Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Các nước Ðông Nam Á, Trung Quốc chia rẽ tại Hội nghị ASEAN


Thứ Ba, 03 tháng 4 2012

Các nước Ðông Nam Á, Trung Quốc chia rẽ tại Hội nghị ASEAN

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Phnom Penh, ngày 3/4/2012
Hình: Reuters
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Phnom Penh, ngày 3/4/2012
Những mối bất đồng mới có thể phương hại tới nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc nhằm đạt được một hiệp ước để ngăn không cho những vụ tranh chấp lãnh thổ bùng ra thành bạo động.

Hãng thông tấn AP trích lời các nhà ngoại giao cho biết như thế hôm thứ Ba vào lúc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN khai mạc tại Phnom Penh.

Trước khi diễn ra cuộc họp của các nhà lãnh đạo, các vị ngoại trưởng và nhân viên ngoại giao cấp cao của ASEAN đã thảo luận về một đề nghị nhằm chuyển một tuyên cáo chính trị không có tính chất cưỡng hành mà ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002 thành một “bộ qui tắc hành xử” có tính ràng buộc về pháp lý để ngăn chặn những vụ xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và 5 nước khác đòi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có 4 nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Trước đó, Trung Quốc cho biết họ muốn tham gia soạn thảo bộ qui tắc này với ASEAN. Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario nói rằng các nước hội viên ASEAN nên hoàn thành một phiên bản của chính mình trước khi thảo luận với Trung Quốc.

Ông del Rosario tuyên bố “Lập trường của chúng tôi là chúng tôi cần phải soạn thảo COC và sau đó chúng tôi sẽ ngồi xuống thảo luận với Trung Quốc, không phải trước đó.”

Trung Quốc đã bác bỏ những sự giàn xếp buộc họ thương thuyết với một nhóm các nước về vụ tranh chấp, và nhất mực đòi điều đình tay đôi với từng nước có đòi hỏi chủ quyền.

Hãng thông tấn AP trích lời hai nhà ngoại giao Đông Nam Á tham gia cuộc thảo luận cho biết các giới chức Trung Quốc, không tham gia các cuộc họp mới đây ở Phnom Penh, đã chuyển đạt một đề nghị là thành lập một nhóm chuyên gia và chính khách có uy tín của ASEAN để góp phần tìm kiếm giải pháp cho vụ tranh chấp, nhưng Việt Nam và Philippines đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến đó.

Tuy có những sự bất đồng như vậy, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói rằng việc Trung Quốc muốn cùng với ASEAN thảo luận về những cách thức để giải quyết tranh chấp là một dấu hiệu của tiến bộ.

Vụ tranh chấp ở Biển Đông đã trở thành một cuộc diện giằng co gây nhiều bất an kể từ khi xảy ra vụ hải chiến lần chót vào năm 1988, khi hơn 70 binh sĩ hải quân Việt Nam bị Trung Quốc sát hại trên đảo Gạc Ma của quần đảo Trường Sa.
source
VOA Vietnamese