Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Nỗ lực mới của Singapore


Cập nhật: 16:13 GMT - thứ năm, 2 tháng 12, 2010

Nỗ lực mới của Singapore

Quốc đảo Singapore

Liệu Singapore có tạo ra được môi trường thích hợp cho các doanh nghiệp mới?

Đã 10 năm trôi qua kể từ khi tôi gặp ông Lý Quang Diệu, người sáng lập ra Singapore.

Khi đó, ông đã thôi giữ chức Thủ tướng của đảo quốc bé nhỏ và trật tự này cả thập niên, nhưng vẫn có ảnh hưởng cực lớn từ hậu trường, với chức vụ khi ấy là Bộ trưởng Cao cấp.

Giờ đây, ông được gọi là Bộ trưởng Giáo huấn, và Thủ tướng của Singapore giờ cũng là một ông Lý khác - chính là con trai ông, Lý Hiển Long.

Tôi gặp ông khi đó vì những gì ông nói về sự thất bại khiến tôi chú ý. Và đó cũng là chủ đề mà chúng tôi trò chuyện.

Một chút thông tin về lịch sử: trong 30 năm dưới sự dẫn dắt của ông, nước này chứng kiến nỗ lực của chính phủ muốn biến Singapore thành ốc đảo của thế giới phát triển nằm ngay tại khu vực thế giới thứ ba.

Israel là mô hình mà họ theo đuổi, do nước này bị bao vây xung quanh bởi các quốc gia Arab thù nghịch. Singapore khi đó cũng cảm thấy họ bị bao vây trong sự thù nghịch khi Liên đoàn Malaysia tan rã vào năm 1965.

Ông Lý Quang Diệu bảo tôi: "Giống như Israel, chúng tôi phải có bước nhảy vọt so với khu vực, và thu hút các tập đoàn đa quốc gia".

Ông Lý Quang Diệu là Thủ tướng của Singapore từ năm 1959 tới năm 1990

Trong 30 năm, Singapore thực hiện chiến lược dẫn đầu, nhưng đến năm 2000 thì họ cảm thấy bế tắc. Do vậy, Bộ trưởng Cao cấp đưa ra lời kêu gọi mới cho đảo quốc gồm 5 triệu dân.

Ông nói với tôi: "Đã đến lúc phải có một đợt bùng nổ sáng tạo trong kinh doanh. Chúng tôi cần có nhiều thử nghiệm, nhiều sự khởi đầu mới. Trong 10 thử nghiệm có thể cũng có một thành công, tám cái kia sẽ thất bại."

Đây là lời kêu gọi rõ ràng mang tính cấp tiến từ vị lãnh đạo chính phủ vốn luôn sát sao chỉ dẫn đất nước trong thời gian quá dài.

Lý Quang Diệu

Ông Lý Quang Diệu lãnh đạo Singapore từ năm 1959 đến 1990

Ông nói rằng những cách thức cũ giờ không còn tác dụng.

Người dân Singaporeans sẽ phải tự đương đầu đối diện với những rủi ro trong cuộc sống mà không có sự bảo trợ an toàn của chính phủ nữa.

Nhà ấn tượng

Thế nên vào năm 2002, một ủy ban của chính phủ đưa ra khuyến nghị thúc đẩy các doanh nghiệp ở Singapore. Sau đó, họ lập ra một vị bộ trưởng chuyên trách về chuyện này.

Tôi nghĩ rằng đây là biện pháp mà rất nhiều nơi cũng làm, nhưng kiểu của Singapore cho thấy cách thức mà thành phố - quốc gia này suy nghĩ.

Thế nên gần đây tôi quay lại, để thu thập một số câu chuyện về những thử nghiệm của các doanh nhân Singapore cho các chương trình radio, tivi và trang mạng của BBC.

Tôi thấy thành phố này giờ đặt nhiều tin tưởng vào thị trường địa ốc hơn cách đây một thập niên. Như Dubai, Singapore có vẻ nghĩ rằng nếu họ xây dựng cơ sở tốt thì các nhà đầu tư sẽ tới.

Bên trong rất nhiều tòa nhà mới có rất nhiều khu bán lẻ. Mua sắm vẫn là một trong những hoạt động ưa thích chính của thành phố – quốc gia này.

Để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo công nghệ mới mà ông Lý Quang Diệu rất quan tâm cách đây 10 năm, có rất nhiều hoạt động do chính phủ khởi xướng tại đây. Sự thúc đẩy này được thể hiện qua các tòa nhà mới vươn lên sừng sững.

Chẳng hạn tòa nhà Biopolis tập trung các viện nghiên cứu cùng các công ty y khoa quốc tế. Họ bị Singapore lôi cuốn tới đây đặt cơ sở tại châu Á, như các ngân hàng từng bị cuốn hút tới đây vào thập niên 1980. Gần đó là tòa nhà Fusionpolis, được thiết kế cho các công ty chuyên về khoa học vật lý và viễn thông.

Đó là các tòa nhà ấn tượng, với các công ty nghiên cứu ấn tượng bên trong. Nhưng điều này có thực sự tạo ra một thành phố của những người dám chấp nhận rủi ro, với các doanh nhân cá tính sẵn sàng khởi nghiệp?

Dẫn trước

Singapore

Ông Lý Quang Diệu muốn người dân Singapore phải thay đổi cách nghĩ

Bên cạnh khu nhà chuyên nghiên cứu là cơ sở của Trường Kinh doanh châu Âu, INSEAD, nổi tiếng. Trường này đang kỷ niệm 10 năm thành lập, và tôi hỏi giáo sư Patrick Turner từ khoa kinh doanh là ông nghĩ sao về nỗ lực của Singapore.

Ông nói sau khi có nỗ lực thúc đẩy, số lượng các công ty được thành lập tại đây tăng gấp đôi hàng năm, trong thời gian từ 2003 đến 2007. Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra và mọi thứ giảm bớt đi.

Giáo sư Turner nói với tôi rằng vẫn còn nhiều thách thức: "Một trong các vấn đề là họ cố gắng tạo dựng một mô hình Thung lũng Silicon của Mỹ nhưng với kiểu tinh thần Singapore, mà như thế thì không thể giống được.

"Tại các nước khác, dạng thay đổi như thế này phải mất cả một thế hệ. Nhưng Singapore thì rất linh hoạt, nên họ chỉ mất một nửa thời gian thôi, có nghĩa là chúng tôi đã đang ở trong giai đoạn giữa của quá trình."

Singapore là một trong những nước bắt đầu từ con số không nhưng phát triển nhanh như tên lửa, nhờ viễn kiến ban đầu là các ngân hàng và tập đoàn quốc tế cần có trụ sở hải ngoại ở châu Á.

Giờ đây, các tập đoàn muốn vào thẳng trong nước, cạnh tranh trực tiếp như tại Trung Quốc. Singapore cần phải tìm ra phương cách để dẫn trước, như mong đợi của họ.

Do vậy, người dân giàu có của đảo quốc này sẽ phải chú ý tới thông điệp của vị Bộ trưởng Cao cấp cách đây 10 năm, và bắt đầu phải chấp nhận rủi ro.

source

BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét