VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Năm, 02 tháng 12 2010
Hoa Kỳ tiếp tục hoạt động quân sự ở châu Á
Vào lúc một cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp của Hoa Kỳ chấm dứt ở châu Á, một cuộc tập trận khác lại sắp bắt đầu. Cũng như trường hợp các cuộc thao dượt hải quân trong Hoàng Hải vừa kết thúc, các giới chức nói rằng cuộc tập trận mới nhất này không phải là để đáp lại cuộc pháo kích mới đây của Bắc Triều Tiên. Nhưng họ cho biết nó sẽ chứng tỏ thêm khả năng của các liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm ngăn chặn bất kỳ nước nào có tiềm năng tấn công. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.
Steve Herman | Seoul Thứ Năm, 02 tháng 12 2010
Hình: AP
Hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa Kỳ
Quân đội Hoa Kỳ và quân đội Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc thao dượt chung từ ngày mai, chủ yếu trong hải phận ngoài khơi duyên hải phía nam Nhật Bản, gần bán đảo Triều Tiên.
Cuộc thao diễn được đặt tên là Keen Sword, sẽ bao gồm các lực lượng tổng hợp của 60 chiến hạm, 400 máy bay và 44.000 người.
Thiếu tá không quân Joe Macri, tại tổng hành dinh Lực lượng Hoa Kỳ ở Nhật Bản, nói rằng cuộc tập trận này được tổ chức theo lệ thường, cách một năm một lần, và không có liên hệ với tình hình căng thẳng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên.
Ông Macri cho biết: “Sẽ có các hoạt động của hải quân, không quân, lục quân, đại khái là toàn diện các hoạt động quân sự. Sẽ có rất nhiều máy bay và một số di chuyển có liên quan đến hàng không mẫu hạm George Washington. Hoạt động bao trùm mọi thứ từ các sinh hoạt bay quy mô lớn cho đến hoạt động phòng vệ căn cứ ở cỡ nhỏ hơn.”
Các sĩ quan quân đội Nam Triều Tiên sẽ quan sát cuộc thao diễn.
Cuộc thao diễn sẽ lớn hơn nhiều so với cuộc tập trận trên biển do hải quân Mỹ và Nam Triều Tiên tiến hành trong vùng Hoàng Hải.
Hai cuộc thao diễn riêng rẽ của Hoa Kỳ, với các đồng minh chính ở châu Á, diễn ra sau vụ Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên hôm 23 tháng 11.
Lo ngại gia tăng về dự kiến Bắc Triều Tiên sẽ thực hiện một cuộc tấn công vũ trang khác.
Một bản tin trên một nhật báo Nhật Bản đã nhất thời gây rối loạn các thị trường tiền tệ ở châu Á hồi sáng hôm nay. Tờ Tokyo Shimbun loan tin vào một thời điểm nào đó trong tháng này, Bắc Triều Tiên có thể nhắm mục tiêu vào một tỉnh lân cận với thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên. Bài báo gán thông tin này cho một nguồn tin đã nói chuyện với một giới chức tình báo của Bắc Triều Tiên.
Seoul chỉ cách khu phi quân sự có 40 kilomet về hướng nam. Đó là đường biên giới ngăn cách hai nước Triều Tiên. Thủ đô Nam Triều Tiên nằm trong tầm bắn của trọng pháo Bắc Triều Tiên.
Ông Yang Mujin là một giáo sư chuyên khảo cứu về Bắc Triều Tiên tại trường Đại học Seoul. Ông nói ông không lấy làm lạ rằng những tin đồn này đang len lỏi vào giới truyền thông ở thời điểm này, nhưng ông cho rằng không nên tin vào mọi thứ được tường trình.
Nhưng giáo sư Yang cảnh báo rằng chính phủ Nam Triều Tiên cần phải sẵn sàng cho bất cứ khả năng khiêu khích thêm từ phía Bắc Triều Tiên.
Tại một cuộc tường trình tại Quốc hội hôm qua, người đứng đầu ngành tình báo Nam Triều Tiên cảnh báo rằng có nhiều rủi ro về một cuộc tấn công quân sự khác của Bình Nhưỡng. Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên cũng đưa ra một nhận định tương tự vào ngày trước đó.
Các giới chức quân đội Nam Triều Tiên cho hay họ đang hoạch định mở các cuộc thao dượt rộng lớn bằng đạn thật trong vùng hải phận bao quanh đất nước, bắt đầu từ thứ hai tuần tới. Một số cuộc thao dượt sẽ diễn ra ở ngay hay gần hòn đảo Yeonpeong, ngoài khơi duyên hải phía tây.
Yeonpyeong đã bị trúng một loạt trọng pháo của Bắc Triều Tiên gây chết người trong một cuộc thao dượt bằng đạn thật của Nam Triều Tiên hồi tuần trước.
Ngay trước khi bắt đầu các cuộc thao diễn mới, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ họp tại Washington vơí các ngoại trưởng Nam Triều Tiên và Nhật Bản.
Trung Quốc, đồng minh lớn cuối cùng còn lại của Bắc Triều Tiên, đã tự chế không chỉ trích Bình Nhưỡng về vụ pháo kích đó.
Nhật báo chính thức duy nhất của Trung Quốc trích lời nhà lập pháp chính của nước này nói với một phái đoàn của Bắc Triều Tiên đi thăm Trung Quốc rằng tình thân hữu giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã vượt qua những biến chuyển và các cơn bão táp quốc tế và qua thời gian đã tự lấp đầy.
Một số nhà phân tích thời cuộc trong khu vực dự đoán rằng sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên nhắm mục đích đòi nối lại các cuộc thương thuyết quốc tế sẽ đưa đến chỗ Bình Nhưỡng nhận được viện trợ cực kỳ cấp thiết từ bên ngoài.
source
VOA Vietnamese