Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Hàn Quốc truy đuổi tàu Trung Quốc đánh cá trái phép tại Hoàng Hải


BẮC Á -
Bài đăng : Thứ hai 20 Tháng Mười Hai 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 20 Tháng Mười Hai 2010
Hàn Quốc truy đuổi tàu Trung Quốc đánh cá trái phép tại Hoàng Hải
Một chiếc tàu đánh cá đi ngang qua tàu tuần tra Hàn Quốc ngoài khơi đảo Yeonpyeong ngày 19/12/2010.
Một chiếc tàu đánh cá đi ngang qua tàu tuần tra Hàn Quốc ngoài khơi đảo Yeonpyeong ngày 19/12/2010.
REUTERS/Newsis/Korea Pool
Thanh Hà

Một phát ngôn viên của lực lượng phòng vệ duyên hải Hàn Quốc cho biết Seoul tiến hành chiến dịch truy đuổi tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép Hoàng Hải. Ngày 18/12 sau khi xẩy ra vụ một tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên của Hàn Quốc, làm 1 người chết.

Theo AFP, trong ba ngày, kể từ hôm nay, chính quyền Seoul huy động 18 tàu tuần duyên, hai trực thăng và khoảng 200 lính tham gia chiến dịch truy đuổi tàu cá Trung Quốc thâm nhập và đánh cá trái phép tại khu vực Hoàng Hải, thuộc chủ quyền của Hàn Quốc.

Chiến dịch này được phát động sau sự cố hôm thứ bảy vừa qua : Ngày 18/12, một tàu cá Trung Quốc trọng tải 63 tấn, đâm phải một tàu tuần duyên có trọng tải 3000 tấn của Hàn Quốc. Vụ va chạm làm một thủy thủ Trung Quốc thiệt mạng và một người khác bị mất tích. Tám ngư dân Trung Quốc thoát nạn. Ba trong số này đã được lính tuần duyên Hàn Quốc đưa vào bờ để thẩm vấn.

Vẫn theo lời phát ngôn viên lực lượng phòng vệ duyên hải Hàn Quốc, trong vụ đụng độ hôm thứ bảy vừa qua, ngư phủ trên tàu cá Trung Quốc đã dùng các thanh sắt, gậy gộc và xẻng để tấn công làm bốn lính tuần duyên Hàn Quốc bị thương. Trong vụ xô xát, 10 người trên tàu Trung Quốc đã rơi xuống biển. Thuyền trưởng tàu Trung Quốc, 28 tuổi, đã được vớt lên trong tình trạng hôn mê và qua đời sau đó tại bệnh viện.

Vẫn theo AFP, tàu Trung Quốc thường xuyên đánh bắt cá trái phép trong hải phận của Hàn Quốc. Năm ngoái 323 tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ thâm nhập vào lãnh hải Hàn Quốc. Trong năm 2008, một lính tuần dương Hàn Quốc bị chết đuối trong lúc thanh tra tàu cá Trung Quốc và 10 người khác bị thương trong các chuyến công tác.

Trước mắt, Bắc Kinh chưa chính thức lên tiếng về sự cố nói trên. Tuy nhiên trên mạng internet, dư luận Trung Quốc tỏ ra bất bình. Có nhiều tiếng nói đòi chính quyền trừng phạt Seoul đích đáng. Dù sao sự cố trên biển giữa Trung Quốc với Hàn Quốc cũng làm mọi người liên tưởng đến vụ đụng độ gần khu vực quần đảo Senkaku / Điếu Ngư nơi Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền trên biển.

source

RFI Vietnamese

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động quân sự ở châu Á


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Năm, 02 tháng 12 2010

Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động quân sự ở châu Á

Vào lúc một cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp của Hoa Kỳ chấm dứt ở châu Á, một cuộc tập trận khác lại sắp bắt đầu. Cũng như trường hợp các cuộc thao dượt hải quân trong Hoàng Hải vừa kết thúc, các giới chức nói rằng cuộc tập trận mới nhất này không phải là để đáp lại cuộc pháo kích mới đây của Bắc Triều Tiên. Nhưng họ cho biết nó sẽ chứng tỏ thêm khả năng của các liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm ngăn chặn bất kỳ nước nào có tiềm năng tấn công. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa Kỳ
Hình: AP

Hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa Kỳ


Quân đội Hoa Kỳ và quân đội Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc thao dượt chung từ ngày mai, chủ yếu trong hải phận ngoài khơi duyên hải phía nam Nhật Bản, gần bán đảo Triều Tiên.

Cuộc thao diễn được đặt tên là Keen Sword, sẽ bao gồm các lực lượng tổng hợp của 60 chiến hạm, 400 máy bay và 44.000 người.

Thiếu tá không quân Joe Macri, tại tổng hành dinh Lực lượng Hoa Kỳ ở Nhật Bản, nói rằng cuộc tập trận này được tổ chức theo lệ thường, cách một năm một lần, và không có liên hệ với tình hình căng thẳng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên.

Ông Macri cho biết: “Sẽ có các hoạt động của hải quân, không quân, lục quân, đại khái là toàn diện các hoạt động quân sự. Sẽ có rất nhiều máy bay và một số di chuyển có liên quan đến hàng không mẫu hạm George Washington. Hoạt động bao trùm mọi thứ từ các sinh hoạt bay quy mô lớn cho đến hoạt động phòng vệ căn cứ ở cỡ nhỏ hơn.”

Các sĩ quan quân đội Nam Triều Tiên sẽ quan sát cuộc thao diễn.

Cuộc thao diễn sẽ lớn hơn nhiều so với cuộc tập trận trên biển do hải quân Mỹ và Nam Triều Tiên tiến hành trong vùng Hoàng Hải.

Hai cuộc thao diễn riêng rẽ của Hoa Kỳ, với các đồng minh chính ở châu Á, diễn ra sau vụ Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên hôm 23 tháng 11.

Lo ngại gia tăng về dự kiến Bắc Triều Tiên sẽ thực hiện một cuộc tấn công vũ trang khác.

Một bản tin trên một nhật báo Nhật Bản đã nhất thời gây rối loạn các thị trường tiền tệ ở châu Á hồi sáng hôm nay. Tờ Tokyo Shimbun loan tin vào một thời điểm nào đó trong tháng này, Bắc Triều Tiên có thể nhắm mục tiêu vào một tỉnh lân cận với thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên. Bài báo gán thông tin này cho một nguồn tin đã nói chuyện với một giới chức tình báo của Bắc Triều Tiên.

Seoul chỉ cách khu phi quân sự có 40 kilomet về hướng nam. Đó là đường biên giới ngăn cách hai nước Triều Tiên. Thủ đô Nam Triều Tiên nằm trong tầm bắn của trọng pháo Bắc Triều Tiên.

Ông Yang Mujin là một giáo sư chuyên khảo cứu về Bắc Triều Tiên tại trường Đại học Seoul. Ông nói ông không lấy làm lạ rằng những tin đồn này đang len lỏi vào giới truyền thông ở thời điểm này, nhưng ông cho rằng không nên tin vào mọi thứ được tường trình.

Nhưng giáo sư Yang cảnh báo rằng chính phủ Nam Triều Tiên cần phải sẵn sàng cho bất cứ khả năng khiêu khích thêm từ phía Bắc Triều Tiên.

Tại một cuộc tường trình tại Quốc hội hôm qua, người đứng đầu ngành tình báo Nam Triều Tiên cảnh báo rằng có nhiều rủi ro về một cuộc tấn công quân sự khác của Bình Nhưỡng. Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên cũng đưa ra một nhận định tương tự vào ngày trước đó.

Các giới chức quân đội Nam Triều Tiên cho hay họ đang hoạch định mở các cuộc thao dượt rộng lớn bằng đạn thật trong vùng hải phận bao quanh đất nước, bắt đầu từ thứ hai tuần tới. Một số cuộc thao dượt sẽ diễn ra ở ngay hay gần hòn đảo Yeonpeong, ngoài khơi duyên hải phía tây.

Yeonpyeong đã bị trúng một loạt trọng pháo của Bắc Triều Tiên gây chết người trong một cuộc thao dượt bằng đạn thật của Nam Triều Tiên hồi tuần trước.

Ngay trước khi bắt đầu các cuộc thao diễn mới, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ họp tại Washington vơí các ngoại trưởng Nam Triều Tiên và Nhật Bản.

Trung Quốc, đồng minh lớn cuối cùng còn lại của Bắc Triều Tiên, đã tự chế không chỉ trích Bình Nhưỡng về vụ pháo kích đó.

Nhật báo chính thức duy nhất của Trung Quốc trích lời nhà lập pháp chính của nước này nói với một phái đoàn của Bắc Triều Tiên đi thăm Trung Quốc rằng tình thân hữu giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã vượt qua những biến chuyển và các cơn bão táp quốc tế và qua thời gian đã tự lấp đầy.

Một số nhà phân tích thời cuộc trong khu vực dự đoán rằng sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên nhắm mục đích đòi nối lại các cuộc thương thuyết quốc tế sẽ đưa đến chỗ Bình Nhưỡng nhận được viện trợ cực kỳ cấp thiết từ bên ngoài.

source

VOA Vietnamese

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Dân Bắc Triều Tiên tiếp tục đào thoát vì tình trạng thiếu lương thực


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Ba, 23 tháng 11 2010

Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên

Bắc Triều Tiên hôm nay đã pháo kích vào một hòn đảo nhỏ của Nam Triều Tiên trong vùng biên giới giữa lúc các lực lượng Nam Triều Tiên tiến hành một cuộc tập trận trên đảo này. Các giới chức cho biết 1 binh sĩ Thủy quân Lục chiến thiệt mạng và 13 người khác bị thương. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài VOA tường thuật rằng Nam Triều Tiên đã bắn trả, phái chiến đấu cơ tới nơi và đặt binh sĩ trong tình trạng báo động cao.

KOREAS TENSION
Hình: AP

Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung Bak nói rằng nước ông sẽ có phản ứng mạnh mẽ trước vụ pháo kích này.


Giới hữu trách Nam Triều Tiên cho biết mấy mươi quả đạn đại bác của Bắc Triều Tiên đã làm cho nhà cửa bốc cháy trên đảo Yeongpyeong của Nam Triều Tiên, nằm cách bờ biển của Bắc Triều Tiên 12 kilo mét.

Vụ pháo kích xảy ra một cách bất ngờ vào khoảng 2 giờ rưỡi chiều giờ địa phương trong lúc các lực lượng Nam Triều Tiên đang diễn tập trên đảo này.

Ông Shin Eung-Ho, thuyền trưởng của một chiếc tàu đánh cá ở Yeongpyeong cho biết một quả đạn rơi vào nhà bên cạnh nhà ông.

Ông Shin nói rằng 15 quả đạn đại bác rơi xuống đảo này trong đợt pháo kích đầu tiên. Vụ pháo kích tạm ngưng khoảng 40 phút trước khi diễn ra trở lại và phá hủy nhiều ngôi nhà.

Đảo này có hơn một ngàn dân, và nhiều người đã vội vã xuống hầm trú ẩn trong lúc những người khác xuống tàu bỏ chạy.

Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung Bak đã họp với các viên phụ tá trong một căn hầm chỉ huy và nói rằng nước ông sẽ có phản ứng mạnh mẽ trước vụ pháo kích này. Các lực lượng Nam Triều Tiên đã bắn trả.

Trung Quốc đã chính thức bày tỏ quan tâm trước diễn tiến này và nói rằng cả hai miền Triều Tiên cần làm nhiều hơn nữa để góp phần duy trì hòa bình. Chính phủ Nga cũng lên tiếng yêu cầu ngưng chỉ các hành động làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Vụ pháo kích hôm nay là vụ tấn công dữ dội nhất của Bắc Triều Tiên nhắm vào thường dân Nam Triều Tiên trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, hồi tháng 3 vừa qua, một chiến hạm của Nam Triều Tiên bị chìm sau khi bị đánh trúng bởi một ngư lôi mà Nam Triều Tiên nói là do tàu ngầm Bắc Triều Tiên bắn đi. 46 binh sĩ hải quân Nam Triều Tiên thiệt mạng trong vụ này.

Vụ tấn công hôm nay xảy ra vài ngày sau khi Bình Nhưỡng tiết lộ với các chuyên gia Hoa Kỳ rằng họ đã xây một cơ sở tinh luyện uranium, một loại chất liệu có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.





VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Hai, 15 tháng 11 2010

Dân Bắc Triều Tiên tiếp tục đào thoát vì tình trạng thiếu lương thực

Chính phủ Nam Triều Tiên cho biết trên 10.000 người Bắc Triều Tiên đã đến miền Nam trong 3 năm qua. Từ Seoul, thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật rằng con số này có phần chắc sẽ gia tăng vì nước cộng sản Bắc Triều Tiên nghèo khó không có đủ lương thực.

Số người đào thoát bắt đầu gia tăng sau khi Bắc Triều Tiên lâm vào nạn đói kém vào giữa thập niên 1990
Hình: AP

Số người đào thoát bắt đầu gia tăng sau khi Bắc Triều Tiên lâm vào nạn đói kém vào giữa thập niên 1990

Hôm nay chính phủ Nam Triều Tiên nói rằng tổng số người Bắc Triều Tiên đào thoát sang miền Nam đã vượt quá con số 20.000 người kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc vào năm 1953.

Nữ phát ngôn viên bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Lee Jong-joo cho biết người thứ 20.000 đến miền Nam hôm thứ Năm tuần trước.

Ông Lee cho biết: “Người đào thoát thứ 20.000 là một phụ nữ 41 tuổi chỉ được biết là họ Kim. Bà này đến từ tỉnh Yanggang của Bắc Triều Tiên cùng với 2 người con trai.”

Khoảng một nửa số người trốn sang miền Nam từ năm 2007 và trong năm ngoái có độ 2.900 người.

Các giới chức bộ Thống Nhất Nam Triều Tiên cho biết họ dự kiến số người miền Bắc đào thoát sẽ gia tăng đều đặn vì tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn và vì nạn đói kém tại nước cộng sản nghèo khó này.

Hai nước Triều Tiên bị chia cắt bởi một biên giới được canh phòng kiên cố, cho nên phần lớn những người bỏ trốn đã đến Trung Quốc trước khi tới miền Nam.

Theo các tổ chức cứu trợ thì có khoảng trên 10.000 người chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên khác đang trốn tránh ở Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Quốc trả về Bắc Triều Tiên bất cứ người nào bị họ phát hiện.

Số người đào thoát bắt đầu gia tăng sau khi Bắc Triều Tiên lâm vào nạn đói kém vào giữa thập niên 1990.

Sau đó tình hình lương thực tại nước này lại trở nên nghiêm trọng.

Bà Victoria Sekitoleko là một đại diện của Tổ chức Lương nông quốc tế trong khu vực và mới đến thăm Bắc Triều Tiên hồi tháng 9 năm nay. Hôm nay bà cho biết trên 30% người Bắc Triều Tiên đang có khả năng bị thiếu dinh dưỡng.

Bà Sekitoleko nói: “Tôi đã đến thăm nhiều nhà, nhiều trường học và trông thấy nhiều người ngoài đường phố. Tôi đến những nơi họ đi tới. Bất cứ nới nào tôi đến, cứ nhìn vào mắt một người nào đó, thì ta sẽ thấy là họ đang bị đói.”

Bà Sekitoleko cho biết cần phải có thêm sự trợ giúp từ nước ngoài để giúp Bắc Triều Tiên đạt được mức tự túc căn bản về mặt lương thực:

Bà Sekitoleko nói: “Nếu Bắc Triều Tiên có được 700.000 tấn phân bón mỗi năm. Nếu họ có được hạt giống - vì cho tới nay, họ không có loại hạt giống cao cấp. Và nếu như họ có được nhiên liệu và các bộ phận thiết bị về nông nghiệp, thì tôi tin chắc họ có thể sản xuất đủ lương thực để nuôi người dân trong nước.”

Các giới chức cứu trợ nói rằng việc cấm vận áp đặt cho Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã khiến các quốc gia viện trợ ngần ngại trợ giúp cho nước này. Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Chương trình Thực phẩm LHQ là những nguồn chính cung cấp viện trợ cho Bắc Triều Tiên.

Tình trạng thiếu lương thực còn trở nên tệ hại hơn trong mấy năm qua vì nạn lụt lội. Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc cho biết trận lụt hồi gần đây nhất xảy ra vào cao điểm mùa gieo trồng rau quả.

source

VOA Vietnamese

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Seoul có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Hoa Kỳ


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Hai, 22 tháng 11 2010

Seoul có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Hoa Kỳ

Ảnh vệ tinh cho thấy Cơ sở hạt nhân Yongbyon ở phía bắc Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên
Hình: AP

Ảnh vệ tinh cho thấy Cơ sở hạt nhân Yongbyon ở phía bắc Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên


Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên cho hay nước ông có thể cân nhắc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Hoa Kỳ trên lãnh thổ nước mình lần đầu tiên trong vòng 19 năm qua.

Bộ trưởng Kim Tae-young đã đưa ra khả năng này ngày hôm nay trong một cuộc hội đàm với một ủy ban quốc hội về hành động leo thang hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ông Kim nói rằng vấn đề này có thể được đề cập đến khi một ủy ban quân sự chung của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên nhóm họp vào tháng tới để thảo luận về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ đã tháo dỡ những vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước họ khỏi Nam Triều Tiên hồi tháng 12 năm 1991.

Một người phát ngôn Bộ Quốc phòng nói với đài VOA rằng cho tới hiện giờ, Hoa Kỳ vẫn chưa cân nhắn triển khai lại những vũ khí này.

Hãng thông tấn AP trích lời một người phát ngôn bộ này nói rằng tác động của những loại vũ khĩ này chủ yếu là về tâm lý vì Nam Triều Tiên đã được bảo vệ bởi lá chắn hạt nhân của Mỹ.

source

VOA Vietnamese

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

TT Obama đoạt được thỏa thuận về lá chắn hỏa tiễn bảo vệ Châu Âu


TT Obama đoạt được thỏa thuận về lá chắn hỏa tiễn bảo vệ Châu Âu
Đào Nguyên source AP, Nov 19, 2010
TT Obama và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tại Lidbon. Photo courtesy: AP
TT Obama và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen
tại Lidbon. Photo courtesy: AP

Cali Today News - Chiều thứ sáu 19/11 TT Obama đã thực hiện được một thỏa ước của Hội Nghị Thượng Đỉnh Nato ở Lidbon là xây dựng một tấm lá chắn bảo vệ châu Âu chống lại sự tấn công bất chợt có thể xảy ra của Iran.

Trong lúc chào mừng sự kiện này, ông Obama cũng lên tiếng hối thúc Thượng Viện Mỹ phải phê chuẩn hiệp ước về vũ khí nguyên tử với Nga.

Hai vấn đề quan trọng còn bị bỏ ngõ trong việc xây dựng lá chắn phòng thủ hỏa tiễn là liệu nó có hiệu quả hay không và liệu Châu Âu có kham nổi về tài chính, nhưng lúc này các vấn đề đó bị gạt sang một bên.

Ông Obama tuyên bố với ký giả: “Hiệp ước mới cho tất cả thành viên một vai trò nào đó và là câu trả lời đối với hăm dọa của thời đại. Nó cỏn chứng tỏ quyết tâm của chúng ta muốn bảo vệ dân chúng khỏi mối hăm dọa của hỏa tiễn của địch”

Theo thỏa ước thì hệ thống phòng không đánh chận của Mỹ sẽ được triển khai ở Romania, Ba Lan và có thể một đài radar ở Thổ Nhĩ Kỳ. Khi hoàn thành thì tất cả thành viên của Nato sẽ được bảo vệ chống lại hỏa tiểm tầm trung.

Nato cũng có kế hoạch mời Nga tham gia dự án này, nhưng Nga sẽ không được giao quyển kiểm soát chung. Nếu Nga chấp thuận thì đây được xem là bước ngoặt lớn nhất của Nato từ khi tổ chức này dược thành lập sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Hội Nghị Nato còn tái khẳng định một nguyên tắc bất di dịch kể từ đầu là “bất cứ quốc gia thành viên nào của Nato bị tấn công, xem như cả khối Nato bị tấn công”

Đào Nguyên source AP

source

Calitoday

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Trung Quốc đối phó lạm phát lương thực


Cập nhật: 11:47 GMT - thứ tư, 17 tháng 11, 2010

Trung Quốc đối phó lạm phát lương thực

Giá lương thực tại Trung Quốc đã tăng phi mã trong tháng 10, với lạm phát trên 10%.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói chính phủ đang chuẩn bị các biện pháp mới để ngăn chặn lạm phát giá lương thực ở mức hai chữ số.

"Hội đồng nhà nước đang xây dựng các biện pháp để kiềm chế tình trạng giá cả tăng quá nhanh," ông nói trong một tuyên bố trên trang web của chính phủ.

Ông không cho biết chi tiết, nhưng được biết các biện pháp này bao gồm đặt mức giá trần, trợ giá và áp dụng các hình phạt đối với nạn đầu cơ lương thực.

Thị trường chứng khoán Thượng Hải đã giảm gần 10% trong bốn ngày do có lo ngại về việc lãi suất sẽ tăng.

Giá tăng một cách tệ hại

Trong tháng Mười, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bất ngờ tăng lãi suất nhằm đối phó với áp lực lạm phát gia tăng, và sau đó đã có thái độ cứng rắn hơn trong vấn đề này.

Mức lạm phát giá tiêu dùng tăng đến 4,4% trong tháng Mười, so với mức một tháng trước đó là 3,6%. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng hai năm qua.

Giá lương thực đã tăng tới mức chóng mặt ở Trung Quốc, với mức tăng tới 10,1% trong tháng trước.

Bình quân giá bán buôn một số loại rau quả tại các thành phố của Trung Quốc tăng gần hai phần ba trong 10 ngày đầu tháng này, khiến người ta lo ngại rằng nạn đầu cơ thực phẩm đang càng khiến tình trạng khan hiếm trở nên trầm trọng hơn.

"Cần phải rất chú ý tới việc cung ứng cho thị trường, nhu cầu thị trường và giá cả, bởi chúng có liên quan đến lợi ích cơ bản của nhân dân," Thủ tướng Ôn nói thêm.

Đồng tiền dễ dàng

Tình trạng lạm phát ở Trung Quốc - và mối nguy về tình trạng bất ổn dân sự - cũng nằm sau những lời chỉ trích gần đây của Bắc Kinh trước việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nối lại biện pháp phát hành thêm tiền.

Đợt in tiền mới của FED đe dọa làm suy yếu đồng đô la, khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm thế cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ.

Để duy trì tỷ giá có tính cạnh tranh với đồng đô la, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ phải can thiệp để mua thêm đô la và bán thêm nhân dân tệ.

Tuy nhiên, nếu bán thêm đồng nhân dân tệ, Trung Quốc sẽ đối diện nguy cơ đẩy mức lạm phát tăng cao thêm, cũng như trước cái mà một số người coi nguy cơ về vỡ bong bóng trong thị trường bất động sản và chứng khoán.

source

BBC Vietnamese

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Thủ đoạn của Trung Quốc chống giải Nobel Hòa bình bị phản tác dụng


TRUNG QUỐC - NOBEL HÒA BÌNH 2010 -
Bài đăng : Thứ sáu 12 Tháng Mười Một 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 12 Tháng Mười Một 2010
Thủ đoạn của Trung Quốc chống giải Nobel Hòa bình bị phản tác dụng
Đạt Lai Lạt Ma và nhà ly khai Ngô Nhĩ Khai Hy, đại diện cho ông Lưu Hiểu Ba trong hội nghị thượng đỉnh những người đoạt giải Nobel Hòa bình tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 12/11/2010.
Đạt Lai Lạt Ma và nhà ly khai Ngô Nhĩ Khai Hy, đại diện cho ông Lưu Hiểu Ba trong hội nghị thượng đỉnh những người đoạt giải Nobel Hòa bình tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 12/11/2010.
Reuters
Trọng Nghĩa

Nếu mục tiêu của Trung Quốc khi trấn áp nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, Nobel Hòa bình 2010 và tấn công vào Ủy ban Nobel Na Uy là nhằm dìm nhân vật này vào quên lãng, thì có thể nói rằng Bắc Kinh đã hoàn toàn thất bại. Lý do là các ngón đòn liên tiếp được Trung Quốc tung ra trong thời gian gần đây đều không đạt hiệu quả mong muốn, thậm chí còn phản tác dụng.

Vào hôm nay 12/11, một « Hội nghị Thượng đỉnh » về giải trừ vũ khí hạt nhân, tập hợp những người đoạt giải Nobel Hòa bình đã mở ra tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Tham gia hội nghị này có Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng, ông Lech Walesa, cựu Tổng thống Ba Lan, hay ông Mohamed El Baradei, nguyên Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế AIEA cùng nhiều người khác.

Tuy nhiên, thu hút sự chú ý của mọi người lại là việc ông Lưu Hiểu Ba, Nobel Hòa bình năm nay lại không có mặt, mà được ông Ngô Nhĩ Khai Hy, một nhà ly khai khác hiện lưu vong tại Đài Loan đại diện. Bình thường ra, sự kiện này ít được dư luận quan tâm, nhưng theo AFP, chính việc ông Lưu Hiểu Ba không được chính quyền Trung Quốc cho đến dự, sẽ giúp cho hội nghị được nhắc tới nhiều hơn.

Tên tuổi nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đã đặc biệt nổi lên từ ngày mồng 8/10 vừa qua, khi bất chấp các hành động dọa nạt, gây sức ép của Trung Quốc trước đó, giải Nobel Hòa bình 2010 đã được trao cho nhà ly khai này. Ông đã bị chế độ Bắc Kinh kết án 11 năm tù về tội "lật đổ quyền lực nhà nước" sau khi đồng soạn thảo bản "Hiến Chương 08" kêu gọi dân chủ hóa đất nước.

Quyết định của Ủy ban Nobel Hòa bình đã làm cho Trung Quốc nổi cơn thịnh nộ. Ở trong nước, Bắc Kinh đã có một loạt những biện pháp cô lập nhắm vào ông Lưu Hiểu Ba và người thân, hay những đòn trấn áp nhắm vào giới ly khai Trung Quốc ủng hộ ông.

Ở ngoài nước thì Bắc Kinh dùng các biện pháp ngoại giao, hủy bỏ các chuyến viếng thăm chính thức đối với Na Uy, và gây áp lực trên các nước khác để họ không tham dự lế trao giải Nobel ngày 10/12. Mục đích của Trung Quốc không ngoài việc hạ thấp uy tín của giải Nobel Hòa bình.

Thậm chí, trong những ngày qua, đã xuất hiện nhưng bức email chứa virus tin học, giả mạo là thư mời đến dự lễ trao giải Nobel. Ai không cẩn thận mở ra là máy tính sẽ bị nhiễm ngay. Bản thân ông Geir Lundestad, Thư ký Viện Nobel cũng là đối tượng bị gởi email gài virus. Cách nay hai tuần, website của Giải Nobel Hòa Bình cũng bị tin tặc tấn công. Trước mắt chưa rõ ai là thủ phạm các vụ tấn công tin học đó, nhưng giới chuyên gia Na Uy xác định là có nhiều dấu hiệu cho thấy tin tặc là cùng một người, và đối tượng bị tấn công là Viện Nobel.

Dù sao thì các áp lực của Bắc Kinh không thấy có hiệu quả. Đa số các nước Châu Âu đều đã xác nhận sẽ cử người đến dự lễ trao giải Nobel, bất chấp áp lực của Trung Quốc. Mặt khác, các hành động của Trung Quốc đối với ông Lưu Hiểu Ba lại càng làm uy tín nhân vật này gia tăng.

Thậm chí, theo ông Geir Lundestad, thư ký Ủy ban Nobel của Na Uy, Giải Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc có thể đi vào hậu thế như là "một trong những giải Nobel quan trọng nhất" trong lịch sử trao giải thưởng của Ủy ban Nobel.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Pháp AFP ngay trong khuôn viên Viện Nobel tại Oslo, thủ đô Na Uy, ông Lundestad đã giải thích rõ vì sao ấn bản 2010 của giải Nobel Hòa bình có khả năng đi vào lịch sử. Đó là vì trong hơn một thế kỷ tồn tại, lần đầu tiên giải thưởng Nobel có thể sẽ không được trao tận tay cho bản thân người đoạt giải, hoặc cho đại diện của nhân vật này.

Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là thái độ không khoan nhượng của chế độ Trung Quốc, không những vẫn giam giữ ông Lưu Hiểu Ba trong tù, và quản thúc tại gia vợ của ông là bà Lưu Hà, mà lại còn có thể cấm hai người anh em của nhà ly khai xuất ngoại. Trong tình hình đó, Ủy ban Nobel không chắc là có được người nhận để trao giải Nobel Hòa bình 2010 vào ngày 10 /12 như thông lệ.

Trước đây, đã có trường hợp của Lech Walesa, không đến Oslo nhận giải vì lo sợ không thể quay trở lại Ba Lan, hay Andrei Sakharov, không được chính quyền Xô Viết cho phép xuất cảnh. Tuy nhiên cả hai đều đã được vợ đại diện. Đến năm 1991, giải được trao cho lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi vào lúc bà bị mất tự do, cũng như bây giờ. Thế nhưng giải cũng đã được trao cho hai người con trai của bà. Nhưng lần này, nếu Trung Quốc khăng khăng ngăn cản không cho Lưu Hiểu Ba hay người thân của ông đến Oslo nhận giải Nobel, thì theo ông Lundestad : "Đó sẽ là lần đầu tiên mà giải thưởng « vật chất », tức là giấy chứng nhận và huy chương Nobel không được trao tặng cụ thể, mà phải tạm lưu lại, chờ ngày trao cho thân chủ".
source
RFI Vietnamese

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Đảng Cộng hòa thắng lớn, hứa hẹn sẽ có thay đổi


Chính trị Cập nhật Thứ Tư, 03 tháng 11 2010

Đảng Cộng hòa thắng lớn, hứa hẹn sẽ có thay đổi

Lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ Viện, John Boehner, phải, cùng Phó Trưởng khối Cộng hòa tại Hạ Viện, Eric Cantor, nói về những thay đổi trong cán cân quyền lực của Quốc hội, 3/11/2010
Hình: AP

Lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ Viện, John Boehner, phải, cùng Phó Trưởng khối Cộng hòa tại Hạ Viện, Eric Cantor, nói về những thay đổi trong cán cân quyền lực của Quốc hội, 3/11/2010


Đảng Cộng hòa đối lập chiếm được quyền kiểm soát Hạ Viện Hoa Kỳ từ tay đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama.

Đây là vụ thay đổi lớn nhất tại Hạ Viện từ hơn 70 năm nay.

Các ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa đã chiếm được ít nhất 60 ghế trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba, cao hơn nhiều so với số 39 ghế mà đảng này cần để kiểm soát Hạ Viện.

Hôm thứ Tư, dân biểu Eric Cantor, Phó Trưởng khối Cộng hòa tại Hạ Viện nói rằng kết quả cuộc bầu cử này cho thấy dân chúng “bất mãn với chính phủ Washington.” Ông nói rằng, công việc đầu tiên của Hạ Viện mới sẽ là tạo công ăn việc làm.

Các dân biểu Cộng hòa cũng cam kết tiết kiệm 100 tỉ đô la trong năm tới bằng cách cắt giảm chi tiêu của Hoa Kỳ xuống tới những mức của năm 2008 về tất cả mọi lãnh vực, ngoại trừ những chương trình dành cho quân đội, cựu chiến binh và công dân cao niên.

Hôm thứ Ba, lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ Viện, ông John Boehner, người sẽ là Chủ tịch Hạ Viện kế tiếp, đã gọi những kết quả vừa kể là sự khước từ những chính sách của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ, và đã nói với những người ủng hộ rằng “đêm nay, là lúc bắt đầu thay đổi.”

Tất cả 435 ghế tại Hạ Viện đều được bầu lại trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng cuộc tranh đấu để nắm quyền kiểm soát Hạ Viện đã giảm xuống tới khoảng 100 cuộc tranh đua ngang ngửa.

source

VOA Vietnamese

Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Bà Clinton: Diễn văn về chính sách đối ngoại về Châu Á-Thái Bình Dương


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Năm, 28 tháng 10 2010

Bà Clinton: Diễn văn về chính sách đối ngoại về Châu Á-Thái Bình Dương

Thưa quý thính giả, trong một bài diễn văn về chính sách trước khi lên đường sang Việt Nam trong chuyến công du đến thăm nhiều nước Châu Á, được coi là có tầm quan trọng chiến lược đối với các quyền lợi của Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Clinton đã nhắc đến Indonesia và Việt Nam. Chúng tôi xin tóm lược một số điểm quan trọng, sau đó sẽ có bài tường trình chi tiết hơn về bài diễn văn quan trọng của Ngoại trưởng Clinton về vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á-Thái bình dương, mời quý vị đón theo dõi.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Hình: ASSOCIATED PRESS

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton


Trích bài diễn văn của Ngoại trưởng Clinton hôm 28 tháng 10:

“Đi xa hơn các liên minh của chúng ta, Hoa Kỳ đang củng cố các quan hệ với các đối tác mới. Indonesia đang đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực, đặc biệt là các định chế khu vực. Trong tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm tới, Indonesia sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2011, và trong tư cách là nước sáng lập Diễn đàn Dân chủ Bali, nước này là quốc gia dẫn đầu trong việc cổ vũ cho cải tổ dân chủ trên khắp Châu Á.

Tổng Thống Obama và Tổng Thống Indonesia Yudhoyono sẽ chính thức phát động Hiệp định Đối Tác Toàn diện mới trong chuyến đi của Tổng Thống Obama đến thăm Indonesia vào tháng tới.

Tại Việt Nam, chúng ta đang vun xới để phát triển một mức độ hợp tác có lẽ không thể tưởng tượng được cách đây chỉ 10 năm về trước. Các quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn mang lại nhiều kết quả hơn bao giờ hết, và mới đây, hai nước đã mở rộng các cuộc thảo luận về vấn đề an ninh biển, cũng như các vấn đề khác liên quan tới quốc phòng .

Việt Nam đã mời Hoa Kỳ đến tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á -EAS, trong tư cách là khách chủ tọa, lần đầu tiên trong năm nay, mở ra một lộ trình mới thiết yếu cho sự hợp tác.

Mặc dù Việt Nam và Hoa Kỳ còn nhiều khác biệt quan điểm, chúng ta quyết tâm bỏ lại quá khứ đau buồn sau lưng, để hướng tới một tương lai thịnh vượng hơn.”

source

VOA Vietnamese

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ được mời đi thăm Trung Quốc


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Hai, 11 tháng 10 2010

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ được mời đi thăm Trung Quốc

Tại hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã mời người đồng nhiệm Hoa Kỳ là ông Robert Gates đi thăm Trung Quốc, như một dấu hiệu xoa dịu tình hình căng thẳng quân sự trong vùng. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Brian Padden ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/10/2010
Hình: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/10/2010


Ðường lối ngoại giao dường như đã đạt được một vài tiến bộ trong việc xoa dịu căng thẳng tại hội nghị ASEAN Cộng 8 của các bộ trưởng quốc phòng. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã mời Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga cùng các cường quốc trong vùng thảo luận các vấn đề an ninh ở Thái bình dương.

Qua lời mời Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đến thăm vào năm tới, Trung Quốc đang nối lại các quan hệ quân sự cấp cao với Hoa Kỳ. Trước đây trong năm, Trung Quốc đã đình chỉ các cuộc tiếp xúc quân sự vì kế hoạch của Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng cho hay các cuộc hội đàm với các giới chức quốc phòng Nhật Bản là tốt đẹp. Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng sau khi một tầu đánh cá của Trung Quốc đụng phải các tầu tuần duyên của Nhật Bản trong vùng nước mà cả hai bên đều nhận chủ quyền.

Trước đó trong ngày, phát biểu với các thành viên quân đội và sinh viên tại trường Đại học Quốc gia ở Hà Nội, bộ trưởng Gates đã chuyển đi một thông điệp trấn an Đông Nam Á.

Ông Gates nói: “Tôi nghĩ toàn thể châu Á có thể tin tưởng rằng Hoa Kỳ có ý định tiếp tục cam kết ở châu Á và đã từng làm như thế từ mấy chục năm truớc, và chúng tôi có ý định đóng một vai trò tích cực, không những về các vấn đề chính trị và kinh tế, mà cả trong các vấn đề quốc phòng và an ninh nữa.”

Hoa Kỳ lo ngại rằng các vụ tranh chấp lãnh thổ về dẫy đạo nhỏ trong vùng có thể gây phương hại đến sự tiếp cận một trong các tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới.

Bắc Kinh nói việc họ đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một “quyền lợi quốc gia cơ bản.” Đài Loan, Việt Nam, Philippin, Brunei và Malaysia cũng nhận chủ quyền toàn bộ hoặc một phần dẫy đảo này. Tuy phần lớn không có người ở, dẫy đảo này được cho là nằm trên các trữ lượng lớn về dầu khí.

Hoa Kỳ nói quyền tự do đi lại trong vùng hải phận quốc tế là thuộc về quyền lợi quốc gia của họ. Ông Gates nói các vụ tranh chấp về hải phận ở châu Á nên được giải quyết êm thắm qua thương nghị.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng nói bằng cách cùng hành động trong một tổ chức đa phương như ASEAN, các nước nhỏ hơn ở châu Á có thể giải quyết tốt hơn các vấn đề an ninh trong vùng.

Ông Gates nói tiếp: “Càng ngày chúng ta càng nhận thấy rằng dựa hoàn toàn vào các quan hệ song phương là không đủ. Chúng ta cần có các cơ chế đa phương để có thể đối đầu với các thách thức an ninh quan trọng nhất trong khu vực.”

Trong chuyến thăm 2 ngày, ông Gates sẽ gặp nhiều bộ trưởng quốc phòng Á châu muốn có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để chống lại với sự phát triển của Trung Quốc trong tư cách một cường quốc trong khu vực.

source

VOA Vietnamese

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

TQ dùng 'hải quân nhân dân' ngoài biển


TQ dùng 'hải quân nhân dân' ngoài biển

Trung Quốc hiện có nhiều tàu cá hoạt động ở các vùng biển Đông Bắc và Đông Nam Á

Báo Mỹ nói Trung Quốc dùng ngư dân để đòi chủ quyền ngoài biển trong chiến lược "hải quân nhân dân".

Bài trên International Herald Tribune hôm 6/10 năm nay phân tích vụ thuyền cá của ngư dân Phúc Kiến bị Nhật Bản giữ gần Điếu Ngư hồi tháng 9, gây ra căng thẳng ngoại giao.

Nhưng bài của Edward Wong từ Bắc Kinh cũng cho rằng các quan chức Hoa Kỳ và các nước châu Á chú ý đến việc "con số tàu dân sự của Trung Quốc hoạt động trong những vùng biển tranh chấp đang ngày một tăng cao".

Tác giả nhận định đây là một phần của chiến lược chiến tranh nhân dân mà Trung Quốc đang áp dụng:

"Dùng tàu thuyền của dân là một phần trọng yếu của học thuyết giới quân sự Trung Quốc gọi là Chiến tranh nhân dân."

Cựu tùy viên quân sự từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, ông Dennis J. Blasko được trích lời nói đây không phải là điều mới.

Vì theo ông ngay từ năm 2009, Trung Quốc đã nêu ra chiến lược dùng "hải quân nhân dân" (maritime people's war) như một phần của nỗ lực chiến tranh trong điều kiện hiện đại".

Hiện Hải quân Trung Quốc dùng tàu dân sự bằng một số cách:

Thứ nhất, theo tờ báo, đây là cách để Trung Quốc chỉ đạo dân quân (militia) dùng các thuyền đánh cá ra khơi.

Việc dùng tàu dân sự sẽ giúp cho việc làm giảm đi độ khiêu khích và leo thang căng thẳng hơn là dùng các đơn vị của Hải quân Quân Giải phóng

Giáo sư Bernard D. Cole

Hoạt động đánh cá được coi là một phần thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền.

Thứ nhì, họ dùng các tàu này để phối hợp với năm cơ quan thực thi pháp luật được tổ chức giống như lực lượng tuần tra biển.

Chẳng hạn như Cục Ngư nghiệp Trung Quốc cũng có quyền ra lệnh cấm đánh bắt cá và có tàu hoạt động thường xuyên tại các vùng nước tranh chấp.

Ranh giới giữa các nhóm dân sự và có quân phục cũng không rõ.

Theo nhận định của giáo sư Bernard D. Cole từ Học viện Quân sự Quốc gia từ Washington rằng một số quan chức nghề cá Trung Quốc nay có mặc quân phục và mang súng.

Còn theo ông Blasko thì việc dùng tàu dân sự sẽ giúp cho việc làm giảm đi độ khiêu khích và leo thang căng thẳng hơn là dùng các đơn vị của Hải quân Quân Giải phóng.

Tuy vậy, các phóng viên của tờ báo Mỹ cũng xác nhận gia đình ông Chiêm Kỳ Hùng, người thuyền trưởng bị Nhật Bản giữ hôm 8/9 rồi thả sau các tranh cãi ngoại giao nói ông ta "chỉ làm nghề cá".

Hải quân Trung Quốc cũng không bình luận về chuyện này khi được tờ báo hỏi.

Ngược lại, một quan chức ngư nghiệp ở Bắc Kinh thì chỉ nói các tàu cá "phối hợp hoạt động với các cơ quan chức năng lo về pháp luật, chứ không làm việc với Hải quân".

Cả hai vùng biển

Nhưng hoạt động 'ngư nghiệp' của Trung Quốc không chỉ có ở vùng biển Hoa Đông nơi xảy ra tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản.

Bài báo cũng nêu từ một thời gian nay, Trung Quốc tăng cường hoạt động 'tàu cá' ở Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải.

Tàu Ngư Chính

Ngư dân Trung Quốc được sự hỗ trợ của các tàu tuần tra biển của Cục Ngư nghiệp Trung Quốc

Báo chí Việt Nam từ nhiều tháng qua đã nêu ra các vụ tàu tuần tra biển của Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam trong các chuyến đi phía Trung Quốc cho là để kiểm soát việc đánh bắt hải sản.

Trong vụ gần nhất, Thông tấn xã Việt Nam cho hay đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và B̀ộ Ngoại giao Việt Nam vừa có cuộc gặp hôm thứ Ba 05/10 về tình hình các ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt từ hôm 11/09 tại vùng biển Hoàng Sa.

Theo TTXVN, đại diện phía Trung Quốc giải thích trong cuộc gặp rằng "tàu cá QNg 66478TS đã sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt và sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân".

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam được nói đã phản đối quyết định xử lý này.

Tuy thế, khác hẳn với Nhật Bản hay Trung Quốc trong vụ Điếu Ngư, các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam không thấy lên tiếng cụ thể về các ngư dân là công dân Việt Nam.

Trong vụ bắt tàu Mân Tấn Ngư 5179 gần Điếu Ngư, lãnh đạo Nhật Bản đã lên tiếng ở cấp thủ tướng, nhấn mạnh lại chủ quyền của họ.

Phía Trung Quốc, cụ thể từ chính thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng khẳng định chủ quyền của mình và đòi phía Nhật thả ngư dân Phúc Kiến.

Thủ tướng họ Ôn cũng lên tiếng cảnh báo Tokyo nếu không xuống thang sẽ bị trừng phạt.

source

BBC Vietnamese

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Con vua lại làm vua: Kim Jong Un được phong làm đại tướng


Cập nhật lúc: 10/1/2010 7:08:25 PM
Con vua lại làm vua: Kim Jong Un được phong làm đại tướng

Kim Jong-il (phải) và người được cho là con trai út của ông Kim Jong-Un (cà vạt đỏ) trong một chuyến thăm nhà máy thép hồi tháng 3. Ảnh: EPA.

Con trai út của nhà lãnh đạo Kim Chung Nhất, Kim Jong Un lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí Bắc Hàn trong tuần này, khi được phong hàm tướng 4 sao và được bổ nhiệm 2 vị trí quan trọng trong đảng Lao động.

Trong tuần này, tướng 4 sao Kim Jong-un trở thành cái tên được báo chí nước ngoài đề cập đến nhiều, khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng trung ương của đảng Lao động Triều Tiên, vị trí thứ hai sau Chủ tịch Kim Jong-il, trong ngày khai mạc đại hội các đại biểu toàn quốc của Đảng Lao động Triều Tiên.

Ủy ban quốc phòng trung ương là cơ quan hoạch định chính sách quân sự của đảng Lao động Triều Tiên, điều hành quân đội, với 1.2 triệu binh sỹ và giám sát các dự án quân sự.

Việc bổ nhiệm được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Triều Tiên ban sắc lệnh phong hàm tướng 4 sao cho Kim Jong Un và nhiều quan chức khác. Đây cũng là dịp đầu tiên Kim Jong Un lần đầu tiên chính thức xuất hiện trên báo chí chính thống của Triều Tiên.

Ngoài ra, theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, tướng Kim Jong Un còn được bổ nhiệm vào Ủy ban Trung ương của đảng. Ủy ban này giám sát Bộ chính trị và Ban bí thư, là cơ quan ra các quyết định hàng đầu của Đảng khi quốc hội không nhóm họp.

Tuy nhiên, rất ít thông tin về tướng Kim Jong Un được đưa ra. Theo báo chí Hàn Quốc, Kim Jong Un sinh vào khoảng cuối năm 1983 đầu năm 1984, nhưng thông tin này vẫn chưa được khẳng định.

Bức ảnh mà KCNA công bố hôm nay trong đó người ngồi ngoài cùng bên phải là Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il và bìa trái được cho là Kim Jong-Un, con trai út của ông. Ảnh: AFP.

Song song với việc bổ nhiệm con trai út, Kim Chung Nhất còn phong hàm đại tướng cho cô em gái út, Kim Kyong-hui, 64 tuổi.

Kim Kyong-hui tháp tùng theo nhà độc tài thường xuyên hơn khi ông đi thăm viếng các cơ sở ở khắp trong nước. Quyền lực chính trị của bà phần nào dựa vào cuộc hôn nhân với Chang Sung-taek, người nắm chức vụ ủy viên Ủy Ban Quốc Phòng Quốc Gia, khiến ông này trở thành nhân vật số hai của đất nước.

Kim Kyong-hui từng du học ở Moscow trở về, là người có cá tính mạnh, ngay cả từng dám thách thức cha mình là Kim Nhật Thành khi theo đuổi mối tình học trò với Chang Sung-taek, bấy giờ chỉ là một nhạc trưởng.

Chang và Kim, được xem là cặp vợ chồng nhiều quyền uy, sẽ giúp cho Kim Jong Un củng cố địa vị được vững chắc.

Tuy nhiên cả Nhật lẫn Nam Hàn lại đưa ra các thuyết về âm mưu, gồm ý kiến của một cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật khi ông này cho rằng, họ Kim đặt hết tin tưởng vào em gái mình là sai lầm, vì rằng bà này có tham vọng cho chính mình hoặc cho chồng.

source

TiVi TuanSan

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Cuba sa thải nửa triệu công nhân viên chức nhà nước


Châu Mỹ Cập nhật Thứ Hai, 13 tháng 9 2010

Cuba sa thải nửa triệu công nhân viên chức nhà nước

Hình: photos.com

Tổng Liên đoàn Lao động Cuba cho hay từ giờ đến tháng 3 sang năm, nhà nước sẽ cho nghỉ việc hơn 500.000 công nhân viên chức nhà nước.

Tổ chức này nói rằng đất nước không thể và không nên tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất và các cơ quan cung cấp dịch vụ có quá nhiều người hưởng lương mà có quá ít việc làm. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế và cuối cùng dẫn đến kém hiệu quả, phản tác dụng, tạo ra thói quen xấu và làm hỏng thái độ lao động.

Trong thông cáo được phổ biến trên các cơ quan truyền thông nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Cuba nói rằng Cuba sẽ thay đổi cấu trúc lao động và cơ chế lương bổng, cùng lúc với việc tăng thêm các cơ hội về việc làm trong khu vực tư nhân.

Hiện nay nhà nước sử dụng 95% đội ngũ lao động chính thức.

Cách nay nhiều tuần, Chủ tịch Raul Castro cho biết chính phủ ông sẽ bớt can dự vào kinh tế quốc gia và sẽ cho phép người dân Cuba được tự điều hành doanh nghiệp và thuê mướn lao động. Ông nói mục đích là để các doanh nghiệp này thu hút số công nhân viên chức nhà nước sẽ bị nghỉ việc.

source

VOA Vietnamese

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Trung Quốc cảnh cáo các nước láng giềng thân Mỹ



26-08-2010

Trung Quốc cảnh cáo các nước láng giềng thân Mỹ


Frank ChingRim lược dịch


Trung Quốc cảnh cáo các nước láng giềng thân Mỹ


Trung Quốc cảnh cáo các nước Á châu: thao diễn quân sự với Hoa Kỳ có hại cho sức khỏe. Nam Hàn và Việt Nam, là hai nước vừa có thao diễn hải quân với đối tác Hoa Kỳ, đã bị cảnh cáo rằng Hoa Kỳ thì xa xôi vạn dặm, tài chánh đang gặp khó khăn trầm trọng và không là một đối tác đáng tin cậy trong lúc Trung Quốc là ông láng giềng gần, ở ngay xịch bên cạnh.

“Những cuộc thao diễn quân sự làm Nam Hàn bất ổn,” là tít báo lớn trên trang nhất tờ Thời báo Toàn cầu (Global Times) hôm thứ Sáu, là tờ báo cùng cha cùng mẹ với tờ Nhân dân Nhật báo.

Nam Hàn và Hoa Kỳ đang tiến hành một loạt thao diễn quân sự nhằm cảnh cáo Bắc Hàn không được có thêm hành động hiếu chiến đối với Nam Hàn nữa. Cuộc thao diễn quân sự này xảy ra sau vụ chiến hạm Cheonan của Nam Hàn bị thủy lôi Bắc Hàn bắn chìm hôm tháng Ba, làm 46 thủy thủ thiệt mạng.

Nhưng những cuộc tập trận như thế, và như một đồng minh quân sự mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ, liệu sẽ mang đến cho Nam Hàn sự an ninh mà Nam Hàn đang tìm kiếm, tờ Thời báo Toàn cầu đặt vấn đề.

“Những cuộc thao diễn quân sự mới chỉ gởi thêm tín hiệu thù địch cho Bắc Hàn,” tờ báo nói. “Chính thái độ thù nghịch là nguồn bất ổn và bắt buộc Bắc Hàn phải có những hành động liều mạng hơn.”

Hơn nữa, bài báo nói rõ, Nam Hàn không những gây thù địch với Bắc Hàn – mà còn khiêu khích Trung Quốc nữa.

“Bất luận Hoa Kỳ và Nam Hàn giải thích như thế nào, thao diễn quân sự ở vùng biển bao quanh Trung Quốc hiển nhiên là có ý đồ nhắm vào Trung Quốc,” theo tờ báo.

Trung Quốc: "thao diễn quân sự với Hoa Kỳ có hại cho sức khỏe". Nguồn: Onthenet
Ngũ Giác Đài đã thông báo hàng không mẫu hạm USS George Washington sẽ không tham dự cuộc tập trận dự trù sẽ xảy ra vào tháng tới ở Biển Hoàng Hải gần Trung Quốc. Đây là lần thứ nhì chiếc hàng không mẫu hạm này không tham dự trong những cuộc thao diễn quân sự ở biển Hoàng Hải sau khi người Trung Hoa phản đối, họ cho rằng sự có mặt của chiếc chiến hạm này sẽ gây phương hại đến nền an ninh quốc gia của họ.

Quyết định của Hoa Kỳ, một lần nữa, nhằm chìu theo ý Bắc Kinh chắc chắn sẽ được Hán Thành ghi nhận.

Tờ Thời báo Toàn cầu nói thêm, tuy không đề cập đến tên: “Nam Hàn cần giữ cho đầu óc tỉnh táo rằng nền an ninh phải được xây dựng trên thiện chí với các nước làng giềng của mình. Một liên minh Hoa Kỳ - Nam Hàn mạnh mẽ có thể làm phương hại đến niềm tin của Hán Thành đối với các nước láng giềng, và điều này đưa đến sự bất ổn.”

Điều đó có nghĩa, đây là một sai lầm cho Nam Hàn khi nghĩ rằng Nam Hàn có thể dựa vào Hoa Kỳ để đối phó với ông láng giềng vĩ đại của mình – ông Trung Quốc.

Một sự cảnh cáo tương tự cũng dành cho Việt Nam, sau khi Việt Nam cũng tiến hành cuộc hoạt động chung với hải quân Hoa Kỳ.

Chiếc hàng không mẫu hạm USS George Washington cũng đến Việt Nam sau khi tập trận ở phía đông bán đảo Triều Tiên. Có lẽ có ý nghĩa hơn, là Việt Nam và Hoa Kỳ vừa có cuộc hội thảo về phòng thủ lần đầu tiên xảy ra tuần rồi trong khi hội thảo quân sự giữa Hoa Thạnh Đốn và Bắc Kinh vẫn đang bị đình chỉ.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Jiang Yu cảnh cáo rằng tình trạng Việt Nam “mỏng mảnh mong manh như một giỏ trứng” với những hiểm nguy nằm chờ chực ba bên bốn phía.

Jiang Yu: “Nếu Trung Quốc và Việt Nam thật sự có đụng độ quân sự, sẽ không có hàng không mẫu hạm của bất cứ nước nào có thể bảo đảm được sự an ninh cho Việt Nam.”. Nguồn: Xinhua
Việt Nam, bà Yiang Yu cảnh cáo, đang làm cho người Trung Hoa phật lòng. Hà Nội “có lẽ đánh giá khả năng bảo vệ của chiếc dù chú Sam cao quá,” bà tuyên bố thẳng thừng. “Nếu Trung Quốc và Việt Nam thật sự có đụng độ quân sự, sẽ không có hàng không mẫu hạm của bất cứ nước nào có thể bảo đảm được sự an ninh cho Việt Nam.”

Bà Jiang Yu khuyên Việt Nam “từ bỏ cái ý tưởng muốn làm gì thì làm ở Biển Nam Hải dưới sự bảo vệ của hải quân Hoa Kỳ.”

Trung Quốc vạch rõ rằng Hoa Kỳ đang sa lầy với cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, đang đối diện với khó khăn kinh tế và tài chánh, lại đang từng bước cắt giảm chi tiêu quân sự.

Tờ báo mạng Nhật báo Nhân dân đã tường thuật việc giải tán Bộ Chỉ huy Hỗn hợp (JFC), mới được thành lập chưa tới một năm ở Norfolk, tiểu bang Virginia để tập chú vào việc hoán đổi khả năng quân sự của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ông Robert Gates vừa cho hay tuy ngân qũy dành cho quốc phòng gia tăng một hay hai phần trăm hàng năm, nhưng sự gia tăng này không đủ để duy trì khả năng chiến đấu của quân đội, vốn đòi hỏi sự gia tăng từ hai đến ba phần trăm.

Ngược lại, Trung Quốc có tình trạng tài chánh tốt hơn nhiều và có khả năng gia tăng ngân qũy quốc phòng gần hai con số hằng năm. Chính sách vừa răn đe vừa hăm doạ của Trung Quốc có thể mang lại một vài kết quả nào đó, nhưng thiết tưởng sẽ khôn ngoan hơn cho Trung Quốc nếu họ trở lại với chính sách xưa cũ của mình trước đây, nhấn mạnh vào sự thiện chí và hợp tác cùng phát triển.

Lối tiếp cận chủ động nhẹ nhàng, hấp dẫn của Trung Quốc trong thập niên 80 mang lại kết quả lớn lao. Dùng đến sự hăm họa và tống tiền có thể làm cho một số nước nhỏ trong vùng Á châu sợ vãi trong quần, nhưng thái độ hống hách này sẽ không tạo nên những người bạn và đồng minh tin cậy, đó chính là những gì Trung Quốc đang cần.


© DCVOnline



Nguồn:

(1) China warns US-friendly neighbors. The China Post, 25 August 2010
source
DCV Online

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Phi cơ Bắc Hàn rơi ở Trung Quốc


Cập nhật: 12:09 GMT - thứ tư, 18 tháng 8, 2010

Phi cơ Bắc Hàn rơi ở Trung Quốc

Phi cơ bị cho là của Bắc Hàn rơi xuống tỉnh Liêu Ninh

Một phi cơ Bắc Triều Tiên mà có thể là chiến đấu cơ của không quân đã đâm xuống lãnh thổ Trung Quốc thuộc vùng biên giới làm chết người phi công, theo tin của các hãng thông tấn Trung Quốc và Nam Hàn.

Theo hãng Yonhap trích nguồn tình báo không nêu tên, người ta tin rằng phi công Bắc Hàn tìm cách trốn sang Nga.

Vụ rơi máy bay xảy ra hôm thứ Ba 17/8 tại tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc.

Việc đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên không phải là hiếm nhưng vụ trốn bằng máy bay thì hiếm xảy ra và có thể làm Bình Nhưỡng mất mặt.

Trung Quốc có hiệp ước nộp trả mọi người Bắc Hàn trốn sang lãnh thổ của họ nên có thể đây là lý do khiến người phi công tìm cách bay sang Nga.

Bắc Hàn có căn cứ không quân ở Sinuiju, gần biên giới với Trung Quốc.

Tân Hoa Xã đưa tin rằng một phi cơ nhỏ, không có số hiệu và có thể của Bắc Hạn đã gặp nạn.

Hiện nhà chức trách đang điều tra vụ việc trong lúc có bình luận không chính thức rằng vỏ phi cơ không có dấu hiệu cháy nổ nên có thể nó bị rơi vì hết xăng.

Hình dân địa phương chụp chiếc máy bay cho thấy cờ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở đuôi.

Các chuyên gia quân sự nói chiếc phi cơ có vẻ như là MiG-15, loại được dùng trong chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Tờ Minh Báo ở Hong Kong nói người phi công thứ nhì đã nhảy dù được ra nhưng không đưa thông tin gì về số phận của ông ta.

Tuy thế, tin của Nam Hàn nói là chỉ có một phi công lái chiếc máy bay.

Nơi máy bay rơi là Lagu, một làng ở Liêu Ninh, cách biên giới Bắc Hàn 150 km.

Tin từ phía Trung Quốc cũng nói chính quyền nước này đã báo cho nước láng giềng Bắc Triều Tiên về vụ việc.

Người dân tại làng Ersonggou, cách nơi rơi máy chừng 5 km, nói họ thấy chiếc phi cơ bay thấp qua vùng này trước khi đâm xuống một khu vườn.

Một người đàn ông chỉ xưng họ của ông là Ning kể lại rằng "Động cơ máy bay phát tiếng lạ, nó bay lúc cao lúc thấp, trông như một đống sắt vụn bay trên trời".

source

BBC Vietnamese

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Mông Cổ, đường dây buôn người lao động Bắc Triều Tiên


BẮC TRIỀU TIÊN - MÔNG CỔ -
Bài đăng : Thứ ba 10 Tháng Tám 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Tám 2010
Mông Cổ, đường dây buôn người lao động Bắc Triều Tiên
Những người lao động Bắc Triều Tiên (2007)
Những người lao động Bắc Triều Tiên (2007)
Reuters/Reinhard Krause
Anh Vũ

Báo Le Figaro hôm nay có bài chú ý đến châu Á với tựa đề « Mông Cổ trung tâm buôn lậu lao động Bắc Triều Tiên » . Phóng viên của tờ báo đã đến tận thủ đô Ulan Bato để có bài viết về tình trạng buôn bán lao động Bắc Triều Tiên tại Mông Cổ.

Tác giả bài báo ghi nhận, tại một khu phố của trung tâm thủ đô Ulan Bato, có một trụ sở, bên ngoài có cắm cờ Bắc Triều Tiên. Đó là một văn phòng công chứng, nhưng ông chủ của nó còn là một nhà thầu lao động đến từ Bắc Triều Tiên. Theo tác giả bài báo thì cách đây ít tuần, có 6 người Bắc Triều Tiên làm lập trình tin học đã đến làm việc tại các cơ sở của ông chủ này và lương của họ được rót thẳng vào tài khoản của nhà độc tài Kim Jong Il. Những người đó hoàn thành công việc đã trở về nước, nhưng sẽ có những người khác sang thay thế họ.

Theo tác giả bài báo, chế độ kiệt quệ Bình Nhưỡng đang xoay sang việc bán nhân công ra nước ngoài để làm nguồn thu. Từ vài năm trở lại đây người ta đã đồn đoán có bóng dáng của các công nhân Bắc Triều Tiên trên các công trường ở những nước từ châu Phi đến Đông Nam Á hay Trung Đông. Nhưng giờ đây ở Ulan Bato, tin đồn đó là chuyện có thật. Một người có trách nhiệm của chính quyền đã cho Le Figaro biết, Mông cổ vừa thỏa thuận với Bình Nhưỡng nhận 5 nghìn lao động Bắc Triều Tiên. Vẫn theo nhân vật này thì vào lúc lệnh trừng phạt quốc tế đang đánh mạnh vào việc buôn bán vũ khí của Bắc Triều Tiên, một nguồn thu ngân sách truyền thống của nước này, thì bán lao động là nguồn thu duy nhất còn lại của chế độ này.

Mông Cổ là nước thưa dân, chỉ có 2,7 triệu người, trong bối cảnh bùng nổ của ngành khai mỏ phục vụ cho công cuộc phát triển, đất nước nhỏ bé này đang rất thiếu nhân lực.

Những công nhân được Bình Nhưỡng gửi đến là nguồn nhân lực lý tưởng cho các công việc nặng nhọc như xây dựng đường xá, nhà cửa hay lái xe tải. Nhưng điều quan trọng hơn cả là giá rẻ hơn so với lao động Trung Quốc hay Mông Cổ, theo như lời giải thích của ông chủ tịch của Chinggis, một tập đoàn Công nghiệp lớn nhất Mông Cổ. Ông chủ này cũng cho biết là các công nhân Bắc Triều Tiên rất kỷ luật và chấp nhận làm việc vất vả. Nhất là họ không phải là người Trung Quốc, đây là một ưu thế ở Mông Cổ, một đất nước vẫn bị ám ảnh từ bao đời nay về sự xâm lược của người láng giềng vĩ đại Trung Quốc. Việc có mặt các công nhân Bắc Triều Tiên góp phần nào vào việc ngăn chặn làn sóng ồ ạt của công nhân Trung Quốc, đang coi Mông Cổ như là một miền đất hứa mới.

Để khuyến khích việc chọn công nhân Bắc Triều Tiên, chính phủ Mông Cổ còn miễn cho các công ty 200 đô la tiền thuế mỗi tháng trên một đầu lao động ngoại quốc.

Tạm nhập để tái xuất

Thế nhưng theo bài báo thì người Mông Cổ còn muốn đi xa hơn nữa, họ muốn từ đây lại xuất khẩu tiếp lực lượng lao động này sang các nước đang phát triển khác. Mông Cổ đã tái xuất các công nhân Bắc Triều Tiên sang Algerie, nơi mà họ lại phải lăn lưng ra làm cho các ông chủ Hàn Quốc, những người không thể ký kết được với người anh em thù địch miền Bắc.

Theo Le Figaro, hình thức buôn bán người này đã bị tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch lên án. Điều đáng quan ngại là những lao động Bắc Triều Tiên đó chỉ được nhận một phần đồng lương, phần lớn còn lại được rót về cho ngân quỹ nhà nước.

Nguồn thu này của chế độ Bình Nhưỡng sẽ phải đặt thành vấn đề khi mà Hoa Kỳ đang chuẩn bị thắt chặt các biện pháp trừng phạt mới để ngăn chặn mọi nguồn tài chính từ buôn bán của Bắc Triều Tiên nhằm phục vụ cho chương trình hạt nhân quân sự của họ.

Nhưng Washington vẫn làm ngơ trước thỏa thuận giữa Mông Cổ và chế độ của Kim Jong Il. Bởi các nhà ngoại giao Mỹ nhìn thấy được ở mối quan hệ hữu nghị kia có thể tìm được một kênh liên lạc hiếm hoi với chế độ kín cổng cao thường nhất thế giới kia. Và biết đâu có thể đây sẽ lại có ích trong trường hợp khởi động các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên.

Singapore, nhà vô địch thế giới về tăng trưởng kinh tế

Singapore không chỉ mang danh là thành phố sạch sẽ nhất thế giới, thu hút nhiều người đến nhất mà giờ đây còn là quốc gia còn có mức tăng trưởng lớn nhất thế giới. Đó là nhận định của Le Figaro trong bài viết trên phụ trang kinh tế mang tựa đề: « Đảo quốc Singapore khẳng định vị trí vô địch thế giới về tăng trưởng kinh tế ».

Theo tờ báo, chính phủ Singapore thông báo bảo đảm thu nhập nội địa của mình sẽ tăng từ 13 đến 15 % trong năm 2010, trong khi mà năm ngoái con số này bị thu lại chỉ còn 1,3%. Theo bài báo không có phép màu nào khác ngoài việc quản lý bộ máy nhà nước.

Tờ báo nhận thấy ở đất nước nhỏ bé dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của cố vấn Lý Quang Diệu, các bộ được quản lý như các công ty tư nhân. Lãnh đạo bộ nhận lương như một tổng giám đốc công ty kinh doanh, một bộ trưởng có thể nhận lương 1 triệu đô la một năm mà không gây sốc cho ai hết. Các viên chức được trang bị kiến thức và phương tiện như những cán bộ thương mại giỏi nhất.

Nhưng sức mạnh thực sự của cỗ máy kinh tế Singapore là EDP (Singapore Economic Development Board), một cơ quan đầy quyền lực của chính phủ, phụ trách việc lên kế hoạch phát triển cho Singapore. Các nhân viên của cơ quan này là những người năng động có phẩm chất chuyên môn giỏi nhất mà bất cứ một doanh nghiệp quốc tế nào cũng đều muốn có.

Bài báo cho biết nền kinh tế của đảo quốc 5 triệu dân này dựa trên ba trụ cột chính : Công nghiệp chế biến, dịch vụ tài chính và dịch vụ cho các công ty. Ngoài ra còn là chính sách ưu đãi về thuế đặc biệt cho các công ty đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Thiên tai liên tiếp đẩy thế giới sẽ đi về đâu ?

Thiên tai, đây là chủ đề dai dẳng trong suốt tuần qua đến hôm nay vẫn chưa dứt. Hình ảnh chủ đạo trên nhất các tờ báo chính ra hôm nay là « thủy » và « hỏa ».

Lửa thì vẫn đang hoành hành tàn phá ở nước Nga, còn nước thì tràn lan nhấn chìm hàng trăm nghìn km² ở khu vực châu Á, đẩy cuộc sống hàng triệu người dân vào khốn đốn. Các sự kiện thiên tai chưa từng thấy cứ liên tiếp xuất hiện gây ra nỗi bất hạnh cho cả chục triệu người trên hành tinh khiến mọi người phải đặt câu hỏi: rồi thế giới này sẽ đi tới đâu ?

« Hỏa hoạn, nước Nga ngột thở », nhận định của báo Libération không có gì là mới từ cả tuần nay, nhưng trận hỏa hoạn kéo dài trước sự bất lực của chính quyền đang ngày càng đe dọa tính mạng của con người nhiều hơn. Tờ báo cho biết tỷ lệ tử vong ở Nga có liên quan đến vụ cháy rừng đã tăng gấp đối. Người ta đang lo ngại rồi đây bệnh dịch sẽ lan tràn. Nước Nga đang đứng trước một thảm họa về sinh thái và y tế.

Trong khi đó, trang nhất báo La Croix chạy dòng tựa bằng tiếng kêu cứu của thủ tướng Pakistan : «Tôi kêu gọi thế giới giúp đỡ chúng tôi », trên nền một bức ảnh một gia đình ba mẹ con đang ngâm mình trong mênh mông nước lụt. Tờ báo cho biết 16 triệu người Pakistan đang là nạn nhân của trận lụt kinh hoàng, chính quyền không hề giấu diếm rằng sự kiện đã vượt quá tầm kiểm soát của họ.

Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc đánh giá, thảm họa lũ lụt ở Pakistan còn nặng nề hơn cả trận sóng thần năm 2004 ở Đại Tây Dương, tồi tệ hơn cả trận động đất ở Haiti. Dù chưa và cũng không thể thống kê được hết mức thiệt hại của trận lụt này, nhưng vẫn có thể khẳng định đây là một trong những trận thiên tai lớn của thế kỷ.

La Croix cũng ghi nhận thêm, không riêng gì Pakistan mà « cả lục địa Á châu đang phải hứng chịu thiên tai ». Từ miền Bắc Ấn Độ cho đến Bắc Triều Tiên rồi qua miền tây Trung Quốc, những trận mưa lớn kéo dài đã làm cho hàng nghìn người bị chết bị thương và lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Bất lực của con người trước thiên nhiên

Trước những cơn giận giữ của thiên nhiên như vậy, con người vẫn thường tỏ ra bất lực nhưng không phải vì thế mà không có trách nhiệm.

Tờ Le Figarro nhận thấy : Từ vùng Ural đến vịnh Mêhicô, khắp nơi đâu người ta cũng có thể tìm ra được những những thí dụ về khả năng kém cỏi trong việc quản lý mỗi khi có thiên tai, hay tai nạn xảy ra, đó là do con người không biết dự tính trước, coi nhẹ sự việc.

Thí dụ cơn bão Katrina đã tàn phá vùng Loussiana năm 2005 đã bộc lộ cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền Mỹ. Ngay tại đất nước giàu có nhất thế giới cũng vẫn thường xuyên phải bó tay trước những rủi ro từ thiên nhiên mang tới. Báo L’Humanité thì cảm thấy số lượng các thảm họa thiên tai cho thấy còn lâu con người mới chế ngự được thiên nhiên, trong khi chúng ta vẫn còn chưa làm được điều này với chính bản thân mình… Những quyết định do con người đưa ra hình như chưa phải trước hết vì sự quan tâm đến tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất.

Một sự kiện khác liên quan đến môi trường sống của chúng ta cũng được Le Figaro nhắc tới : một khối băng khổng lồ có diện tích 260 km², tức là lớn gấp hai lần thành phố Paris đang bị tách ra khỏi đảo băng Groenland. Tờ báo đặt câu hỏi : Có phải hiện tượng này là do biến đổi khí hậu không ? Khó có thể khẳng định chính xác, nhưng có điều chắc chắn đó là giới quan sát khoa học nhận định rằng nhiệt độ trái đất 6 tháng đầu năm nay lên cao nhất kể từ cả thế kỷ qua … và ngay từ đầu thế kỷ này đang xuất hiện dấu hiệu cho thấy các núi băng ở hai cực trái đất tan chảy.

Kết thúc mục điểm báo là một tin vui đến cho thể thao Pháp. Tại giải vô địch bơi lội châu Âu tại Hungari, tay bơi trẻ Pháp Yannick Agnel, mới 18 tuổi đã giành được tấm huy chương vàng ở cự ly 400 mét tự do, trong giải thi đấu quốc tế lớn đầu tiên của anh. Tại môn thi đấu tiếp sức 4 lần 100 mét, đội tuyển Pháp phải nhận huy chương bạc sau các tay bơi Nga.

source

RFI Vietnamese

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

Kim Jong Il chuyển tiền cất giấu cho con trai


BẮC TRIỀU TIÊN -
Bài đăng : Thứ năm 29 Tháng Bẩy 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 29 Tháng Bẩy 2010
Kim Jong Il chuyển tiền cất giấu cho con trai
(Reuters)
Tú Anh

Theo một đài phát thanh Hàn Quốc, lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-Il trong tình trạng sứ khỏe suy yếu , đã chuyển hết tài sản riêng cho Kim Jong Un, người con trai kế vị. Nhân vật lãnh trách nhiệm chuyển ngân bí mật này là nhà ngoại giao Ri Chol mới bị cách chức đại sứ tại Thụy Sĩ.

Theo bản tin của chương trình phát về phía bắc vĩ tuyến 38, đài Open Radio cho biết đại sứ Ri Chol là người tín cẩn của gia đình Kim Jong-Il và có nhiệm vụ quản lý tài sản mật của lãnh đạo Bắc Triều Tiên cất giấu tại nước ngoài.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Kim Jong Il chuyển giao tài sản lại cho con trai 27 tuổi Kim Jong Un ? Theo giới phân tích được hãng tin AFP trích dẫn nêu ra hai lý do : thứ nhất là vì lý do tình hình kinh tế đang khó khăn và thứ hai là quốc tế siết chặt các biện pháp cấm vận.

Một số chuyên gia nhận định là nhân Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên vào tháng 9 tới, Kim Jong-Un sẽ được chính thức thông báo lên thay cha.

Giám đốc tình báo Hàn Quốc Won Sei Hoon nói rằng đích thân lãnh đạo Kim Jong Il, trong điều kiện sức khỏe suy kém, chỉ đạo tiến trình cha truyền con nối.

source

RFI Vietnamese

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

Từ biển Tây Hàn Quốc đến biển Đông Việt Nam


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Sáu, 23 tháng 7 2010

Từ biển Tây Hàn Quốc đến biển Đông Việt Nam

Để đáp lại việc chiến hạm Cheonan của Nam Triều Tiên bị ngư lôi Bắc Triều Tiên đánh chìm ở Hoàng Hải hồi tháng 3, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên quyết định tiến hành một cuộc thao dượt hải quân qui mô lớn ở Biển Nhật Bản và Hoàng Hải, bắt đầu từ ngày 25 tháng này. Cuộc tập trận, với sự tham dự của hàng không mẫu hạm George Washington của Mỹ, đã gặp phải sự chống đối của chính phủ ở Bắc Kinh vì điều mà một số người ở Trung Quốc gọi là ‘hành động dương oai diệu võ trước cổng nhà” của họ.

Hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa Kỳ
Hình: AP

Hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa Kỳ


Một số nhà quan sát cho rằng Việt Nam và các nước khác liên hệ trong vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông đang theo dõi sát những diễn tiến ở Biển Tây của Nam Triều Tiên giữa lúc họ đánh giá quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc duy trì thế quân bình chiến lược ở vùng Đông Á Thái bình dương.

Thứ tư vừa qua, một ngày sau khi các giới chức Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên chính thức loan báo ngày chủ nhật 25 tháng 7 là ngày bắt đầu cuộc thao dượt chung ở Biển Nhật Bản và Hoàng Hải, là hai vùng biển mà người Hàn Quốc gọi là Biển Đông và Biển Tây, phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại sự chống đối của Bắc Kinh đối với hành động mà họ gọi là “ảnh hưởng tới quyền lợi an ninh của Trung Quốc.” Ông Tần Cương cũng đã né tránh câu hỏi của các ký giả là liệu Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có tập trận chung với nhau để đáp lại hành động của Washington và Seoul hay không. Ông chỉ nói rằng việc phân chia khu vực Đông Bắc Á, khu vực Á châu Thái bình dương thành những liên minh quân sự khác nhau là một hành động lỗi thời của thời Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, các giới chức Hoa Kỳ cho rằng sự phản đối của Trung Quốc không ảnh hưởng gì tới cuộc tập trận được đặt tên “Tinh thần Bất khuất” (Invincible Spirit) -- có mục đích tăng cường khả năng phòng vệ của hải quân Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên trước mối đe dọa từ tàu ngầm của Bắc Triều Tiên ở Hoàng Hải, và biểu dương sức mạnh sau khi một chiến hạm của Nam Triều Tiên bị ngư lôi của Bắc Triều Tiên đánh chìm trong vùng biển này. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, Chủ tịch Ban Tham mưu liên quân Hoa Kỳ, Đô đốc Mike Mullen cho biết như sau.

Ông Mullen nói: "Hoàng Hải là một vùng biển quốc tế. Và Hoa Kỳ luôn luôn bảo lưu quyền hoạt động trong hải phận quốc tế. Đương nhiên là tôi đã nghe được những gì mà Trung Quốc đã nói về việc này. Nhưng trên thực tế chúng tôi vẫn thực hiện những cuộc diễn tập ở Hoàng Hải từ bấy lâu nay và tôi hoàn toàn tin tưởng là chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai."

Tiến sĩ Denny Roy, thuộc Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, cho biết rằng vụ đôi co giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về cuộc diễn tập này là một phần của quá trình tranh giành ảnh hưởng giữa Washington và Bắc Kinh ở vùng Đông Á Thái bình dương – và sự tranh giành này có phần chắc sẽ gia tăng cường độ trong những năm tới đây.

Ông Roy nhận xét: "Tôi nghĩ rằng cái nhìn của Trung Quốc về một khu vực Á châu Thái bình dương mà Trung Quốc nắm giữ vị thế của một đại cường sẽ không có chỗ cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở mức độ hiện nay. Chúng ta có thể nhìn thấy con đường dẫn tới chỗ va chạm giữa những quyền lợi mà Trung Quốc xem là cốt lõi với những quyền lợi thiết yếu của Mỹ. Trong trường hợp Hoa Kỳ và Trung Quốc có sự diễn giải khác nhau về những gì có thể làm ở một nơi mà phạm vi ảnh hưởng của hai nước chồng chéo với nhau, thì vấn đề đó chẳng những sẽ không tan biến đi mà còn gia tăng cường độ trong vòng vài năm tới đây."

Giáo sư Roy cho biết ông hiểu được lý do khiến Trung Quốc bất bình khi thấy Hoa Kỳ định tiến hành những cuộc diễn tập ở một nơi mà tàu ngầm của Trung Quốc dùng làm cửa ngỏ để ra khơi, nhưng ông nói rằng Trung Quốc đã thiếu khôn khéo.

Ông Roy nói: "Theo tôi thì Trung Quốc đã hành động một cách thiếu khôn ngoan khi họ cảnh cáo một cách rõ ràng là Hoa Kỳ không được thực hiện cuộc thao dượt này, đặc biệt là trong bối cảnh mà Trung Quốc phải chịu một phần trách nhiệm đối với tình trạng an ninh khu vực bị đe dọa vì những hành động của Bắc Triều Tiên. Trong vụ việc cụ thể này Trung Quốc đã bị thất thế, vì họ đã mang cả uy thế và sự khả tín của mình ra để công khai cảnh cáo Hoa Kỳ không được làm như vậy, để rồi bị Hoa Kỳ mặc nhiên bác bỏ qua việc xúc tiến kế hoạch thao dượt."

Trong khi đó, giáo sư Jonathan London, thuộc trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết rằng các nước Đông Nam Á đang chú tâm theo dõi những tín hiệu đánh đi từ Biển Tây Hàn Quốc.

Ông London cho biết: "Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á rất quan tâm tới việc Trung Quốc phản đối cuộc thao dượt chung giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Lý do rất dễ hiểu. Trong thời gian qua Trung Quốc đã có những hành động có thể nói là hung hãn để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải. Trong khi đó, Việt Nam một mặt phải ra sức bảo vệ quyền lợi của mình và một mặt phải tìm cách tránh xảy ra tình trạng đối đầu với Trung Quốc hoặc làm cho Trung Quốc tức giận. Và đồng thời họ cũng muốn dựa vào mối quan hệ không ngừng được cải thiện với Hoa Kỳ để chống đỡ với những áp lực của Bắc Kinh."

Ông Chu Chí Hùng, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, cũng tán đồng nhận xét này.

Ông Chu nói: "Chắc chắn là họ rất quan tâm. Đặc biệt là Việt Nam, Philippines và những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Chắc chắn là họ quan tâm rất nhiều. Họ không tiện công khai nói ra là họ hy vọng Hoa Kỳ làm gì hay muốn Trung Quốc làm gì, bởi vì họ không muốn phải nghiêng hẳn về một bên nào trong 2 cường quốc này. Nhưng tôi nghĩ rằng chắc chắn là trong thâm tâm của họ hoặc ở những chỗ không công khai, họ muốn cho Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên xúc tiến cuộc thao dượt ở Hoàng Hải."

Giáo sư Chu Chí Hùng cho rằng các nước nhỏ hơn trong vùng Đông Nam Á mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực để cân bằng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ông Chu nói thêm: "Nếu Hoa Kỳ hủy bỏ cuộc thao dượt vì áp lực của Trung Quốc thì đó sẽ là một cú đấm tâm lý cực mạnh cho Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á. Họ sẽ không còn tin tưởng vào Hoa Kỳ nữa. Họ sẽ cho rằng Hoa Kỳ đã đánh mất vị thế của nước một có đủ sức mạnh và quyết tâm để duy trì sự ổn định của khu vực Á châu Thái bình dương."

Trong thời gian gần đây, giữa lúc vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn, các giới chức ở Washington khẳng định rằng Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị thế trung lập trong vấn đề này, nhưng sẽ tăng cường các nỗ lực để duy trì ổn định và bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực. Về việc này giáo sư London của Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết như sau.

Ông London nói: "Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đang theo đuổi một đường lối rất thận trọng ở Đông Á. Bây giờ hãy còn quá sớm để biết được là Việt Nam và những nước khác có thể dựa vào Hoa Kỳ khi xảy ra xung đột với Trung Quốc hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là Việt Nam rất muốn và cũng rất cần một mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ để có thể được bảo vệ ở một mức độ nào đó."

Theo giáo sư London, vì chưa thể khẳng định là có được sự trợ giúp của Hoa Kỳ khi xảy ra xung đột với Trung Quốc hay không nên giới hữu trách Việt Nam đang ra sức xây dựng các mối quan hệ hợp tác an ninh với nhiều nước khác, kể cả Nga và Ấn Ðộ.

source

VOA Tiếng Việt