Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Nước Nga chia rẽ sau bầu cử tổng thống


Nước Nga chia rẽ sau bầu cử tổng thống
Monday, March 05, 2012 7:32:54 PM

MOSCOW (AP) - Sau cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật, 4 tháng 3, đưa ông Vladimir Putin trở lại chức vụ tổng thống, những cuộc biểu tình bênh và chống Putin diễn ra khắp nơi trên nước Nga từ Moscow, St. Petersburg cho đến những thành phố miền Viễn Ðông.

Hôm Thứ Hai gần hai chục ngàn dân chúng tập trung biểu tình tại công trường Pushkin trung tâm thủ đô Moscow phản đối kết quả bầu cử. Hàng trăm người bị cảnh sát bắt giữ trong những cuộc biểu tình không được phép tại nhiều nơi khác ở Moscow cũng như St. Petersburg.

Cảnh sát Nga bắt giữ một người trong cuộc biểu tính ở Moscow chống kết quả bầu cử tổng thống. (Hình: AP/Ivan Sekretarev)

Alexei Navalny, một blogger và lãnh tụ đối lập nổi tiếng Sergei Udatsov bị cảnh sát bắt giữ mấy giờ sau mới được thả. Nói với khoảng 30 đến 40 người ủng hộ sau đó, Navalny loan báo dự định tổ chức một cuộc biểu tình khác tại Moscow vào ngày Thứ Bảy.

Mưu toan chiếm một công viên và dựng lều để tiếp tục biểu tình lâu dài không thành công khi cảnh sát chống bạo loạn mau chóng đến giải tán và bắt giữ gần 100 người. Sự kiện này chứng tỏ hoàn cảnh khó khăn mà những người đối lập sẽ phải đối đầu trong những hành động sau này. Thị trưởng Moscow, ông Sergei Sobyanin, ra lệnh cấm người biểu tình đóng lều tại các công viên và lực lượng an ninh sẵn sàng can thiệp đàn áp bằng vũ lực để đập tan những cuộc phản kháng.

Phương cách chiếm đóng công viên đã được dùng tại Kiev, Ukraine, năm 2004 đưa đến cuộc Cách Mạng Da Cam khiến chính quyền phải hủy bỏ cuộc bầu cử trong đó một ứng cử viên thân Nga đã thắng, để tổ chức lại một cuộc bầu cử khác và ứng cử viên thân Tây phương đắc cử.

Cảnh sát cũng ngăn chặn những người biểu tình định tiến đến điện Kremlin. Một số người biểu tình giận dữ hô lớn: “Moscow là thành phố của chúng tôi,” khi cảnh sát không cho họ đi vào đường Tverskaya, đại lộ chính của thành phố.

Ðồng thời các cuộc biểu tình ủng hộ Putin cũng tập trung được những số người đông đảo trên khắp nước Nga. Tại Siberia tổng cộng khoảng 40,000 người biểu tình ở nhiều thành phố ủng hộ Putin. Tại Moscow 20,000 người tập họp đến công trường Manezhnaya ủng hộ Putin, con số này kém xa con số 100,000 mà những người tổ chức đã tuyên bố trước. Những tổ chức thanh niên ủng hộ Putin cũng tổ chức nhiều cuộc biểu tình tại hơn 20 địa điểm khác riêng ở Moscow

12,000 cảnh sát, binh lính Bộ Nội Vụ và người tình nguyện được triển khai để giữ an ninh trật tự cho những cuộc biểu tình.

Ủy ban bầu cử trung ương cho biết tỷ lệ cử tri đi bầu là 58% và kết quả Putin chiếm 63.71% với 99.5% số phiếu đã được kiểm xong. Chính quyền Obama lên tiếng chúc mừng dân chúng Nga đã đi bầu đông tuy nhiên cũng bày tỏ mối quan tâm đối với những sự kiện bất bình thường trong bầu cử. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng sẽ làm việc với “Tổng thống Nga tân cử” sau khi kết quả bầu cử đã được chính thức xác nhận, tuy nhiên không đề cập đến tên Vladimir Putin cũng như không gởi lời mừng tới cá nhân ông. (HC)

source

Nguoi-Viet Online

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Bắc Hàn ngưng nguyên tử để được viện trợ


Bắc Hàn ngưng nguyên tử để được viện trợ
Wednesday, February 29, 2012 6:58:54 PM


Ðổi lấy hàng trăm ngàn tấn thực phẩm Mỹ

WASHINGTON (NYT) - Sau một thời gian lặng lẽ đàm phán, chính phủ Mỹ và thành phần lãnh đạo mới ở Bắc Hàn đạt thỏa thuận theo đó Bình Nhưỡng ngưng thử võ khí nguyên tử, cho phép các thanh tra quốc tế vào theo dõi hoạt động tại lò phản ứng chính Yongbyon và cũng ngưng chế tạo hỏa tiễn tầm xa, theo loan báo của Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm Thứ Tư, đổi lại Mỹ hứa sẽ cung cấp hàng trăm ngàn tấn thực phẩm cho quốc gia nghèo đói này.

Tân lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un đi thăm học sinh nhân ngày Tết âm lịch. Tại bàn đàm phán ở Bắc Kinh, Bắc Hàn thuận cắt vài chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ thực phẩm của Hoa Kỳ. (Hình: KNS/AFP/Getty Images)

Tuy rằng chính phủ Obama gọi đây là những bước “quan trọng nhưng giới hạn,” thỏa thuận đạt được cho thấy khả năng vượt qua được tình trạng bế tắc về chương trình nguyên tử của Bắc Hàn tiếp theo cái chết của nhà lãnh đạo quốc gia này Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) hồi năm ngoái. Con trai út của ông ta là Kim Chính Vân (Kim Jong-un) sau đó được đưa lên thay thế, và các giới chức Mỹ trong thời gian qua theo dõi kỹ càng để xem việc Kim Chính Vân lên nắm quyền có thay đổi thái độ của quốc gia này hay không. Việc Bắc Hàn đồng ý ngưng phóng thử các hỏa tiễn tầm xa cũng sẽ làm giảm bớt tình trạng căng thẳng đối với Nhật và Nam Hàn.

Việc Bắc Hàn đồng ý cho các thanh tra thuộc Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế (IAEA) quay trở lại cũng được coi là một nhượng bộ đáng kể. Sau nhiều năm thương thảo, Bắc Hàn trục xuất các thanh tra và tiến hành cuộc thử nghiệm bom nguyên tử vào năm 2006.

Hai ngày họp tuần qua ở Bắc Kinh lúc đầu có vẻ chỉ cho các kết quả không quan trọng, nhưng sau khi các thương thuyết gia Bắc Hàn về nước, thành phần lãnh đạo quốc gia này có các đáp ứng thuận lợi về đề nghị tái lập thương thảo quốc tế và cung cấp thực phẩm - nếu phía Bình Nhưỡng đồng ý với những gì loan báo hôm Thứ Tư. Trong bản thông cáo phổ biến đến báo chí, Bộ Ngoại Giao Mỹ cho hay đổi lại các hành động của Bắc Hàn, Washington “sẵn sàng có các biện pháp cải thiện mối quan hệ song phương trong tinh thần tôn trọng chủ quyền và bình đẳng giữa hai quốc gia. Phía Mỹ cũng cho hay sẽ cho phép có các trao đổi văn hóa, giáo dục và thể thao với Bắc Hàn.

Hoa Kỳ cũng đồng ý sẽ cung cấp 240,000 tấn thực phẩm - điều từng được nhắc đến mấy năm qua. Chính phủ Obama đã từ chối không nối kết trực tiếp việc cung cấp thực phẩm với tiến triển của cuộc thương thảo, nói rằng điều này sẽ được cứu xét trên căn bản thuần túy nhân đạo. Tuy nhiên, phía Bắc Hàn nhất định đòi phải có trợ giúp thực phẩm trong thỏa thuận và phía Mỹ phải nhượng bộ.

Loan báo của Bộ Ngoại Giao Mỹ không cho biết khi nào thỏa thuận này sẽ được khởi sự thi hành.

Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano, gọi đây là một bước tiến quan trọng. Trong khi đó Ngoại Trưởng Nhật Koichiro Gemba cũng có những lời ca ngợi tương tự. Nhật là một trong sáu quốc gia tham dự cuộc họp quốc tế về nguyên tử Bắc Hàn gồm Mỹ, Nam Hàn, Bắc Hàn, Trung Quốc, Nhật và Nga. (V.Giang)

source

Nguoi-Viet Online news