc, đang coi Mông Cổ như là một miền đất hứa mới.

Để khuyến khích việc chọn công nhân Bắc Triều Tiên, chính phủ Mông Cổ còn miễn cho các công ty 200 đô la tiền thuế mỗi tháng trên một đầu lao động ngoại quốc.

Tạm nhập để tái xuất

Thế nhưng theo bài báo thì người Mông Cổ còn muốn đi xa hơn nữa, họ muốn từ đây lại xuất khẩu tiếp lực lượng lao động này sang các nước đang phát triển khác. Mông Cổ đã tái xuất các công nhân Bắc Triều Tiên sang Algerie, nơi mà họ lại phải lăn lưng ra làm cho các ông chủ Hàn Quốc, những người không thể ký kết được với người anh em thù địch miền Bắc.

Theo Le Figaro, hình thức buôn bán người này đã bị tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch lên án. Điều đáng quan ngại là những lao động Bắc Triều Tiên đó chỉ được nhận một phần đồng lương, phần lớn còn lại được rót về cho ngân quỹ nhà nước.

Nguồn thu này của chế độ Bình Nhưỡng sẽ phải đặt thành vấn đề khi mà Hoa Kỳ đang chuẩn bị thắt chặt các biện pháp trừng phạt mới để ngăn chặn mọi nguồn tài chính từ buôn bán của Bắc Triều Tiên nhằm phục vụ cho chương trình hạt nhân quân sự của họ.

Nhưng Washington vẫn làm ngơ trước thỏa thuận giữa Mông Cổ và chế độ của Kim Jong Il. Bởi các nhà ngoại giao Mỹ nhìn thấy được ở mối quan hệ hữu nghị kia có thể tìm được một kênh liên lạc hiếm hoi với chế độ kín cổng cao thường nhất thế giới kia. Và biết đâu có thể đây sẽ lại có ích trong trường hợp khởi động các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên.

Singapore, nhà vô địch thế giới về tăng trưởng kinh tế

Singapore không chỉ mang danh là thành phố sạch sẽ nhất thế giới, thu hút nhiều người đến nhất mà giờ đây còn là quốc gia còn có mức tăng trưởng lớn nhất thế giới. Đó là nhận định của Le Figaro trong bài viết trên phụ trang kinh tế mang tựa đề: « Đảo quốc Singapore khẳng định vị trí vô địch thế giới về tăng trưởng kinh tế ».

Theo tờ báo, chính phủ Singapore thông báo bảo đảm thu nhập nội địa của mình sẽ tăng từ 13 đến 15 % trong năm 2010, trong khi mà năm ngoái con số này bị thu lại chỉ còn 1,3%. Theo bài báo không có phép màu nào khác ngoài việc quản lý bộ máy nhà nước.

Tờ báo nhận thấy ở đất nước nhỏ bé dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của cố vấn Lý Quang Diệu, các bộ được quản lý như các công ty tư nhân. Lãnh đạo bộ nhận lương như một tổng giám đốc công ty kinh doanh, một bộ trưởng có thể nhận lương 1 triệu đô la một năm mà không gây sốc cho ai hết. Các viên chức được trang bị kiến thức và phương tiện như những cán bộ thương mại giỏi nhất.

Nhưng sức mạnh thực sự của cỗ máy kinh tế Singapore là EDP (Singapore Economic Development Board), một cơ quan đầy quyền lực của chính phủ, phụ trách việc lên kế hoạch phát triển cho Singapore. Các nhân viên của cơ quan này là những người năng động có phẩm chất chuyên môn giỏi nhất mà bất cứ một doanh nghiệp quốc tế nào cũng đều muốn có.

Bài báo cho biết nền kinh tế của đảo quốc 5 triệu dân này dựa trên ba trụ cột chính : Công nghiệp chế biến, dịch vụ tài chính và dịch vụ cho các công ty. Ngoài ra còn là chính sách ưu đãi về thuế đặc biệt cho các công ty đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Thiên tai liên tiếp đẩy thế giới sẽ đi về đâu ?

Thiên tai, đây là chủ đề dai dẳng trong suốt tuần qua đến hôm nay vẫn chưa dứt. Hình ảnh chủ đạo trên nhất các tờ báo chính ra hôm nay là « thủy » và « hỏa ».

Lửa thì vẫn đang hoành hành tàn phá ở nước Nga, còn nước thì tràn lan nhấn chìm hàng trăm nghìn km² ở khu vực châu Á, đẩy cuộc sống hàng triệu người dân vào khốn đốn. Các sự kiện thiên tai chưa từng thấy cứ liên tiếp xuất hiện gây ra nỗi bất hạnh cho cả chục triệu người trên hành tinh khiến mọi người phải đặt câu hỏi: rồi thế giới này sẽ đi tới đâu ?

« Hỏa hoạn, nước Nga ngột thở », nhận định của báo Libération không có gì là mới từ cả tuần nay, nhưng trận hỏa hoạn kéo dài trước sự bất lực của chính quyền đang ngày càng đe dọa tính mạng của con người nhiều hơn. Tờ báo cho biết tỷ lệ tử vong ở Nga có liên quan đến vụ cháy rừng đã tăng gấp đối. Người ta đang lo ngại rồi đây bệnh dịch sẽ lan tràn. Nước Nga đang đứng trước một thảm họa về sinh thái và y tế.

Trong khi đó, trang nhất báo La Croix chạy dòng tựa bằng tiếng kêu cứu của thủ tướng Pakistan : «Tôi kêu gọi thế giới giúp đỡ chúng tôi », trên nền một bức ảnh một gia đình ba mẹ con đang ngâm mình trong mênh mông nước lụt. Tờ báo cho biết 16 triệu người Pakistan đang là nạn nhân của trận lụt kinh hoàng, chính quyền không hề giấu diếm rằng sự kiện đã vượt quá tầm kiểm soát của họ.

Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc đánh giá, thảm họa lũ lụt ở Pakistan còn nặng nề hơn cả trận sóng thần năm 2004 ở Đại Tây Dương, tồi tệ hơn cả trận động đất ở Haiti. Dù chưa và cũng không thể thống kê được hết mức thiệt hại của trận lụt này, nhưng vẫn có thể khẳng định đây là một trong những trận thiên tai lớn của thế kỷ.

La Croix cũng ghi nhận thêm, không riêng gì Pakistan mà « cả lục địa Á châu đang phải hứng chịu thiên tai ». Từ miền Bắc Ấn Độ cho đến Bắc Triều Tiên rồi qua miền tây Trung Quốc, những trận mưa lớn kéo dài đã làm cho hàng nghìn người bị chết bị thương và lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Bất lực của con người trước thiên nhiên

Trước những cơn giận giữ của thiên nhiên như vậy, con người vẫn thường tỏ ra bất lực nhưng không phải vì thế mà không có trách nhiệm.

Tờ Le Figarro nhận thấy : Từ vùng Ural đến vịnh Mêhicô, khắp nơi đâu người ta cũng có thể tìm ra được những những thí dụ về khả năng kém cỏi trong việc quản lý mỗi khi có thiên tai, hay tai nạn xảy ra, đó là do con người không biết dự tính trước, coi nhẹ sự việc.

Thí dụ cơn bão Katrina đã tàn phá vùng Loussiana năm 2005 đã bộc lộ cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền Mỹ. Ngay tại đất nước giàu có nhất thế giới cũng vẫn thường xuyên phải bó tay trước những rủi ro từ thiên nhiên mang tới. Báo L’Humanité thì cảm thấy số lượng các thảm họa thiên tai cho thấy còn lâu con người mới chế ngự được thiên nhiên, trong khi chúng ta vẫn còn chưa làm được điều này với chính bản thân mình… Những quyết định do con người đưa ra hình như chưa phải trước hết vì sự quan tâm đến tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất.

Một sự kiện khác liên quan đến môi trường sống của chúng ta cũng được Le Figaro nhắc tới : một khối băng khổng lồ có diện tích 260 km², tức là lớn gấp hai lần thành phố Paris đang bị tách ra khỏi đảo băng Groenland. Tờ báo đặt câu hỏi : Có phải hiện tượng này là do biến đổi khí hậu không ? Khó có thể khẳng định chính xác, nhưng có điều chắc chắn đó là giới quan sát khoa học nhận định rằng nhiệt độ trái đất 6 tháng đầu năm nay lên cao nhất kể từ cả thế kỷ qua … và ngay từ đầu thế kỷ này đang xuất hiện dấu hiệu cho thấy các núi băng ở hai cực trái đất tan chảy.

Kết thúc mục điểm báo là một tin vui đến cho thể thao Pháp. Tại giải vô địch bơi lội châu Âu tại Hungari, tay bơi trẻ Pháp Yannick Agnel, mới 18 tuổi đã giành được tấm huy chương vàng ở cự ly 400 mét tự do, trong giải thi đấu quốc tế lớn đầu tiên của anh. Tại môn thi đấu tiếp sức 4 lần 100 mét, đội tuyển Pháp phải nhận huy chương bạc sau các tay bơi Nga.

source

RFI Vietnamese