Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Hàng không mẫu hạm TQ trên Biển Đông?



Chuyện Trung Quốc đang tìm cách phát triển hệ thống hàng không mẫu hạm riêng, đã không còn là điều bí mật.

Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng hải quân

Đầu năm nay, ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng, nói rằng Trung Quốc không nên là đại cường duy nhất trên thế giới mà không có tàu sân bay. Đồng thời, có thông tin rằng Trung Quốc muốn triển khai hai hạm đội hàng không mẫu hạm trước năm 2015.

Có bằng chứng để thế giới tin rằng Trung Quốc rất nghiêm túc trong cố gắng củng cố Vạn lý Trường thành trên biển.

Năm 1998, một công ty nhỏ của Hong Kong, Chong Lot Travel Agency Ltd, thắng cuộc đấu giá để mua một tàu sân bay đa dụng đã phế thải của Nga, Đô đốc Kuznetsov, từ Ukraine, có tên Varyag.

Ý tưởng ban đầu là biến con tàu thành sòng bài casino, nhưng sau một thời gian yên lặng, con tàu được đưa về Trung Quốc năm 2002, thả neo ở cảng Đại Liên.

Năm 2005, tàu được sơn màu xám dòng chữ Hải quân Quân Giải phóng, và boong tàu được sơn màu vàng.

Ngày 27/04/2009, tàu Varyag rời bến, đưa đến nơi khác cách khoảng hai dặm, có thể nhằm để tân trang. Và vào tháng Năm, người ta xóa đi huy hiệu và các ký tự hải quân Nga trên thân tàu.

Vẫn có tranh cãi về chức năng thực sự của Varyag. Một số người nói nó sẽ sớm trở thành tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, nhưng những người khác lại khẳng định cùng lắm nó chỉ dùng để đào tạo hải quân.

Dù thế nào chăng nữa, rõ ràng Trung Quốc đang gấp rút tái cơ cấu lực lượng hải quân.

Mới gần đây cũng có tin đồn rằng Trung Quốc dự định mua ít nhất hai máy bay SU-33 của Nga cho tàu Varyag, và mục tiêu tối hậu là sẽ tự phát triển máy bay chiến đấu làm tại Trung Quốc để trang bị cho các tàu sân bay trong tương lai.

Hàng không mẫu hạm loại Varyag được Trung Quốc mua lại

Mục tiêu dài hạn?

Mục tiêu của hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc sẽ là gì?

Trung Quốc vẫn nhấn mạnh ưu tiên của quân đội nước này là bảo vệ lãnh thổ. Nhưng giờ đây, điều còn được nhấn mạnh hơn nữa là khi quyền lợi trên biển của Trung Quốc bị xâm phạm, không thể không dùng biện pháp tấn công là gửi ra tàu sân bay.

Trong trường hợp này, rõ ràng nhiệm vụ chính của hàng không mẫu hạm Trung Quốc sẽ là trên Biển Đông, để bảo vệ tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa, và bảo đảm an toàn cho việc chuyên chở dầu hỏa trên biển.

Dĩ nhiên vào lúc này, cả Đông Á đang dồn dập nỗ lực tân trang quân sự. Nhật Bản dự định thành lập hạm đội hàng không mẫu hạm với Mỹ để phản kích Trung Quốc khi cần.

Việt Nam cũng đang nâng cấp máy bay chiến đấu và tàu ngầm. Chuyến đi thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đem lại kết quả mua sáu tàu ngầm hạng kilo và 20 máy bay Su-30MK2.

Sóng Biển Đông đang dâng.

Nhưng liệu Trung Quốc có dùng đến giải pháp cuối cùng là nổ súng nếu xung đột gia tăng?

Nhưng khi quan sát kỹ chiến lược quân sự của Trung Quốc, ta thấy triết lý của người Trung Quốc không phải là đẩy các lân quốc sang phía kẻ thù. Sẽ càng bất lợi nếu vì chiến tranh mà Hoa Kỳ có lợi thế giữa những láng giềng của Trung Quốc.

Vì thế, hàng không mẫu hạm có lẽ phần nhiều là mưu chiến lược giúp Trung Quốc dễ dàng hơn trong các cuộc đàm phán tương lai, chứ không phải là dấu hiệu chiến tranh trên Biển Đông.

source

BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét