Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Bà Clinton: Diễn văn về chính sách đối ngoại về Châu Á-Thái Bình Dương


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Năm, 28 tháng 10 2010

Bà Clinton: Diễn văn về chính sách đối ngoại về Châu Á-Thái Bình Dương

Thưa quý thính giả, trong một bài diễn văn về chính sách trước khi lên đường sang Việt Nam trong chuyến công du đến thăm nhiều nước Châu Á, được coi là có tầm quan trọng chiến lược đối với các quyền lợi của Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Clinton đã nhắc đến Indonesia và Việt Nam. Chúng tôi xin tóm lược một số điểm quan trọng, sau đó sẽ có bài tường trình chi tiết hơn về bài diễn văn quan trọng của Ngoại trưởng Clinton về vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á-Thái bình dương, mời quý vị đón theo dõi.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Hình: ASSOCIATED PRESS

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton


Trích bài diễn văn của Ngoại trưởng Clinton hôm 28 tháng 10:

“Đi xa hơn các liên minh của chúng ta, Hoa Kỳ đang củng cố các quan hệ với các đối tác mới. Indonesia đang đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực, đặc biệt là các định chế khu vực. Trong tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm tới, Indonesia sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2011, và trong tư cách là nước sáng lập Diễn đàn Dân chủ Bali, nước này là quốc gia dẫn đầu trong việc cổ vũ cho cải tổ dân chủ trên khắp Châu Á.

Tổng Thống Obama và Tổng Thống Indonesia Yudhoyono sẽ chính thức phát động Hiệp định Đối Tác Toàn diện mới trong chuyến đi của Tổng Thống Obama đến thăm Indonesia vào tháng tới.

Tại Việt Nam, chúng ta đang vun xới để phát triển một mức độ hợp tác có lẽ không thể tưởng tượng được cách đây chỉ 10 năm về trước. Các quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn mang lại nhiều kết quả hơn bao giờ hết, và mới đây, hai nước đã mở rộng các cuộc thảo luận về vấn đề an ninh biển, cũng như các vấn đề khác liên quan tới quốc phòng .

Việt Nam đã mời Hoa Kỳ đến tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á -EAS, trong tư cách là khách chủ tọa, lần đầu tiên trong năm nay, mở ra một lộ trình mới thiết yếu cho sự hợp tác.

Mặc dù Việt Nam và Hoa Kỳ còn nhiều khác biệt quan điểm, chúng ta quyết tâm bỏ lại quá khứ đau buồn sau lưng, để hướng tới một tương lai thịnh vượng hơn.”

source

VOA Vietnamese

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2010

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ được mời đi thăm Trung Quốc


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Hai, 11 tháng 10 2010

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ được mời đi thăm Trung Quốc

Tại hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã mời người đồng nhiệm Hoa Kỳ là ông Robert Gates đi thăm Trung Quốc, như một dấu hiệu xoa dịu tình hình căng thẳng quân sự trong vùng. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Brian Padden ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/10/2010
Hình: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/10/2010


Ðường lối ngoại giao dường như đã đạt được một vài tiến bộ trong việc xoa dịu căng thẳng tại hội nghị ASEAN Cộng 8 của các bộ trưởng quốc phòng. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã mời Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga cùng các cường quốc trong vùng thảo luận các vấn đề an ninh ở Thái bình dương.

Qua lời mời Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đến thăm vào năm tới, Trung Quốc đang nối lại các quan hệ quân sự cấp cao với Hoa Kỳ. Trước đây trong năm, Trung Quốc đã đình chỉ các cuộc tiếp xúc quân sự vì kế hoạch của Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng cho hay các cuộc hội đàm với các giới chức quốc phòng Nhật Bản là tốt đẹp. Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng sau khi một tầu đánh cá của Trung Quốc đụng phải các tầu tuần duyên của Nhật Bản trong vùng nước mà cả hai bên đều nhận chủ quyền.

Trước đó trong ngày, phát biểu với các thành viên quân đội và sinh viên tại trường Đại học Quốc gia ở Hà Nội, bộ trưởng Gates đã chuyển đi một thông điệp trấn an Đông Nam Á.

Ông Gates nói: “Tôi nghĩ toàn thể châu Á có thể tin tưởng rằng Hoa Kỳ có ý định tiếp tục cam kết ở châu Á và đã từng làm như thế từ mấy chục năm truớc, và chúng tôi có ý định đóng một vai trò tích cực, không những về các vấn đề chính trị và kinh tế, mà cả trong các vấn đề quốc phòng và an ninh nữa.”

Hoa Kỳ lo ngại rằng các vụ tranh chấp lãnh thổ về dẫy đạo nhỏ trong vùng có thể gây phương hại đến sự tiếp cận một trong các tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới.

Bắc Kinh nói việc họ đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một “quyền lợi quốc gia cơ bản.” Đài Loan, Việt Nam, Philippin, Brunei và Malaysia cũng nhận chủ quyền toàn bộ hoặc một phần dẫy đảo này. Tuy phần lớn không có người ở, dẫy đảo này được cho là nằm trên các trữ lượng lớn về dầu khí.

Hoa Kỳ nói quyền tự do đi lại trong vùng hải phận quốc tế là thuộc về quyền lợi quốc gia của họ. Ông Gates nói các vụ tranh chấp về hải phận ở châu Á nên được giải quyết êm thắm qua thương nghị.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng nói bằng cách cùng hành động trong một tổ chức đa phương như ASEAN, các nước nhỏ hơn ở châu Á có thể giải quyết tốt hơn các vấn đề an ninh trong vùng.

Ông Gates nói tiếp: “Càng ngày chúng ta càng nhận thấy rằng dựa hoàn toàn vào các quan hệ song phương là không đủ. Chúng ta cần có các cơ chế đa phương để có thể đối đầu với các thách thức an ninh quan trọng nhất trong khu vực.”

Trong chuyến thăm 2 ngày, ông Gates sẽ gặp nhiều bộ trưởng quốc phòng Á châu muốn có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để chống lại với sự phát triển của Trung Quốc trong tư cách một cường quốc trong khu vực.

source

VOA Vietnamese

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

TQ dùng 'hải quân nhân dân' ngoài biển


TQ dùng 'hải quân nhân dân' ngoài biển

Trung Quốc hiện có nhiều tàu cá hoạt động ở các vùng biển Đông Bắc và Đông Nam Á

Báo Mỹ nói Trung Quốc dùng ngư dân để đòi chủ quyền ngoài biển trong chiến lược "hải quân nhân dân".

Bài trên International Herald Tribune hôm 6/10 năm nay phân tích vụ thuyền cá của ngư dân Phúc Kiến bị Nhật Bản giữ gần Điếu Ngư hồi tháng 9, gây ra căng thẳng ngoại giao.

Nhưng bài của Edward Wong từ Bắc Kinh cũng cho rằng các quan chức Hoa Kỳ và các nước châu Á chú ý đến việc "con số tàu dân sự của Trung Quốc hoạt động trong những vùng biển tranh chấp đang ngày một tăng cao".

Tác giả nhận định đây là một phần của chiến lược chiến tranh nhân dân mà Trung Quốc đang áp dụng:

"Dùng tàu thuyền của dân là một phần trọng yếu của học thuyết giới quân sự Trung Quốc gọi là Chiến tranh nhân dân."

Cựu tùy viên quân sự từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, ông Dennis J. Blasko được trích lời nói đây không phải là điều mới.

Vì theo ông ngay từ năm 2009, Trung Quốc đã nêu ra chiến lược dùng "hải quân nhân dân" (maritime people's war) như một phần của nỗ lực chiến tranh trong điều kiện hiện đại".

Hiện Hải quân Trung Quốc dùng tàu dân sự bằng một số cách:

Thứ nhất, theo tờ báo, đây là cách để Trung Quốc chỉ đạo dân quân (militia) dùng các thuyền đánh cá ra khơi.

Việc dùng tàu dân sự sẽ giúp cho việc làm giảm đi độ khiêu khích và leo thang căng thẳng hơn là dùng các đơn vị của Hải quân Quân Giải phóng

Giáo sư Bernard D. Cole

Hoạt động đánh cá được coi là một phần thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền.

Thứ nhì, họ dùng các tàu này để phối hợp với năm cơ quan thực thi pháp luật được tổ chức giống như lực lượng tuần tra biển.

Chẳng hạn như Cục Ngư nghiệp Trung Quốc cũng có quyền ra lệnh cấm đánh bắt cá và có tàu hoạt động thường xuyên tại các vùng nước tranh chấp.

Ranh giới giữa các nhóm dân sự và có quân phục cũng không rõ.

Theo nhận định của giáo sư Bernard D. Cole từ Học viện Quân sự Quốc gia từ Washington rằng một số quan chức nghề cá Trung Quốc nay có mặc quân phục và mang súng.

Còn theo ông Blasko thì việc dùng tàu dân sự sẽ giúp cho việc làm giảm đi độ khiêu khích và leo thang căng thẳng hơn là dùng các đơn vị của Hải quân Quân Giải phóng.

Tuy vậy, các phóng viên của tờ báo Mỹ cũng xác nhận gia đình ông Chiêm Kỳ Hùng, người thuyền trưởng bị Nhật Bản giữ hôm 8/9 rồi thả sau các tranh cãi ngoại giao nói ông ta "chỉ làm nghề cá".

Hải quân Trung Quốc cũng không bình luận về chuyện này khi được tờ báo hỏi.

Ngược lại, một quan chức ngư nghiệp ở Bắc Kinh thì chỉ nói các tàu cá "phối hợp hoạt động với các cơ quan chức năng lo về pháp luật, chứ không làm việc với Hải quân".

Cả hai vùng biển

Nhưng hoạt động 'ngư nghiệp' của Trung Quốc không chỉ có ở vùng biển Hoa Đông nơi xảy ra tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản.

Bài báo cũng nêu từ một thời gian nay, Trung Quốc tăng cường hoạt động 'tàu cá' ở Biển Đông mà họ gọi là Nam Hải.

Tàu Ngư Chính

Ngư dân Trung Quốc được sự hỗ trợ của các tàu tuần tra biển của Cục Ngư nghiệp Trung Quốc

Báo chí Việt Nam từ nhiều tháng qua đã nêu ra các vụ tàu tuần tra biển của Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam trong các chuyến đi phía Trung Quốc cho là để kiểm soát việc đánh bắt hải sản.

Trong vụ gần nhất, Thông tấn xã Việt Nam cho hay đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và B̀ộ Ngoại giao Việt Nam vừa có cuộc gặp hôm thứ Ba 05/10 về tình hình các ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt từ hôm 11/09 tại vùng biển Hoàng Sa.

Theo TTXVN, đại diện phía Trung Quốc giải thích trong cuộc gặp rằng "tàu cá QNg 66478TS đã sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt và sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân".

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam được nói đã phản đối quyết định xử lý này.

Tuy thế, khác hẳn với Nhật Bản hay Trung Quốc trong vụ Điếu Ngư, các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam không thấy lên tiếng cụ thể về các ngư dân là công dân Việt Nam.

Trong vụ bắt tàu Mân Tấn Ngư 5179 gần Điếu Ngư, lãnh đạo Nhật Bản đã lên tiếng ở cấp thủ tướng, nhấn mạnh lại chủ quyền của họ.

Phía Trung Quốc, cụ thể từ chính thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng khẳng định chủ quyền của mình và đòi phía Nhật thả ngư dân Phúc Kiến.

Thủ tướng họ Ôn cũng lên tiếng cảnh báo Tokyo nếu không xuống thang sẽ bị trừng phạt.

source

BBC Vietnamese

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Con vua lại làm vua: Kim Jong Un được phong làm đại tướng


Cập nhật lúc: 10/1/2010 7:08:25 PM
Con vua lại làm vua: Kim Jong Un được phong làm đại tướng

Kim Jong-il (phải) và người được cho là con trai út của ông Kim Jong-Un (cà vạt đỏ) trong một chuyến thăm nhà máy thép hồi tháng 3. Ảnh: EPA.

Con trai út của nhà lãnh đạo Kim Chung Nhất, Kim Jong Un lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí Bắc Hàn trong tuần này, khi được phong hàm tướng 4 sao và được bổ nhiệm 2 vị trí quan trọng trong đảng Lao động.

Trong tuần này, tướng 4 sao Kim Jong-un trở thành cái tên được báo chí nước ngoài đề cập đến nhiều, khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng trung ương của đảng Lao động Triều Tiên, vị trí thứ hai sau Chủ tịch Kim Jong-il, trong ngày khai mạc đại hội các đại biểu toàn quốc của Đảng Lao động Triều Tiên.

Ủy ban quốc phòng trung ương là cơ quan hoạch định chính sách quân sự của đảng Lao động Triều Tiên, điều hành quân đội, với 1.2 triệu binh sỹ và giám sát các dự án quân sự.

Việc bổ nhiệm được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Triều Tiên ban sắc lệnh phong hàm tướng 4 sao cho Kim Jong Un và nhiều quan chức khác. Đây cũng là dịp đầu tiên Kim Jong Un lần đầu tiên chính thức xuất hiện trên báo chí chính thống của Triều Tiên.

Ngoài ra, theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, tướng Kim Jong Un còn được bổ nhiệm vào Ủy ban Trung ương của đảng. Ủy ban này giám sát Bộ chính trị và Ban bí thư, là cơ quan ra các quyết định hàng đầu của Đảng khi quốc hội không nhóm họp.

Tuy nhiên, rất ít thông tin về tướng Kim Jong Un được đưa ra. Theo báo chí Hàn Quốc, Kim Jong Un sinh vào khoảng cuối năm 1983 đầu năm 1984, nhưng thông tin này vẫn chưa được khẳng định.

Bức ảnh mà KCNA công bố hôm nay trong đó người ngồi ngoài cùng bên phải là Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il và bìa trái được cho là Kim Jong-Un, con trai út của ông. Ảnh: AFP.

Song song với việc bổ nhiệm con trai út, Kim Chung Nhất còn phong hàm đại tướng cho cô em gái út, Kim Kyong-hui, 64 tuổi.

Kim Kyong-hui tháp tùng theo nhà độc tài thường xuyên hơn khi ông đi thăm viếng các cơ sở ở khắp trong nước. Quyền lực chính trị của bà phần nào dựa vào cuộc hôn nhân với Chang Sung-taek, người nắm chức vụ ủy viên Ủy Ban Quốc Phòng Quốc Gia, khiến ông này trở thành nhân vật số hai của đất nước.

Kim Kyong-hui từng du học ở Moscow trở về, là người có cá tính mạnh, ngay cả từng dám thách thức cha mình là Kim Nhật Thành khi theo đuổi mối tình học trò với Chang Sung-taek, bấy giờ chỉ là một nhạc trưởng.

Chang và Kim, được xem là cặp vợ chồng nhiều quyền uy, sẽ giúp cho Kim Jong Un củng cố địa vị được vững chắc.

Tuy nhiên cả Nhật lẫn Nam Hàn lại đưa ra các thuyết về âm mưu, gồm ý kiến của một cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật khi ông này cho rằng, họ Kim đặt hết tin tưởng vào em gái mình là sai lầm, vì rằng bà này có tham vọng cho chính mình hoặc cho chồng.

source

TiVi TuanSan