Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Obama lấn, Trung Quốc nhịn


October 02, 2009


Đỗ Quý Toàn-Việt Tribune

Trước khi ông Hồ Cẩm Đào sang Mỹ họp hội nghị G-20 tại Pittsburg và dự đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào tuần trước, nhiều người lo ngại một cuộc khẩu chiến sẽ diễn ra giữa hai chính phủ Mỹ và Trung Quốc. Nhưng điều đó đã không diễn ra. Ngược lại, tại cả hai diễn đàn trên, ông chủ tịch nước Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa chỉ tự khen ngợi nước ông đã giữ giá đồng nhân dân tệ ổn định, nhờ đóng góp đó nên sẽ giúp cho thế giới sớm vượt qua cơn khủng hoảng tài chánh, và ông hứa sẽ viện trợ giúp các nước đang mở mang khác trong khi nhấn mạnh Trung Quốc cũng vẫn là một nước đang phát triển.

Để đáp lại thái độ hòa hoãn đó, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Timothy Geithner lên tiếng ca ngợi chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực thúc đẩy cho người dân tiêu thụ nhiều hơn trong thời gian gần đây để giúp nền kinh tế thế giới được cân bằng; và không quên kêu gọi Trung Quốc hãy tiếp tục cải tổ thêm nữa.

Chủ Tịch trung Quốc Hồ Cẩm Đào, trái và TT Hoa Kỳ Obama tại hội nghị G-20 Pittbursgh, ngày 25 tháng 9, 2009. John Moore/Getty Images

Nước Mỹ làm gương xấu

Sở dĩ người ta lo ngại hai nước sẽ cãi nhau gay go trong dịp hội nghị G-20 vào cuối tuần trước là vì chính phủ Obama mới tăng thuế nhập cảng bánh xe hơi mua từ Trung Quốc, một biện pháp không ích lợi gì cho người tiêu thụ ở Mỹ và hoàn toàn có tính cách lấn áp nhắm vào một nước bạn hàng. Đây là một quyết định nhỏ, nhưng có hai hậu quả quan trọng. Thứ nhất, đây là một thách thức đối với Bắc Kinh, một đối tác thương mại lớn của Mỹ, có thể đưa tới những biện pháp trả đũa. Hiện nay Mỹ là nước con nợ lớn nhất, Trung Quốc là nước chủ nợ lớn nhất, nếu hai nước cãi nhau thì cả thế giới sẽ lo ngại. Thứ hai, đây là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Barack Obama đang nghiêng về phía tả trong chính sách thương mại quốc tế, trái ngược với chủ trương tự do mậu dich mà nước Mỹ vẫn theo đuổi. Hành động này có thể sẽ gây thêm thiệt hại cho kinh tế Mỹ nếu ông Obama tiếp tục làm như vậy dưới áp lực của các công đoàn vẫn ủng hộ ông.

Việc tăng thuế đánh trên bánh xe hơi nhập cảng từ Trung Quốc lên 35% trong khi vẫn tha cho bánh xe mua từ Brazil, Indonesia, Ấn Độ, vân vân, có thể coi là một hành động “gây hấn.” Đối với người tiêu thụ và kỹ nghệ làm bánh xe ở Mỹ thì quyết định tăng thuế này không ích lợi gì cả. Loại bánh xe mua từ Trung Quốc là loại rẻ tiền không còn sản xuất trong nước Mỹ nữa, khi các công ty Mỹ chỉ chế tạo những loại bánh xe đắt tiền có lời nhiều hơn, cho nên suất thuế mới không tạo thêm được công việc làm nào cả. Giá bánh xe mua của Trung Quốc sẽ tăng lên vì thuế mới, nhưng các nhà nhập cảng sẽ mua từ các nước đang mở mang khác như Ấn Độ, Brazil, Mexico. Ngoài ra, nhiều mặt hàng Mỹ xuất cảng sang Trung Quốc sẽ bị đánh thuế trả đũa, các xí nghiệp và công nhân ở Mỹ sẽ bị thiệt thòi! Chỉ có một nhóm người Mỹ hài lòng về quyết định của chính phủ Obama, là một nghiệp đoàn, mà đa số các công nhân làm bánh xe không gia nhập nghiệp đoàn này! Cho nên có thể nói chính phủ Obama đã “đánh” bánh xe Trung Quốc chỉ để lấy lòng một nhóm người ủng hộ ông.

Đây là một hành động nguy hiểm. Vì sẽ tạo ra một tiền lệ. Còn nhiều nghiệp đoàn và nhiều nhà sản xuất những thứ hàng khác có thể sẽ làm áp lực trên chính phủ Mỹ để đòi hỏi những quyết định tương tự, có lợi cho họ nhưng sẽ khiến người tiêu thụ phải trả giá cao hơn trên các món hàng nhập cảng và các nước bị thiệt sẽ trả đũa!

Nguy hiểm hơn nữa là nước Mỹ sẽ làm gương xấu cho các quốc gia khác. Từ khi cuộc khủng hoảng tài chánh gây suy thoái kinh tế khắp thế giới, các cường quốc trong nhóm G-20 đã liên tiếp kêu gọi các nước phải tránh không thi hành các chính sách “bảo hộ mậu dịch” bằng cách tăng thuế nhập cảng. Cuộc đại khủng hoảng thời 1930 xẩy ra một phần vì các chính phủ thời đó đã theo chính sách này, tưởng rằng nếu ngăn chặn hàng nhập cảng thì các nhà sản xuất trong nước mình sẽ khá hơn. Trái lại, khi mậu dịch quốc tế ngưng trệ thì tất cả các nước đều bị thiệt hại.

Trong thực tế, kể từ khi cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu, nhiều quốc gia đã đưa ra các chính sách bảo hộ mậu dịch, như tăng thuế nhập cảng hoặc trợ cấp cho các nhà sản xuất bản xứ; trong khi miệng vẫn đề cao tự do mua bán. Một cơ quan nghiên cứu ở Genève cho biết trung bình cứ ba ngày mỗi nước trong nhóm G-20 lại vi phạm lời hứa tự do mậu dịch một lần! Nhưng các chính phủ đều rất dè dặt không dám làm quá đáng, và lắng nghe những lời chỉ trích từ các nước bạn hàng của họ. Chính phủ Mỹ đóng vai trò quan trọng vì nước Mỹ dẫn đầu thế giới về thương mại và kinh tế, nếu Mỹ làm quá đáng thì các nước khác sẽ cảm thấy họ được tự do làm theo kéo nhau vào một cuộc chiến tranh thương mại vô ích!

Trung Quốc phản ứng dè dặt

Chúng ta có thể ngạc nhiên trước phản ứng rất dè dặt của chính phủ Bắc Kinh. Hành động trả đũa duy nhất được ghi nhận là họ ra lệnh mở cuộc điều tra về việc có thể coi là “bán phá giá” (dumping) của các nhà xuất cảng Mỹ sang Trung Quốc trong các mặt hàng như thịt gà và bộ phận phụ tùng xe hơi. Dumping tức là bán hàng dưới giá thành sang nước khác với mục đích cạnh tranh không thẳng thắn để chiếm thêm phần của thị trường. Đó là một việc làm trái với quy luật giao thương quốc tế. Nhưng biện pháp điều tra của chính phủ Bắc Kinh có thể chỉ là một hành động đe dọa, nếu thấy chứng cớ sẽ còn phải đưa ra Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO xin giải quyết; không chắc đã đưa tới việc trả đũa cụ thể.

Tại sao Trung Quốc phản ứng một cách dè dặt như vậy?

Vì chính phủ Bắc Kinh bị ràng buộc bởi một điều kiện mà họ đã thỏa thuận với các nước khác trong Tổ chức WTO trước khi được chấp thuận gia nhập mạng lưới mậu dịch quốc tế này vào năm 2001. Điều kiện đó là các nước khác được phép đưa ra những biện pháp tạm thời để “tự vệ” (safeguard) đối với hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc, trong thời hạn cho tới năm 2013. Tại nước Mỹ, chính phủ còn có quyền thi hành một điều luật, khoản 421 trong đạo Luật Thương Mại (Trade Act) cho phép chính phủ ngăn cản hàng nhập cảng từ Trung Quốc, chỉ vì lý do có thể khiến cho các công nghiệp sản xuất trong nước bị gây trở ngại. Chỉ cần cơ quan thương mại quốc tế xác nhận là một ngành công nghiệp có gặp trở ngại thì chính phủ Mỹ có thể hành động ngăn chặn hàng nhập cảng từ Trung Quốc.
Tuy nhiên chính phủ Bắc Kinh có quyền bác bỏ việc áp dụng điều 421 trên đây, mà trong quá khứ chính phủ Gorges W. Bush đã bốn lần không áp dụng khi có kiến nghị của các nhà sản xuất ở Mỹ.

Cho nên phản ứng dè dặt của Bắc Kinh chỉ có thể hiểu là họ đã chọn không muốn làm lớn chuyện với chính phủ Mỹ. Số bánh xe hơi từ Trung Quốc bán sang Mỹ không đủ lớn để gây ra một cuộc chiến thương mại giữa hai nước; trong khi ông Hồ Cẩm Đào tới Mỹ vẫn kêu gọi hai nước cần hợp tác để giúp thế giới vượt qua cơn khủng hoảng hiện nay.
Nhưng nhiều người lo ngại về hậu quả của quyết định tăng thuế đánh vào bánh xe hơi Trung Quốc của chính phủ Barack Obama. Người ta tự hỏi liệu ông Obama có tiếp tục chiều theo ý của những nghiệp đoàn ủng hộ ông mà thay đổi chính sách mậu dịch tự do của nước Mỹ hay không? Đảng Dân Chủ không phải là một đảng nhiệt tâm đối với chủ trương kinh tế tự do này. Khi tranh cử ông Obama đã hứa sẽ “xét lại” hiệp ước Nafta, tự do mậu dịch giữa Mỹ với Canada và Mexico; cho tới nay ông có vẻ muốn bỏ qua lời hứa này. Nhưng Quốc hội Mỹ đã quyết định ngưng một dự án mở rộng biên giới cho xe tải của Mexico được vào Mỹ tự do hơn, thì ông tổng thống Mỹ không can thiệp mặc dù dự án này nằm trong hiệp ước Nafta. Có 3 dự luật song phương về thương mại tự do với các nước Colombia, Panama và Nam Hàn bị ngưng trệ nằm yên trong hồ sơ của quốc hội mà ông Obama không tỏ ra tha thiết muốn thúc đẩy, như trước đây ông Bush vẫn cố gắng yêu cầu phải đem ra thảo luận.

Từ thời Tổng thống Carter, vị tổng thống Mỹ nào cũng có lúc làm những việc trái với quy tắc tự do mậu dịch, ngay cả những vị tổng thống thuộc đảng Cộng Hoà. Ông Bush đã tăng thuế nhập cảng thép vào năm 2002 bất chấp sự phản đối của nhiều nhà kinh tế trong đảng ông, vì ông muốn làm vừa lòng kỹ nghệ thép và các công nhân ở tiểu bang West Virginia. Ông Reagan đã ngăn cản việc nhập cảng xe hơi và chất bán dẫn (semiconductor) từ Nhật Bản. Điều lo ngại đối với ông Obama không phải là về một hành động tăng thuế đối với bánh xe hơi Trung Quốc, mà lo rằng ông sẽ tiếp tục những biện pháp khác gây trở ngại cho giao thương quốc tế vì các nước khác sẽ bắt chước nước Mỹ. Năm 2002 sau khi Tổng thống Bush tăng thuế nhập cảng thép thì có năm bẩy quốc gia khác cũng làm theo. Nếu các nước đua nhau bảo hộ mậu dịch thì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ còn kéo dài hơn![ ĐQT]

**************************

source

Viet Tribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét