Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Song Kiếm XuânThu


October 02, 2009


Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune

Tổng thống Obama xoay trở ra sao giữa Iran và Afghanistan?

Chúng ta nên có thói quen là đừng tin vào những hứa hẹn của các chính khách khi họ tranh cử. Sau đó, cũng đừng trách họ cái tội treo đầu dê bán thịt chó khi đã đắc cử. Họ tranh cử để cầm quyền, đến khi có ấn tín trong tay thì mới thấy rằng sự thật – nhiều khi sinh tử – của quốc gia lại không như mộng mị của họ khi đi tranh cử. Lúc đó, họ xử tri ra sao mới là vấn đề. Và là bài học cho chúng ta trong kỳ tranh cử sau…

“Lúc đó” của Barack Obama là lúc này.

Từ trái, TT Afganiztan Hamid Kazai, TT Obama, TT Pakistan Asif Zardari trong một buổi họp tại Bạch Ốc tháng 5, 2009. Dennis Brack/Getty Images

Khi đi tranh cử, Nghị sĩ Barack Obama kịch liệt đả kích Chính quyền George W. Bush về chiến trường Iraq và đòi rút quân thật sớm để dồn sức giải quyết một chiến trường sạch là Afghanistan. Với Iran, ông mập mờ kết án kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của các Giảo chủ Tehran nhưng hứa hẹn nói chuyện vô điều kiện với họ (nên bị Nghị sĩ Hillary Clinton chế diễu không ít về lập trường ngây thơ này). Bàng bạc trong triết lý chính trị của Obama là lời thống trách Hoa Kỳ đã xúc phạm khối Hồi giáo, không thèm đối thoại với Tehran và ngang ngược gây chiến lung tung.

Đó là lập trường của “Cậu bé quàng khăn đỏ Barack Obama” khi đi tranh cử. Và đa số cử tri có vẻ tin tưởng vào sự thay đổi hiền hoà đó nên Obama đắc cử. Bây giờ là lúc thực tế sinh tử đang đập vào mặt, dập xuống bàn, và đòi hỏi Tổng thống Obama phải lấy quyết định.

Nói cho gọn thì ông đang bị đòn xóc hai đầu và có thể phải sử dụng một lúc hai kiếm để đối phó.

Iraq thì có vẻ êm – truyền thống thiên vị Mỹ đã quên rồi – nhưng Afghanistan và Iran đang là hai vấn đề cực nóng có thể khiến Obama chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ. Chuyện thất cử đó mà có xảy ra thì cũng chẳng sao: nước Mỹ thừa nội lực để bầu lên những kẻ thiếu khả năng và sau bốn năm thì họ đổi ý. Nhưng từ nay đến đó, lãnh đạo Mỹ lâm vào khủng hoảng và có khi lại quyết định sai.

Chúng ta lần lượt nắn vào hai đầu của cái đòn xóc đó, Iran và Afghanistan….

IRAN GÂN CỔ

Tháng Tư vừa qua, khi thế giới còn cuống cuồng vì khủng hoảng tài chánh và suy thoái kinh tế, tại Thượng đỉnh G20 ở Luân Đôn, ông Obama đã có dịp nói chuyện với thất cường còn lại trong nhóm G8 về hồ sơ Iran. Sáng kiến khi đó là câu giờ, cho Iran cơ hội đàm phán đứng đắn với năm hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Tầu) và nước Đức (nhóm “P5+1). Kỳ hạn chót là ngày 24 tháng Chín, khi Thượng đỉnh G20 tái nhóm bên Mỹ.

Iran phóng thử hoả tiễn tầm ngắn Tondar ngày 25 tháng 9, 2009. Shaigan/Getty Images

Lý do câu giờ là chính quyền Obama còn là tân sinh, và kinh tế mới là ưu tiên. Một lý do nữa là niềm tin của Obama vào tài hùng biện của mình. Ông mở chiến dịch tranh thủ khối Hồi giáo để giải giới Iran từ đằng sau. Nhưng bài diễn văn hùng hồn ông đọc tại Cairo là một áng thiên cổ hùng văn vô tích sự. Quần chúng Hồi giáo khắp nơi đều ca tụng một Tổng thống Mỹ da đen, gốc hồi giáo và ăn nói ôn tồn nhã nhặn, sẵn sàng đấm ngực nhận tội về mọi chuyện của Hoa Kỳ hay các nước Tây phương đã gây ra cho dân Hồi giáo. Nhưng các lãnh tụ Iran thì nhìn cách khác: cậu bé này non quá! Y như cách đánh giá của Nikita Krushchev về John Kennedy.

Vì vậy, thời điểm 24 tháng Chín đã tới, rồi đã qua, mà lời hăm dọa của Obama vẫn chỉ là hăm he. Việc đàm phán với Iran chỉ khởi sự từ mùng một tháng 10 và trong khi đó Tehran tiếp tục khiêu khích: cho Nguyên tử lực cuộc của Liên hiệp quốc biết là mình còn một căn cứ tăng cường uranium khác, và thử nghiệm hoả tiễn tầm ngắn rồi tầm dài trong hai ngày Chủ Nhật và Thứ Hai (27 và 28 tháng Chín, sau kỳ hạn 24 của Obama). Việc đàm phán ấy có thể kéo dài mà không kết quả, trong khi Iran vẫn xúc tiến việc làm họ coi là chính đáng…

Cố quên đi lời hứa nói chuyện vô điều kiện với Iran – nét ấu trĩ tiêu biểu của tay mơ – Obama có thể làm gì khi đã có ấn tín trong tay và khi thế giới coi chuyện này là một vụ khủng hoảng vì Hoa Kỳ bị thách đố?

Ông có thể đề nghị biện pháp trừng phạt quyết liệt – crippling sanctions – mà vô hiệu vì nhiều nước sẽ xé rào phong toả và tiếp vận cho Iran. Liên bang Nga và Trung Quốc không dễ gì gỡ rối cho Hoa Kỳ, cho dù Obama đã thề bồi nhiều việc… Ông cũng có thể thoát xác từ bồ câu thành diều hâu và chọn giải pháp quân sự. Người hiền thường hay nổi cục bất thường. Giải pháp quân sự ấy có vẻ hợp lý nếu ta quên eo biển Hormuz là nơi Iran có thể khoá luồng vận chuyển của 40% lượng dầu khí giao dịch trên thế giới, và nếu ta quên Afghanistan. Giải pháp thứ ba là “làm cái không làm”, nói rất mạnh về mọi chuyện nhưng để hội nghị P-5+1 cùng Iran sẽ cù cưa tới cuối năm mà không kết quả. Ít ra, thế giới cũng thấy là Mỹ có thiện chí hoà đàm và nhờ đó không có khủng hoảng, một điều kiện cần thiết cho cuộc bầu cử Mỹ vào năm 2010…

Nhưng kết cuộc là Iran sẽ tiến thêm một bước tới ngày bấm bút nguyên tử. Lãnh đạo Tehran có thấy rõ như vậy và càng muốn mọi người thấy như vậy để họ củng cố tư thế ở nhà và dẹp sạch các khuynh hướng hay phe phái ôn hoà, dân chủ ở trong nước. Kết luận của họ: lãnh tụ Obama là tay yếu bóng vía. Càng là lý do khiến Liên bang Nga khỏi cần nhượng bộ tại Đông Âu hoặc can gián Iran là đừng tính toán phiêu lưu….

Bây giờ, hãy nhìn ra đầu kia của cây đòn xóc: Afghanistan (hay A Phú Hãn).

GÂN GÀ A PHÚ HÃN

Sau khi đả kích chính quyền tiền nhiệm về chuyện Iraq và hứa hẹn giải quyết chuyện Afghan, Tổng thống Obama đang lâm thế kẹt vì chẳng biết giải quyết thế nào mới ổn thỏa. Chính quyền ông trì hoãn quyết định nhưng không thể lùi được lâu vì Tư lệnh chiến trường là Tướng Stanley McChrsytal đã báo cáo và phúc trình của ông đã bị tiết lộ ra ngoài: Hoa Kỳ cần một sách lược mới cho chiến trường này, nếu không thì sẽ thất bại. Mà sách lược mới đòi hỏi tăng viện từ 30 đến 40 ngàn quân, nếu không thì sẽ thất bại.

Nói cho rõ hơn, và Tướng McChrystal đang ra điều trần để giải thích chuyện đó: Hoa Kỳ (và liên quân với NATO) cần tăng quân để có thể bảo vệ và bình định một số khu vực an toàn tại A Phú Hãn trước đà bành trướng của lực lương Taliban. Nôm na là lui vào thế thủ để giữ thế mạnh trong các vòng đai được bảo vệ. Lực lượng Taliban mà chui ra từ các hậu cứ để tấn công thì sẽ bị tiêu diệt. Khổ nỗi, tăng quân để lui vào thế thủ thì thời cơ lại tùy vào đối thủ. Mà dù có vét quân từ nơi khác để ném vào chiến trường A Phú Hãn thì cũng chỉ bằng quân số của Liên Xô (quãng 120 ngàn quân) trước khi tháo chạy.

Obama đang ngậm chiếc gân gà, và chỉ có vài ba cách xử thế.

Một là tiếp tục đánh cầm hơi như hiện tại và cầu xin phép lạ. Ông thần chinh chiến đôi khi lại thương người phản chiến chăng? Hoặc là đổ thêm quân rồi xây chiến lũy phòng thủ như Tướng McChrystal đề nghị và chờ Taliban trên thế mạnh. Nhưng thời giờ lại là tấm lịch tranh cử. Giải pháp thứ ba là nói ra sự thật và rút quân, rồi chờ đợi ngày hồi sinh của Taliban và khủng bố al-Qaeda…

Y như với Iran, tài nghệ của Obama là làm cái không làm, tức là tìm cách giữ nguyên trạng, để ưu tiên giải quyết chuyện khác quan trọng hơn, kể cả bay qua Cohenhagen để vận động cho Chicago được Tổ chức Thế vận hội…

Khốn nỗi, Iran và Afghanistan lại là hai đầu của một đòn xóc.

Hai xứ này là lân bang. Động lực đẩy tới là những lực lượng cực đoan nhất của thế giới Hồi giáo trước sự ngại ngần của cả khối Hồi giáo và những trò đốc xúc của Liên bang Nga, sự cổ võ ngầm của Trung Quốc hay tiếng vỗ tay của Hugo Chavez tại Venezuela. Trong khi các đồng minh Âu Châu thì sáng suốt lo chuyện của Âu Châu để người hùng Obama tìm phép lạ một mình! Đòn xóc hai đầu được dấn tới khi Obama đang học nghề lãnh đạo trước sự quan sát của bạn và thù...

Ông gặp vụ khủng hoảng mà Phó Tổng thống Joe Biden đã nhanh miệng tiên báo! Đây là lúc ta nhìn ra con người thật của ứng cử viên Obama, và ông có đổ lỗi cho ai khác như Bush, Cheney, Rumsfeld, v.v… thì cũng bằng thừa.

Ông sẽ xoay trở thế nào với hai bài toán chập một như vậy?

SONG KIẾM OBAMA

Lãnh đạo giỏi là người biết chọn ưu tiên giải quyết, vì theo định nghĩa, lên lãnh đạo là phải một lúc giải quyết nhiều vấn đề! Barack Obama sẽ phải chứng minh được khả năng đó thì những gì ông đã hứa khi tranh cử mới không là chuyện nhăng cuội.

Nếu có đủ sức – hậu thuẫn chính trị từ cả hai cánh tả hữu lần các quốc gia còn tin vào nước Mỹ – Obama có thể cùng lúc rút hai gươm: tấn công Iran và đổ quân vào A Phú Hãn. Hoa Kỳ có đủ nội lực quân sự cho giải pháp táo bạo đó khiến cả thế giới từ nay sẽ kiêng nể siêu cường này. Nhưng, Obama khó rút cây gươm dài khỏi A Phú Hãn và sẽ gặp số phận của Lyndon Johnson. Chưa kể là bài diễn văn hoà giải tại Cairo sẽ thành trò cười.

Ông cũng có thể dồn sức vào A Phú Hãn để đạt thành quả biểu kiến… như Bush tại Iraq và lờ đi chuyện Iran cho nhiệm kỳ sau. Rồi sẽ gặp lại Iran trên tư thế khác trong vài ba năm nữa. Trong khi ấy, chuyện A Phú Hãn vẫn có thể tèm lem rắc rối hơn vì vị trí của Pakistan ở bên kia biên giới. Israel thì không thể chờ đợi như vậy nên đi tìm giải pháp quân sự và biết chắc là Hoa Kỳ phải nhập cuộc khi Iran cho phong tỏa eo biển Hormuz.

Obama có thể chọn giải pháp thứ ba là... gói cả hai gươm đem về nhà. Nghĩa là rút khỏi A Phú Hãn và mặc cho các Giáo chủ Iran chế bom để bắt bí thiên hạ. Dù sao, Iran không thể bắn hỏa tiễn nguyên tử vào lãnh thổ Mỹ! Nhưng kể từ đó, Hoa Kỳ sẽ mất hết đồng minh và khủng bố sẽ được mùa. Trong khi ấy, như trong kịch bản thứ nhì, Israel vẫn có thể ra đòn.

Giải pháp có bản lãnh nhất, theo kiểu Richard Nixon, là tuyên bố tìm kiếm hoà bình trong danh tự tại A Phú Hãn rồi tấn công Iran trên không lẫn trên biển! Rút gươm khỏi A Phú Hãn để đâm thấu phổi Iran, từ Iraq xuyên tới A Phú Hãn. Khối Hồi giáo, khủng bố hay không, sẽ được tín hiệu rất rõ về sự xuất hiện của một tay sheriff mới còn dữ hơn Bush. Có khi Obama còn dư tiền lo chuyện cải tạo xã hội ở nhà nhờ tiết giảm quân phí tại A Phú Hãn!

Chưa ai biết Barack Obama sẽ tính làm sao, có khi chính ông ta cũng chưa biết. Nhưng, lịch sử thì ghi lại là Tổng thống Mỹ đã gặp một vụ khủng hoảng hai mặt. Còn chúng ta thì chờ xem Obama vận hành ra sao để đi vào lịch sử.

Và đừng quên chuyện đó trong mùa bầu cử tới. [NXN]

***********************************************

source

Viet Tribune Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét