Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2009

Thiên An Môn và bản hợp đồng sờn rách





Thiên An Môn và bản hợp đồng sờn rách
Tiến sĩ Jonathan Schwartz
Viết riêng cho BBCVietnamese.com

Sinh viên xuống đường ngày 22/4/1989 để tưởng nhớ Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang
20 năm trước, tôi là sinh viên của Đại học Hebrew ở Jerusalem, Israel.
Ngồi trong một lớp chính trị học Trung Quốc, sinh viên được giáo sư thông báo về những diễn biến tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Là người vừa trở về từ chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên, và bắt đầu hiểu rằng Trung Quốc bước vào con đường khai phóng mới, tôi đã ngạc nhiên và bị sốc vì diễn biến.
Theo lời người thầy của tôi khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới trướng Đặng Tiểu Bình đang hướng tới sự cởi mở, chấp nhận cho tranh luận chính trị đi cùng với cải tổ kinh tế. Kết quả là sự kết hợp của phồn thịnh, các công dân Trung Quốc được nhiều tiếng nói hơn, và có lẽ có cả sự hướng tới dân chủ nhiều hơn. Nhưng bất thình lình, mọi luận thuyết này bị bứng gốc, và một thực tại mới ra đời.
Biết bao bút mực đã dùng để mô tả những sự kiện quanh ngày 4/6/1989, và tôi không định mô tả lại nhiều bi kịch liên quan nó. Sau biến cố, một "hợp đồng" mới được soạn thảo giữa Đảng Cộng sản và các công dân Trung Quốc. Nếu trước đây ta nghĩ rằng đã có hứa hẹn về phồn vinh đi cùng tranh luận sôi nổi về chính trị, xã hội, thì nay hợp đồng mới dựa trên công thức đơn giản hơn. Đảng Cộng sản sẽ hứa tăng trưởng kinh tế, cơ hội giàu có cho tất cả mọi người.
Đổi lại, quần chúng rút khỏi không gian chính trị, để yên cho Đảng thống trị.
Và trong nhiều năm, hợp đồng rất suôn sẻ. Quả thực không quốc gia nào trong lịch sử nhân loại lại được hưởng tăng trưởng nhanh và dài như thế. "Phép thần" Trung Quốc vượt hẳn Nhật Bản và những Con Hổ Á châu. Hàng chục triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo, sức khỏe, tuổi thọ cải thiện, có thêm cơ hội giáo dục và nhiều hơn thế. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chúng ta ngày càng nghe về "Mô hình phát triển Trung Quốc". Nhiều nước kém phát triển, bất mãn vì hàng loạt kế hoạch, khuyến nghị của các tổ chức và chính phủ Tây phương mà có vẻ chẳng đi đến đâu, ngày càng bị Trung Quốc hấp dẫn: tăng trưởng kinh tế nhanh chóng dựa trên xuất khẩu gắn kết với đàn áp chính trị.
Hờ hững
Nhưng có thực sự đáng để áp dụng mô hình Trung Quốc? Trên thế giới, đặc biệt là ở Đài Loan và Hong Kong, con người tiếp tục nhớ và tưởng niệm Thiên An Môn, nhưng tại Trung Quốc - trừ vài công dân dũng cảm - Thiên An Môn bị bỏ qua.
Thực tại này hiện rõ cho tôi thấy trong một lần thăm một đại học, trùng khớp với dịp 4/6.

Nhiều người dân Trung Quốc nay quan tâm chủ nghĩa tiêu thụ hơn
Cứ tưởng sân trường đại học là nơi lý tưởng để chứng kiến giới trẻ Trung Quốc nhớ về biến cố ra sao, tôi đi dạo quanh trường. Đi mãi, đi mãi mà không thấy gì khác lại, tôi bất chợt gặp một nhóm sinh viên. Đoán là họ đang chuẩn bị hình thức tưởng nhớ nào đấy, tôi lặng lẽ chờ, nhưng hóa ra đó là một nhóm đồng ca tập hát ca khúc Giáng sinh - trong tháng Sáu, ở một đại học công!
Sự hờ hững ở sân trường một lần nữa hiện ra khi tôi dạy sinh viên khi có một năm thỉnh giảng tại Trung Quốc (2007-08). Mặc dù họ cũng loáng thoáng biết sự kiện 4/6/1989, nhưng kiến thức đó hầu như chỉ giới hạn theo tuyên truyền chính thống. Mà cũng không mấy ai tò mò muốn biết thêm. Dù tôi nhẹ nhàng thúc thêm, sinh viên cũng chỉ phản ứng "chúng tôi có làm được gì đâu" - sự chấp nhận một thực tế không thể thay đổi.
Điều này phản ánh sự phi chính trị hóa trong giới trẻ từ năm 1989. Như mô tả của ông Phan Nhạc, Thứ trưởng Bảo vệ Môi trường, đã có một thế hệ trẻ chỉ quan tâm vật chất, an toàn cá nhân mà bỏ quên những mục tiêu lớn hơn cũng như nỗ lực thúc đẩy thay đổi. Đối lập lại là những thế hệ lớn tuổi than vãn cho sự hờ hững của thanh niên đối với biến cố 1989.
Bài toán hóc búa
Tuy nhiên, đây cũng chính là bài toán hóc búa cho Đảng. Mặc dù người dân (đặc biệt là thanh niên tốt nghiệp đại học và tìm việc) có thể sẵn sàng chấp nhận hợp đồng vô hình ban đầu với Đảng, nhưng chuyện gì xảy ra một khi Đảng không duy trì được điều khoản thỏa thuận của mình?
Như tôi nói với sinh viên trong lớp học về chính trị Trung Quốc, lúc này không phải là thời điểm tốt để là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Jonathan Schwartz
Chuyện gì xảy ra khi tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc tụt xuống dưới mức 8% "thần diệu"? Các chuyên gia Tây phương và Trung Quốc chỉ ra sự suy thoái kinh tế toàn cầu và đoán tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 6.2% năm 2009. Ngay cả dự đoán này có khi cũng lạc quan quá.
Bên cạnh đó, càng lúc càng khó bỏ qua tổn phí gia tăng của mô hình Trung Quốc. Tham nhũng lan tràn, ô nhiễm không khí, nước, chất thải, đất nông nghiệp bị tước đoạt, đã là những hậu quả của mô hình kinh tế này. Chừng nào vẫn lơ lửng món quà phồn vinh, những vấn nạn này nói chung được người dân chấp nhận. Nhưng trong vài năm qua, những tổn phí đó ngày càng trở nên nghiêm trọng, và khi mà cơ hội bắt đầu tụt giảm, chúng đe dọa hợp đồng giữa Đảng và xã hội "ký với nhau" từ năm 1989.
Chúng ta thấy hồ sơ bắt đầu sờn rách qua số lượng các vụ biểu tình lan tỏa trên khắp nước. Sắp tới đây, chúng ta có thể còn thấy nhiều công nhân, nông dân, sinh viên giận dữ bày tỏ cảm xúc với Đảng. Ban lãnh đạo Đảng đang nỗ lực thiết lập lại hợp đồng - tìm cách có một hệ thống y tế mới sâu rộng hơn, đầu tư hàng tỉ nhân dân tệ cho chương trình "kích cầu" mới, và một lần nữa viện tới chủ nghĩa dân tộc (tàu không gian, Olympics, đe dọa tàu Mỹ ở Biển Đông) để thúc đẩy ủng hộ của dân chúng.
Tuy nhiên, như tôi nói với sinh viên trong lớp học về chính trị Trung Quốc, lúc này không phải là thời điểm tốt để là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Về tác giả:Tiến sĩ Jonathan Schwartz dạy ở khoa Chính trị học của State University of New York, New Paltz.


source


BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét