Nan đề nông thôn Trung Quốc
Chuẩn bị kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Trung Quốc được cho là chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có nhiều nhân tố khác với các giai đoạn đã trải qua.
Bối cảnh chung kinh tế và xã hội cho thấy Trung Quốc đang trực tiếp đối diện ba vấn đề mang tính vĩ mô. Đó là tính thiếu hiệu quả của cầu nội địa, khuynh hướng giãn rộng trong khoảng cách thu nhập và tính phức tạp gia tăng trong quản lý xã hội.
Riêng trên địa bàn nông thôn, một khu vực có bình diện rộng lớn ở Trung Quốc, xã hội nông thôn Trung Quốc hiện đang đối diện những vấn đề và thách thức nào?
Câu hỏi này được Tiến sỹ Trần Quang Kim (Chen Quangjin), Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đặt ra trong một báo cáo của ông, được Viện Quan hệ Quốc tế IFRI của Pháp, có trụ sở đóng tại Paris và Bruxelles, công bố trong tháng 7/2009.
Theo bản báo cáo có tên gọi 'Phát triển nông thôn Trung Quốc trong thế kỷ 21 : Tiến bộ và thách thức', của Tiến sỹ Trần, sau 30 năm cải cách nông nghiệp, bắt đầu từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nông thôn Trung Quốc chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ, cùng các biến đổi về cơ cấu xã hội, kinh tế, việc làm, đặc biệt với việc thiết lập hệ thống khoán tới hộ gia đình.
Bất bình đẳng xã hội ở nông thôn đã gia tăng một cách rõ rệt, đa số nông dân không được hưởng gì nhiều từ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội
TS. Trần Quang Kim, Viện XHH Trung Quốc
Nằm ở trung tâm của hệ thống này là quá trình chuyển đổi quyền quyết định sản xuất và quản lý vi mô tới các hộ nông nghiệp, nhờ đó phát huy và giải phóng được năng lực của nông dân, như nhận định của ông:
"Nông dân trở nên tương đối tự do so với trước, khi có quyền quyết định sản xuất cái gì và có thể bán các nông phẩm và các sản phẩm phi nông ra thị trường nông thôn và đô thị nhằm cải thiện đời sống."
Đó là vài thành tựu lớn, nhưng ông Trần cho rằng Trung Quốc cần lưu ý các vấn đề xã hội nông thôn " từ cái nhìn dựa trên các quyền tự do kinh tế và các quyền xã hội " .
Từ góc độ này, theo ông, " Mặc dù các tiến bộ quan trọng đã đạt được ở các khu vực nông thôn, hiện đang xuất hiện tình trạng mất cân bằng rộng lớn trong phân phối lợi ích.
" Bất bình đẳng xã hội ở nông thôn đã gia tăng một cách rõ rệt, đa số nông dân không được hưởng gì nhiều từ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, " ông Trần nhận định.
‘Phát triển không cân đối’
Theo số liệu khảo sát năm 2006, được phó viện trưởng Trần Quang Kim trích dẫn, hệ số Gini (một chỉ báo chất lượng phát triển) áp dụng với hộ gia đình nông thôn nước này đạt mức 0,64, với việc các hộ giàu (chiếm tổng số 20%) kiếm được gấp 41,5 lần thu nhập của các hộ nghèo nhất (chiếm 20%).
Đó là về phân tầng thu nhập nông thôn, còn khoảng cách thu nhập giữa đô thị và nông thôn Trung Quốc cũng tiếp tục giãn rộng, cho thấy một đặc điểm rõ nét khác của phát triển bất cân bằng ở Trung Quốc.
" Một mặt là sự phát triển không cân bằng giữa cư dân đô thị - nông thôn và mặt khác, là phát triển kinh tế và xã hội không cân đối, " chuyên gia về biến đổi và phát triển xã hội Trung Quốc cho biết,
" Trước năm 1985, khoảng cách thu nhập đô thị và nông thôn giảm, do thực tế là cải cách nông thôn vượt trước cải cách đô thị. Nhưng từ năm 1986 tới nay, khoảng cách này liên tục tăng.
Nhiều ngưòi dân nông thôn đã phải hướng ra tìm các trợ giúp bên ngoài, như vay ngân hàng, nhưng phần lớn không được phê chuẩn để được vay
Ông Trần Quang Kim
" Năm 2002, thu nhập của các cư dân đô thị đã cao hơn 4,3 lần so với cư dân nông thôn. Còn năm 2007, mức thu nhập ròng dành cho chi tiêu, tính theo đầu người, ở các hộ đô thị cao hơn ít nhất 3,3 lần so với cùng chỉ số ở các hộ nông thôn. "
Báo cáo của nhà xã hội học Trung Quốc cũng cho thấy một thực tế khác trong hạn chế nguồn lực mà ông tin là một trở lực trong phát triển ở nông thôn Trung Quốc. Do thu nhập thấp, " tín dụng của người dân nông thôn rất hạn chế và họ khó có thể đầu tư vốn nhằm mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất. "
" Nhiều ngưòi dân nông thôn đã phải hướng ra tìm các trợ giúp bên ngoài, như vay ngân hàng, nhưng phần lớn không được phê chuẩn để được vay. "
Hạn chế kinh tế, dẫn tới nhiều khó khăn khác mà người dân nông thôn Trung Quốc đang phải gánh chịu như trong y tế, nhà ở và giáo dục.
Riêng về giáo dục, vẫn theo tiến sỹ Trần Quang Kim, vẫn còn ít nhất không dưới 15% học sinh Trung Quốc nói chung chưa học hết 9 năm giáo dục phổ thông bắt buộc mà đa số trong đó là thuộc nông thôn.
‘Loại trừ xã hội’
Bản báo cáo về xã hội nông thôn của Phó Viện trưởng Xã hội học Trung Quốc còn sử dụng khái niệm " loại trừ xã hội " khi so sánh bất bình đẳng nông thôn so với đô thị, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn bức bách ở nông thôn, người lao động phải tìm lối thoát ra đô thị.
Ông Trần nhận định: " Loại trừ xã hội với cư dân nông thôn tới các thành phố, thị trấn là một thực tế, xuất phát chủ yếu từ chế độ quản lý hộ khẩu giữa đô thị và nông thôn của nhà nước.
"Chính phủ hiện vẫn không có kế hoạch cải cách mạnh mẽ chế độ hộ khẩu này mặc việc này gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dân nông thôn. "
Tiến sĩ Trần khẳng định tại nhiều nơi ở Trung Quốc, chính quyền địa phương vẫn còn phân biệt giữa hộ tịch nông thôn và đô thị, và việc này dẫn tới bất bình đẳng trong " tiếp cận các quyền xã hội.
Rất ít các lao động loại này được ký hợp đồng, họ thường phải chấp nhận làm việc nhiều giờ đồng hồ, lương thấp, điều kiện lao động xấu và thiếu vắng các bảo hiểm xã hội
Báo cáo về lao động di dân nông thôn TQ 2006
" Loại trừ và ngăn ngừa di dân nông thôn tới đô thị đang đặc biệt ảnh hướng tới nhiều lao động nông thôn di cư làm việc ở các thành phố cũng như gia đình của họ, " nhà xã hội học nông thôn nhận xét.
" Vào thập niên 1990, một số chính quyền địa phương còn lập ra danh mục các nghề nghiệp và công việc phân biệt dành cho lao động nông thôn di cư.
"Ngày nay, do giới chuyên môn lên tiếng, việc ban bố các quy định này đã giảm đi, nhưng nhiều lao động nông thôn di cư vẫn chủ yếu làm các công việc công nghiệp hết sức nặng nhọc. "
Phó viện trưởng Viện Xã hội học Trung Quốc trích dẫn một báo cáo điều tra diện rộng về hiện trạng lao động nông thôn nhập cư vào đô thị tại Trung Quốc năm 2006 :
" Rất ít các lao động loại này được ký hợp đồng, họ thường phải chấp nhận làm việc nhiều giờ đồng hồ, lương thấp, điều kiện lao động xấu và thiếu vắng các bảo hiểm xã hội."
" Nói chung, họ ít khi được hưởng và được bảo vệ các quyền lao động và quyền dân chủ khác của họ ở các công ty và trước các dịch vụ công cộng ở thành phố. "
'Cải cách, hy vọng'
Trong phần kết luận, báo cáo của Tiến sỹ Xã hội học Trần Quang Kim do Trung tâm Châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Ifri của Pháp công bố hồi tháng Bảy, nhấn mạnh một thực tế:
" Trong bối cảnh Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với việc một mặt, hàng hoá tiêu thụ tư nhân khủng hoảng thừa, do tiêu thụ không tăng đủ nhanh, mặt khác, nhà nước không cung cấp đủ các hàng hoá, dịch vụ công cộng, nông thôn Trung Quốc cũng đang bước vào một giai đoạn mới."
" Trong đó, người dân nông thôn vừa cần có thêm các sáng kiến kinh tế mới, vừa cần được tôn trọng và bảo vệ tốt hơn các quyền xã hội và chính trị của họ. "
Tiến sỹ Trần cũng nhận thấy từ sau đại dịch SARS (cúm gia cầm) vốn chỉ ra thực tế các hiểm hoạ xã hội có thể tác động tới xã hội Trung Quốc ra sao, thì " hàng năm lại xuất hiện thêm các sự kiện khác như các xung đột bạo lực từ các cuộc chống đối cá nhân hoặc tập thể đối với thu thuế nông nghiệp và việc trưng thu ruộng, đất".
Tất cả các nhân tố này đang thúc ép Trung Quốc đi tới các hướng mới, trong đó cần nhấn mạnh sự bình đẳng xã hội hơn là hiệu quả kinh tế đơn thuần
Ông Trần Quang Kim
" Nhiều cuộc xung đột quy mô lớn giữa các giới chức địa phương và nông dân đã dẫn tới nhiều diễn biến phức tạp, kể cả các vụ giết người hoặc tự sát. "
Ông kết luận, Trung Quốc phải tiến hành một cải cách triệt để hơn, bao gồm các cải cách kinh tế và xã hội nông thôn sâu rộng, để qua đó hy vọng giải quyết các vấn đề mang tính thách thức sâu sắc đối với hệ thống.
" Khoảng cách đô thị, nông thôn ngày một trở nên xấu hơn và đặt dấu hỏi vào khả năng của nhà nước giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng kinh tế thuộc thế giới thứ ba (ngay ở Trung Quốc)."
" Tất cả các nhân tố này đang thúc ép Trung Quốc đi tới các hướng mới, trong đó cần nhấn mạnh sự bình đẳng xã hội hơn là hiệu quả kinh tế đơn thuần, mà trong đó cần phải chú ý hơn tới các khuôn khổ vốn hạn chế người dân Trung Quốc, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, " TS. Trần Quang Kim kết luận.
Tiến sỹ Trần Quang Kim, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, là chuyên gia xã hội học nông thôn, trực tiếp phụ trách Ban nghiên cứu Phát triển Xã hội của Viện. Ông đồng thời là Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp Tư nhân Trung Quốc.
***************
source
BBC Vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét