Mở cửa Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cho Hoa Kỳ và Nga cùng tham gia, bật đèn xanh cho Canada và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết hiệp ước bất tương xâm với mình, tạo điều kiện cho Liên hiệp Châu Âu liên kết chặt chẽ hơn vùng châu Á. Chưa bao giờ vai trò trung tâm của khối ASEAN trong việc liên kết Châu Á lại nổi bật như lần này, tại Hà Nội, nhân Hội nghị lần thứ 43 của các ngoại trưởng trong khối.
Yếu tố nổi bật nhất phản ánh vai trò trung tâm của ASEAN được ghi trong điều 20 của Bản Thông cáo chung kết thúc Hội nghị được công bố vào hôm qua, theo đó ASEAN : « Hoan nghênh Liên bang Nga và Hoa Kỳ bày tỏ quan tâm tham gia Cấp cao Đông Á (EAS). Chúng tôi nhất trí khuyến nghị lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tháng 10 năm 2010 tại Hà Nội chính thức đưa ra quyết định mời Liên bang Nga và Hoa Kỳ tham gia EAS thông qua những cách thức và vào thời điểm phù hợp ».
Cũng trong bản Thông cáo chung, Hiệp Hội Đông Nam Á cũng tuyên bố hài lòng trước việc cả Nga lẫn Mỹ đều ngỏ ý « Sẵn sàng tham gia hợp tác chặt chẽ hơn nữa với ASEAN và khu vực » và xác định cam kết của ASEAN là tiếp tục « Tăng cường gắn kết và hợp tác với các đối tác bên ngoài ».
Chính trong chiều hướng mở rộng của đó mà nhân Hội nghị lần này ở Hà Nội, Ngoại trưởng các quốc gia Đông Nam Á cũng đồng ý ký Hiệp ước bất tương xâm với Canada và Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ nguyện vọng này. ASEAN cũng đồng thời điều chỉnh lại bản Hiệp ước TAC, tức là Hiệp ước bất tương xâm theo chiều hướng mở rộng cho các tổ chức khu vực có thành viên là các Quốc gia có chủ quyền gia nhập. Trước mắt, việc điều chỉnh này sẽ mở đường cho Liên hiệp Châu Âu gia nhập khối nước ký kết hiệp ước bất tương xâm với ASEAN.
Với các quyết định kể trên, có thể nói không sai là phạm vi ảnh hưởng của ASEAN có thể tỏa rộng ra các khu vực khác trên thế giới, từ Bắc Mỹ với Hoa Kỳ và Canada, cho đến Châu Âu với các nước trong Liên Hiệp Châu Âu, cùng với Nga và qua tận Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Hiệp Hội Đông Nam Á chứng tỏ vai trò tác nhân gắn kết các vùng địa dư khác nhau. Chính ASEAN là sáng lập viên của nhiều cơ cấu khu vực như Diễn đàn An ninh ARF, hay là cơ chế ASEAN + 3, động lực đứng sau việc thành lập nhóm Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng được công nhận, đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ, vốn là nước từng khuyến khích việc thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Trong một bài phân tích mới đây, chuyên gia về Đông Nam Á Ernest Bower thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ CSIS tại Washington đã công nhận rằng ASEAN là trung tâm đầy năng động cho một châu Á mới, và Hoa Kỳ là nước có những lợi ích to lớn và quan hệ chặt chẽ trong vùng.
Về khối Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, bao gồm 10 nước Đông Nam Á, cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand, và sắp tới đây sẽ có thêm Hoa Kỳ và Nga, chuyên gia Bower đã nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của cơ chế này đối với chính sách Á châu của Mỹ. Theo ông Bower, nhìn về lâu về dài, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á là cơ cấu toàn khu vực thích hợp nhất cho Mỹ, với Hoa Kỳ là thành viên và ASEAN là trung tâm điểm.
Trong tình hình đó, Mỹ cần phải giúp ASEAN củng cố vững chắc nền tảng của mình. Theo Bower, sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ cùng với những mối quan hệ tốt tại vùng Đông Nam Á sẽ giúp cho cả Mỹ lẫn các đối tác châu Á khuyến khích Trung Quốc, và cả Ấn Độ, tiếp tục công cuộc tiến vào khu vực và bước ra thế giới một cách tương đói hòa binh và xây dựng.
Nhận định nêu trên như đã được ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lắng nghe. Trong bài phát biểu hôm nay tại Hội nghị với các Ngoại trưởng ASEAN, bà khẳng định là Hoa Kỳ quyết tâm làm một đối tác tích cực của Hiệp hội Đông Nam Á cũng như của tất cả các thành viên ASEAN.
source
RFI Vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét