Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

Ảnh vệ tinh hé lộ bí ẩn Bắc Hàn



Ảnh vệ tinh hé lộ bí ẩn Bắc Hàn

Bắc Hàn là một trong những nước bí ẩn nhất thế giới. Các công dân nước này không được ra nước ngoài và hầu như không được liên lạc với các du khách tới thăm nước này. Số ít du khách tới Bắc Hàn thường chỉ được đưa đến một vài địa điểm định trước và hầu như chẳng mấy khi được tới các nơi khác.

Tuy nhiên, nhờ có các hình ảnh vệ tinh và internet, thế giới bí ẩn của Bắc Hàn đang dần lộ ra. Bài viết này giới thiệu một loạt các tấm ảnh cho thấy nhiều khía cạnh của thế giới bí mật Bắc Hàn mà người ngoài hiếm khi được nhìn thấy.

Khu gia đình nhà ông Kim

Tấm hình này cho thấy khu nhà của giới cấp cao ở phía bắc Bình Nhưỡng. Người sáng lập ra nhà nước Bắc Hàn, Kim Nhật Thành, sống tại đây và được biết con trai ông ta, Kim Chính Nhất - lãnh đạo hiện nay của nước này - cũng có nhà ở đây. Cùng với các căn nhà lớn và vườn được chăm sóc tốt, có cả bể bơi bên góc trái với cầu trượt nước.

Kim Chính Nhất

Kim Chính Nhất

Bên ngoài tấm hình này, có vẻ như khu nhà có đường tàu riêng dẫn đến một đường hầm chạy ở bên dưới. Là một người quan sát Bắc Triều Tiên lâu năm, tiến sĩ Hazel Smith nói khó có thể biết được ông Kim Chính Nhất sống ở đâu, vì ngoài những khi xuất hiện trước công chúng, các hoạt động của ông ta hầu như nằm trong vòng bí mật.

Bà Smith nói: “Tấm hình này giống một số khu nhà ngoại giao mà tôi từng xem, cũng có các bể bơi. Người trong đảng thường sống trong thành phố, trong khi khu vực này rõ ràng nằm ngoài thành phố, vì có rất nhiều cây cối ”.

Có thể nhìn thấy cầu trượt nước bên tay phải bể bơi

Curtis Melvin, một kinh tế gia người Mỹ chuyên thu thập các tấm hình vệ tinh Bắc Hàn, nói rằng các nguồn tin trong nước khẳng định đây là khu vực mà ông Kim Chính Nhất sử dụng. Ông nói: “Có những ngôi nhà như thế này ở mọi nơi. Có lúc, ông ta có nhà ở mọi tỉnh. Có rất nhiều nhà như vậy ở dọc bờ biển nữa. Đa phần các con đường đẹp ở đất nước này đều dẫn tới cổng các khu nhà như vậy”.

Đối với đa phần trong 23 triệu dân Bắc Hàn, cuộc sống nhìn chung rất khổ cực. Nền kinh tế nước này sụt giảm nghiêm trọng vào thập niên 1990 sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ ở mọi nơi.

Mặc dù kinh tế cho đến nay đã phục hồi phần nào nhờ sự hợp tác rộng hơn với Nam Hàn và một số cải cách nhỏ về thị trường, chất lượng sống và sản lượng kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với mức độ của những năm 1990. Một yếu tố nữa kìm hãm sự phát triển kinh tế là một phần lớn GDP được tiêu dùng cho quân sự.

Nhà máy bia Taedongang

Khu nhà không mấy đẹp đẽ này là nhà máy bia Taedongang ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng. Nó từng có thời là nhà máy bia Ushers ở Trowbridge ở Anh.

Cánh cổng hình thù lạ dẫn vào nhà máy bia

Cánh cổng hình thù lạ dẫn vào nhà máy bia

Người ta mua lại từ chủ nhà máy vào năm 2000, sau đó một nhóm các kỹ sư Bắc Hàn và Anh Quốc tháo dỡ các thiết bị và nhà xưởng ngay tại Anh và gửi bằng đường tàu biển về Bắc Hàn. 18 tháng sau, nhà máy hoạt động tại Bắc Hàn, nhưng thay vì sản xuất loại bia ale truyền thống của Anh, nhà máy này giờ sản xuất nhiều loại bia lager.

Tiến sĩ Smith từ đại học Cranfield nói: “Giống người Nhật, người Bắc Triều Tiên thích uống bia. Nhưng bị cấm vận nên người ta không có đủ các thành phẩm chính để làm bia. Họ dùng những đồ thứ phẩm của vụ mùa để sản xuất bia. Không có gì bị lãng phí ở đây cả”.

Curtis Melvin nói ông phát hiện ra nhà máy bia này “sau khi một du khách gửi một tấm hình cổng ra vào trông rất khác. Chụp từ trên không, trông nó giống chữ M lớn, và tôi tìm ra xuất xứ từ một tấm hình của một nhà xuất bản chính thống”.

Các thùng ủ bia bên trong nhà máy

Ông nói loại bia lager mà ông uống tại Bình Nhưỡng “cũng có đủ mùi vị”, nhưng các loại bia khác thì không được như thế.

“Bia Ryesong uống rất ghê, rõ ràng có vị kim loại. Ở thủ đô, người ta uống rất nhiều loại bia nhưng ở các khu nông thôn bên ngoài, họ thích các đồ uống có cồn truyền thống”.

Truyền hình Bắc Hàn gần đây chiếu một đoạn quảng cáo bia Sông Đại Đồng. Được gọi là “Niềm tự hào của Bình Nhưỡng”, quảng cáo này chiếu cảnh các phụ nữ trẻ mặc đồ Triều Tiên truyền thống mang các khay bia tới phục vụ những người đàn ông mang Âu phục. Ông Kim Chính Nhất thăm nhà máy bia này vào năm 2002, khi ông “chứng kiến bia chất lượng cao chảy không ngừng trong một lúc lâu”, theo lời hãng thông tấn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Trang trại nuôi đà điểu

Đây là hình chụp vệ tinh một trang trại nuôi đà điểu gần Bình Nhưỡng. Trang trại này nằm trong lịch trình du lịch chính thức, nhưng không rõ đây chỉ là một trang trại riêng lẻ hay nó nằm trong một mạng lưới các trang trại tương tự.

Đà điểu

Bắc Hàn bắt đầu nuôi đà điểu sau nạn đói thập niên 1990

Bà Hazel Smith nói: “Ai cũng biết về các trại nuôi đà điểu. Bắc Hàn cho rằng họ có thể kiếm tiền từ đà điểu. Chính phủ chưa bao giờ khoe khoang về chuyện này, do vậy, tôi nghi là họ nuôi không tốt lắm”.

Curtis Melvin nói ông phát hiện ra địa điểm sau khi nhìn thấy một tấm hình của trang trại trong một ấn bản chính thức của Bắc Hàn. Ông nói Bắc Hàn bắt đầu nuôi đà điểu trong nạn đói hồi những năm 1990, khi khoảng 500 ngàn đến 1 triệu người Bắc Hàn bị cho là đã chết đói.

Bắc Hàn tiếp tục chịu cảnh thiếu lương thực lớn do các vấn đề về kinh tế, đất đai canh tác hạn chế và thiếu máy móc nông nghiệp cũng như năng lượng. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc ước tính gần 9 triệu người vẫn đang cần viện trợ lương thực.

Tháp Chủ Thể

Đây là tháp Chủ Thể, tại trung tâm Bình Nhưỡng. Tháp này cao 170m và là một trong các danh thắng chính tại thủ đô. Ngay trước ngọn tháp là một bức tượng 30m điển hình kiểu Cộng sản, với nông dân mang liềm, công nhân mang múa và một nhân vật thứ ba là “trí thức lao động” mang bút.

Tháp Chủ Thể nhìn từ mặt đất

Tháp Chủ Thể nhìn từ mặt đất

Tiến sĩ Smith nói: “Đây là khu vực rất đẹp. Điện trên đỉnh ngọn tháp được tắt đi vào lúc 10h đêm, khi mọi người đi ngủ vì họ dậy sớm và dĩ nhiên là cần tiết kiệm điện. Rất nhiều người tới đây vào thứ Bảy và Chủ Nhật. Khu vực này ngay cạnh con sông, nơi mọi người có thể câu cá và tới thư giãn vào buổi chiều”.

Kim Chính Nhất được chính thức ghi nhận là đã thiết kế ngọn tháp này, mặc dù mức độ tham gia của ông ta đến đâu thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Ngọn tháp được đặt theo tên của chủ thuyết chính trị Chủ Thể của bố ông ta, dựa trên các điểm chính là tự cung tự cấp, cô lập hóa, thuyết truyền thống Triều Tiên và chủ nghĩa Marx-Lenin.

Ngọn tháp được đặt thẳng với tượng Kim Nhật Thành trên đồi Mansu ở bờ đối diện của con sông. Curtis Melvin nói: “Quang cảnh trông không thể tin được”. Ông có dịp chứng kiến các chuẩn bị cho lễ duyệt binh truyền thống vào tháng Mười hồi năm 2005. Trong chuyến đi đó, ông kể đã chụp ảnh trước các bức hình khổng lồ của Kim Chính Nhất và bố ông ta, nhưng sau bị đuổi đi “bởi một trong số những người phụ trách huấn luyện”.

Tượng Kim Nhật Thành

Đây là tượng đài tưởng niệm người sáng lập nhà nước Bắc Hàn, Kim Nhật Thành: một bức tượng đồng khổng lồ cao 20m. Bức tượng đứng trên đồi Mansu trở thành một điểm thu hút rất nhiều khách du lịch. Khi người Bắc Hàn tới trước bức tượng, họ thường cúi đầu và để lại hoa để tỏ lòng kính trọng.

Một gia đình Bắc Hàn chụp ảnh trước tượng lãnh tụ Kim Nhật Thành

Hai bên bức tượng là hai tấm bảng đá khổng lồ phỏng hình hai lá cờ. Một là lá cờ Bắc Hàn, cái kia là cờ đảng Lao động Triều Tiên. Trang trí ở phần trụ của kiến trúc này là khoảng 200 bức tượng đồng gần bằng khổ người thật về các nhân vật anh hùng trong quân đội cũng như dân sự. Đằng sau là Bảo tàng Cách mạng Triều Tiên.

Được dựng lên vào năm 1972 nhằm kỷ niệm sinh nhật thứ 60 của Kim Nhật Thành, bức tượng này ban đầu được mạ vàng, nhưng sau đó lớp vàng được bỏ đi, được biết là do Trung Quốc yêu cầu. Trung Quốc vốn là nước cấp viện chính cho Bắc Hàn. Các bức tượng tương tự, mặc dù không lớn bằng, được dựng lên tại hơn 70 thành phố chính tại Bắc Hàn.

Hiện mới chỉ có một bức tượng ông con Kim Chính Nhất. Các ngọn đèn chiếu sáng bức tượng này từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng mỗi ngày. Được biết người ta còn xây các hầm ngầm để cất những bức tượng này trong trường hợp chiến tranh xảy ra.

---------------------------------------------------

source

BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét