VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Sáu, 23 tháng 7 2010
Từ biển Tây Hàn Quốc đến biển Đông Việt Nam
Để đáp lại việc chiến hạm Cheonan của Nam Triều Tiên bị ngư lôi Bắc Triều Tiên đánh chìm ở Hoàng Hải hồi tháng 3, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên quyết định tiến hành một cuộc thao dượt hải quân qui mô lớn ở Biển Nhật Bản và Hoàng Hải, bắt đầu từ ngày 25 tháng này. Cuộc tập trận, với sự tham dự của hàng không mẫu hạm George Washington của Mỹ, đã gặp phải sự chống đối của chính phủ ở Bắc Kinh vì điều mà một số người ở Trung Quốc gọi là ‘hành động dương oai diệu võ trước cổng nhà” của họ.
Hình: AP
Một số nhà quan sát cho rằng Việt Nam và các nước khác liên hệ trong vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông đang theo dõi sát những diễn tiến ở Biển Tây của Nam Triều Tiên giữa lúc họ đánh giá quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc duy trì thế quân bình chiến lược ở vùng Đông Á Thái bình dương.
Thứ tư vừa qua, một ngày sau khi các giới chức Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên chính thức loan báo ngày chủ nhật 25 tháng 7 là ngày bắt đầu cuộc thao dượt chung ở Biển Nhật Bản và Hoàng Hải, là hai vùng biển mà người Hàn Quốc gọi là Biển Đông và Biển Tây, phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại sự chống đối của Bắc Kinh đối với hành động mà họ gọi là “ảnh hưởng tới quyền lợi an ninh của Trung Quốc.” Ông Tần Cương cũng đã né tránh câu hỏi của các ký giả là liệu Trung Quốc và Bắc Triều Tiên có tập trận chung với nhau để đáp lại hành động của Washington và Seoul hay không. Ông chỉ nói rằng việc phân chia khu vực Đông Bắc Á, khu vực Á châu Thái bình dương thành những liên minh quân sự khác nhau là một hành động lỗi thời của thời Chiến tranh Lạnh.
Trong khi đó, các giới chức Hoa Kỳ cho rằng sự phản đối của Trung Quốc không ảnh hưởng gì tới cuộc tập trận được đặt tên “Tinh thần Bất khuất” (Invincible Spirit) -- có mục đích tăng cường khả năng phòng vệ của hải quân Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên trước mối đe dọa từ tàu ngầm của Bắc Triều Tiên ở Hoàng Hải, và biểu dương sức mạnh sau khi một chiến hạm của Nam Triều Tiên bị ngư lôi của Bắc Triều Tiên đánh chìm trong vùng biển này. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, Chủ tịch Ban Tham mưu liên quân Hoa Kỳ, Đô đốc Mike Mullen cho biết như sau.
Ông Mullen nói: "Hoàng Hải là một vùng biển quốc tế. Và Hoa Kỳ luôn luôn bảo lưu quyền hoạt động trong hải phận quốc tế. Đương nhiên là tôi đã nghe được những gì mà Trung Quốc đã nói về việc này. Nhưng trên thực tế chúng tôi vẫn thực hiện những cuộc diễn tập ở Hoàng Hải từ bấy lâu nay và tôi hoàn toàn tin tưởng là chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai."
Tiến sĩ Denny Roy, thuộc Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii, cho biết rằng vụ đôi co giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về cuộc diễn tập này là một phần của quá trình tranh giành ảnh hưởng giữa Washington và Bắc Kinh ở vùng Đông Á Thái bình dương – và sự tranh giành này có phần chắc sẽ gia tăng cường độ trong những năm tới đây.
Ông Roy nhận xét: "Tôi nghĩ rằng cái nhìn của Trung Quốc về một khu vực Á châu Thái bình dương mà Trung Quốc nắm giữ vị thế của một đại cường sẽ không có chỗ cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở mức độ hiện nay. Chúng ta có thể nhìn thấy con đường dẫn tới chỗ va chạm giữa những quyền lợi mà Trung Quốc xem là cốt lõi với những quyền lợi thiết yếu của Mỹ. Trong trường hợp Hoa Kỳ và Trung Quốc có sự diễn giải khác nhau về những gì có thể làm ở một nơi mà phạm vi ảnh hưởng của hai nước chồng chéo với nhau, thì vấn đề đó chẳng những sẽ không tan biến đi mà còn gia tăng cường độ trong vòng vài năm tới đây."
Giáo sư Roy cho biết ông hiểu được lý do khiến Trung Quốc bất bình khi thấy Hoa Kỳ định tiến hành những cuộc diễn tập ở một nơi mà tàu ngầm của Trung Quốc dùng làm cửa ngỏ để ra khơi, nhưng ông nói rằng Trung Quốc đã thiếu khôn khéo.
Ông Roy nói: "Theo tôi thì Trung Quốc đã hành động một cách thiếu khôn ngoan khi họ cảnh cáo một cách rõ ràng là Hoa Kỳ không được thực hiện cuộc thao dượt này, đặc biệt là trong bối cảnh mà Trung Quốc phải chịu một phần trách nhiệm đối với tình trạng an ninh khu vực bị đe dọa vì những hành động của Bắc Triều Tiên. Trong vụ việc cụ thể này Trung Quốc đã bị thất thế, vì họ đã mang cả uy thế và sự khả tín của mình ra để công khai cảnh cáo Hoa Kỳ không được làm như vậy, để rồi bị Hoa Kỳ mặc nhiên bác bỏ qua việc xúc tiến kế hoạch thao dượt."
Trong khi đó, giáo sư Jonathan London, thuộc trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết rằng các nước Đông Nam Á đang chú tâm theo dõi những tín hiệu đánh đi từ Biển Tây Hàn Quốc.
Ông London cho biết: "Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á rất quan tâm tới việc Trung Quốc phản đối cuộc thao dượt chung giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên. Lý do rất dễ hiểu. Trong thời gian qua Trung Quốc đã có những hành động có thể nói là hung hãn để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải. Trong khi đó, Việt Nam một mặt phải ra sức bảo vệ quyền lợi của mình và một mặt phải tìm cách tránh xảy ra tình trạng đối đầu với Trung Quốc hoặc làm cho Trung Quốc tức giận. Và đồng thời họ cũng muốn dựa vào mối quan hệ không ngừng được cải thiện với Hoa Kỳ để chống đỡ với những áp lực của Bắc Kinh."
Ông Chu Chí Hùng, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, cũng tán đồng nhận xét này.
Ông Chu nói: "Chắc chắn là họ rất quan tâm. Đặc biệt là Việt Nam, Philippines và những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Chắc chắn là họ quan tâm rất nhiều. Họ không tiện công khai nói ra là họ hy vọng Hoa Kỳ làm gì hay muốn Trung Quốc làm gì, bởi vì họ không muốn phải nghiêng hẳn về một bên nào trong 2 cường quốc này. Nhưng tôi nghĩ rằng chắc chắn là trong thâm tâm của họ hoặc ở những chỗ không công khai, họ muốn cho Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên xúc tiến cuộc thao dượt ở Hoàng Hải."
Giáo sư Chu Chí Hùng cho rằng các nước nhỏ hơn trong vùng Đông Nam Á mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực để cân bằng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Chu nói thêm: "Nếu Hoa Kỳ hủy bỏ cuộc thao dượt vì áp lực của Trung Quốc thì đó sẽ là một cú đấm tâm lý cực mạnh cho Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á. Họ sẽ không còn tin tưởng vào Hoa Kỳ nữa. Họ sẽ cho rằng Hoa Kỳ đã đánh mất vị thế của nước một có đủ sức mạnh và quyết tâm để duy trì sự ổn định của khu vực Á châu Thái bình dương."
Trong thời gian gần đây, giữa lúc vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn, các giới chức ở Washington khẳng định rằng Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị thế trung lập trong vấn đề này, nhưng sẽ tăng cường các nỗ lực để duy trì ổn định và bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực. Về việc này giáo sư London của Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết như sau.
Ông London nói: "Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đang theo đuổi một đường lối rất thận trọng ở Đông Á. Bây giờ hãy còn quá sớm để biết được là Việt Nam và những nước khác có thể dựa vào Hoa Kỳ khi xảy ra xung đột với Trung Quốc hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là Việt Nam rất muốn và cũng rất cần một mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ để có thể được bảo vệ ở một mức độ nào đó."
Theo giáo sư London, vì chưa thể khẳng định là có được sự trợ giúp của Hoa Kỳ khi xảy ra xung đột với Trung Quốc hay không nên giới hữu trách Việt Nam đang ra sức xây dựng các mối quan hệ hợp tác an ninh với nhiều nước khác, kể cả Nga và Ấn Ðộ.
source
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét