Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

“đưa tin không phải là phạm tội”


Phóng viên Hong Kong tuần hành phản đối

Phóng viên Hong Kong tuần hành phản đối

Nhiều báo chí Hong Kong cũng ủng hộ cuộc tuần hành này

Các phóng viên đã dẫn đầu một cuộc tuần hành tại Hong Kong để phản đối việc cảnh sát bị cáo buộc đã đánh ba phóng viên đưa tin về các vụ bất ổn gần đây tại phía tây Trung Quốc.

Những người biểu tình giơ các tấm biển nói: “Hãy tôn trọng tự do báo chí”, và “đưa tin không phải là phạm tội”.

Ba phóng viên truyền hình nói rằng họ bị đấm, đá trước khi bị giam trong ba tiếng đồng hồ.

Các vụ tấn công bị cáo buộc này diễn ra vào thời điểm có biểu tình tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương, vào hôm 4/9.

Lúc đó, hàng ngàn người Trung Quốc gốc Hán biểu tình để phản đối các vụ đâm kim tiêm mà người ta đổ lỗi cho những người Hồi giáo Uighur thực hiện.

Cảnh sát chống bạo động đã dùng hơi cay để dẹp các vụ biểu tình, diễn ra vào lúc căng thẳng dâng cao giữa người Hán và người Uighur.

Trong cuộc họp báo tiếp theo, một quan chức cấp cao của Tân Cương là Hou Hanmin đã tỏ ý tiếc về việc đối xử với các phóng viên như vậy, nhưng đổ lỗi cho ba phóng viên đã kích động bạo động.

Bà Hou còn cáo buộc các phóng viên - từ các kênh TVB và Now TV - là đã làm việc mà không có giấy phép.

‘Quá mức’

Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật là do Hiệp hội Phóng viên Hong Kong (HKJA) kêu gọi, và được một số tờ báo trong thành phố ủng hộ. Hong Kong vẫn được hưởng tự do báo chí tương đối, nếu so với Trung Hoa đại lục.

Người biểu tình ở Urumqi hôm 3/9

Căng thẳng đã biến thành bạo lực tại Urumqi, Tân Cương

Nhiều người biểu tình, rất nhiều mặc đồ đen, đã tuần hành tới các văn phòng đại diện cho chính phủ Trung Quốc tại địa phương.

Chủ tịch HKJA, Mak Yin-ting, được hãng AP trích lời nói rằng: “Lần này, giới chức đã hành xử quá mức”.

“Họ không chỉ đánh các phóng viên, mà còn đổ lỗi họ kích động gây mất trật tự công cộng”.

Chính phủ Trung Quốc mất nhiều công sức nhằm vãn hồi trật tự tại Tân Cương kể từ sau các vụ bạo động tháng Bảy - là đợt bạo động tồi tệ nhất tại nước này trong nhiều thập niên nay.

Hôm thứ Bảy, một tòa án kết án ba người với mức án lên tới 15 năm tù vì liên quan đến các vụ tấn công bằng kim tiêm.

*****************

source

BBC Vietnamese

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

vùng Tân Cương lại rơi vào tình trạng rất căng thẳng


Tại Trung Quốc, gần 1.000 người Hán ở Tân Cương xung đột với công an

Tú Anh

Bài đăng ngày 04/09/2009 Cập nhật lần cuối ngày 04/09/2009 17:57 TU

Công an bảo vệ các công sở, người biểu tình ném đá đạp bể cửa kính xe hơi (Reuters)

Công an bảo vệ các công sở, người biểu tình ném đá đạp bể cửa kính xe hơi (Reuters)

Một lần nữa, vùng Tân Cương lại rơi vào tình trạng rất căng thẳng. Bất chấp việc chính quyền địa phương kêu gọi hoà dịu, buổi sáng hôm nay, đã diễn ra một cuộc biểu tình tập hợp khoảng một ngàn người Hán, xung đột với các lực lượng công an cảnh sát

Xung đột giữa cảnh sát và dân chúng xảy ra tại một ngã tư ở Địch Hóa không xa quảng trường chính nơi diễn ra một cuộc biểu tình lớn hôm qua huy động khoảng 20 ngàn người.

Sau vụ bạo động sắc tộc trong ba ngày đầu tháng 7 làm 197 người chết, cộng đồng người Hán tại Tân Cương phản đối chính quyền Trung Quốc nhu nhược không dám xét xử các thủ phạm Duy Ngô Nhĩ.

Cộng đồng người Hán còn lo sợ hơn vì từ hai tuần qua có hàng trăm vụ tấn công bằng kim tiêm mà họ nghi thủ phạm là người Duy Ngô Nhĩ

Thông tín viên Marc Lebeaupin từ Bắc Kinh tường thuật :

Thủ phủ Định Hoá khu tự trị Tân Cương còn lâu mới được ổn định như báo chí chính thống Trung Quốc khẳng định mới đây. Khu vực này một lần nữa lại rơi vào tình trạng rất căng thẳng. Bất chấp việc chính quyền địa phương kêu gọi hoà dịu, buổi sáng hôm nay, đã diễn ra một cuộc biểu tình của người Hán, sắc tộc đa số ở Trung Quốc.

Đụng độ đã nổ ra với cảnh sát. Những người biểu tình yêu cầu người đứng đầu Tân Cương phải từ chức, bị kết tội vì đã tỏ ra thiếu kiên quyết trước thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Đụng độ đã bùng nổ khi cảnh sát bắt giữ một người biểu tình. Một người Hán biểu tình giải thích với phóng viên AFP « chính quyền địa phương tỏ ra thực sự yếu đuối, họ đã không làm chủ được tình hình ».

Trước đó, nhiều cuộc biểu tình khác đã nổ ra để phản đối việc hành hung bằng kim tiêm, mà tổng số lên đến hàng trăm vụ tính từ đầu tháng tám đến nay, bất chấp việc khoảng hai mươi nghi phạm đã bị bắt giữ. Sáng nay vẫn còn hàng chục người đến khiếu nại tại các sở cảnh sát của Địch Hoá vì cùng một lý do. Đặc biệt là cho đến nay, chính quyền vẫn tỏ ra thận trọng.

Vào thời điểm này, không có bất cứ một vụ nhiễm bệnh nào được phát hiện. Đặc biệt là các thông cáo chính thức không chỉ ra nguồn gốc tộc người của các nghi phạm này. Rất có thể là những thành viên của các cộng đồng sắc tộc khác nhau đã là nạn nhân của kiểu hành hung này".

Hôm qua , từ Washington, lãnh đạo phong trào Duy Ngô Nhĩ lưu vong Rebiya Kadeer kêu gọi chính quyền Trung Quốc bảo đảm an ninh cho người dân Tân Cương không phân biệt sắc tộc. Trước đó, bà tuyên bố là sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh những biện pháp cần thiết để vượt qua những sai lầm trong thập niên 60. Bà cũng kêu gọi Trung Quốc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt ma.

Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, kết thúc chuyến viếng thăm Đài Loan hôm nay tuyên bố là Ngài sẵn sàng trở về Tây Tạng.

********************

SOURCE

Radio France Internationale