Thứ Ba, 18 tháng 8, 2009

Cải cách quân đội Nga gặp khó khăn



Giàu hơn, mạnh hơn, kiêu hãnh hơn: tháng Năm 2008, nước Nga khôi phục truyền thống diễu binh trên Quảng trường Đỏ.

Cuộc diễu binh 2008 diễn ra vài tháng trước khi Nga đánh Gruzia

Ba tháng sau, quân lực nước này tràn vào Gruzia. Chiến tranh kéo dài chưa đầy một tuần. Có vẻ đó là chiến thắng ấn tượng và nhanh gọn cho quân đội Nga.

Hồ nghi nhanh chóng xuất hiện.

Christopher Langton, nhà nghiên cứu về xung đột tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) ở London, nói:

"Có một số thất bại làm người ta bất ngờ, khi ta thấy cách thể hiện của quân đội Nga."

"Đặc biệt trong không quân: họ để mất bảy máy bay trước hệ thống phòng không chẳng phải quá phát triển của Gruzia, và điều đó làm nhiều người ngạc nhiên."

Khiếm khuyết

Có những khiếm khuyết khác, thậm chí cơ bản hơn.

Alexander Golts, phóng viên quân sự từ ngày Liên Xô xâm lăng Afghanistan 30 năm trước, nhặt ra ví dụ về một sĩ quan cao cấp không thể truyền đi mệnh lệnh.

"Viên tướng này yêu cầu một phóng viên đứng gần cho ông ta mượn điện thoại di động, chỉ để ra lệnh cho bên dưới."

"Các đài phát thanh quân đội Nga nói chung là vô dụng khi vào núi."

Nay đã rõ đó không phải là chiến dịch hoàn toàn thành công như mô tả ban đầu của quân Nga.

Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu phỏng vấn của BBC, nhưng phát biểu tại một buổi họp báo trước lúc kỷ niệm cuộc chiến, phó chỉ huy tham mưu trưởng của quân Nga cũng thừa nhận những yếu kém.

Ông Anatoly Nogovitsyn nói: "Dĩ nhiên, quân Nga tham gia cuộc xung đột này đã chứng tỏ không phải cái gì cũng ổn cả. Trước tiên, có những vấn đề kỹ thuật."

Cải cách

Các chính khách và vị tướng đều nhận ra phải cải thiện hơn nữa.

Ông Golts kể: "Ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt, Bộ Quốc phòng tăng tốc cải cách mạnh mẽ nhất từ 50 năm qua."

Có nhiều vấn đề đằng sau sự hào nhoáng

"Cuộc chiến chứng tỏ quân đội Nga vẫn dũng mãnh, nhưng cổ điển. Họ không thể đáp ứng thách thức của hiện đại hóa."

Những thách thức đó vượt lên trên việc hiện đại hóa khí cụ đơn thuần.

Dù hồi thập niên 1990 đã có ý tưởng rằng quân Nga sẽ trở thành lực lượng chuyên nghiệp, nhưng đến giờ Nga vẫn phải dựa vào chế độ cưỡng bách tòng quân.

Cuộc sống của những quân nhân có thể bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi - ngay cả trong thời bình. Năm 2008, 471 lính Nga đã chết trong các vụ không hề dính dáng tới giao chiến.

Gần một nửa số này là tự sát.

Đe dọa từ Nato?

Masha Lipman, chuyên gia về xã hội Nga ở Trung tâm Carneige ở Moscow, nêu bật vấn nạn "đầu gấu" trong quân ngũ.

Bà nói những ai có thể trốn quân ngũ thì tìm cách trốn, thậm chí hối lộ, "nhưng những ai buộc phải đi lính thì thường là dân không có học, ở tỉnh, nhà nghèo, đôi khi thiếu ăn, thậm chí rất yếu ớt."

Ngôn từ chính thống ở Nga thì không tập trung vào vấn đề này mà lại nói tới đe dọa từ Nato.

Cuộc chiến năm ngoái tại Gruzia không phải là chiến thắng hoàn hảo

Đồng thời, chương trình cải tổ được tăng tốc từ chiến dịch tháng Tám năm ngoái ở Nam Ossetia lại dự báo sẽ giảm nhiều lính.

Ông Golts giải thích: "Chúng tôi có 350.000 người ở cấp sĩ quan. Bộ quốc phòng muốn giảm xuống còn 150.000."

Nhìn theo hướng này, ông bác bỏ các tuyên ngôn của các lãnh đạo Nga rằng đất nước đối diện đe dọa từ Nato.

Khoảng cách giữa ngôn từ và thực tế cũng bắt gặp khi người ta thấy có chia rẽ giữa chính khách và các tướng lĩnh.

Giới chính khách muốn thực thi thay đổi. Nhiều người trong giới tướng tá không nhiệt tình như thế. Christopher Langton tin rằng chuyện này đe dọa cơ hội cải tổ.

Ông giải thích: "Hiện nay, tổng thống và bộ trưởng quốc phòng đang bắt đầu tiến hành cải cách."

"Nhưng dĩ nhiên ở Nga, nó phải đi kèm với đầu tư cho quốc phòng, và mức đầu tư nay bị ảnh hưởng vì một nền kinh tế không tăng trưởng nhanh."

"Vì thế có một số khó khăn rất lớn cho chương trình cải tổ."

Nga vẫn sở hữu kho hạt nhân đáng gờm. Như thế nước này vẫn là cường quốc quân sự.

Nhưng nếu ta nhìn thấu qua các buổi duyệt binh và tuyên ngôn của chính khách, ta sẽ thấy một định chế gặp khó khăn vì những vấn đề khí cụ, đạo đức và bất mãn.

-------------------------------------------------------------------

source

BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét