Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Báo quốc tế nói về đụng độ ở Bangkok


Cập nhật: 11:20 GMT - thứ sáu, 14 tháng 5, 2010


Lo ngại trước tình hình Bangkok, truyền thông quốc tế tìm hiểu tướng Khattiya là ai, bao nhiêu nhà báo vừa trúng đạn và tình hình sẽ ra sao:

Khattiya Sawasdipol bị đẩy xuống làm chức huấn luyện đội aerobics của quân đội Thái

The Sun: Thái Lan bắt đầu cuộc nội chiến.

Khattiya Sawasdipol - còn gọi là Seh Daeng hay "Tư lệnh Đỏ" - bị thương nặng sau khi cuộc bao vây trại của phe nổi loạn tại Bangkok bắt đầu. Việc mưu sát ông ta đã làm nổ ra một làn sóng bạo lực mới tại thủ đô nước Thái…

TV Sky News (10 giờ 22 phút từ London): Hiện đang có các tin trái ngược nhau về thông tin rằng có ba hay bốn nhà báo bị bắn tại thủ đô Thái Lan. Đài France 24 xác nhận trên trang web của họ rằng một trong số các nhà báo là Nelson Rand bị trúng đạn vào chân và được chuyển đến bệnh viện.

Bangkok Post: Mới chỉ hôm qua, qua trả lời phỏng vấn điện thoại, ông Khattiya Sawasdipol nói "Tôi không sợ chết. Họ đã cho tôi vào sổ khai tử. Nếu tôi sợ thì ai sẽ lãnh đạo những người áo đỏ."

Reuters: Chuyên gia về an ninh của IHS-Jane's Anthony Davis nói về vụ bắn ông Khattiya rằng "Đây là một chiến thuật khôn ngoan vì nó sẽ gây rối loạn trong hàng ngũ dân quân Áo Đỏ và gửi thông điệp cho lãnh đạo của họ rằng nếu không đàm phán và rút ra, họ sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng."

Times of London: Khi tư lệnh quân đội Thái bổ nhiệm tướng Khattiya (một người hết lòng ủng hộ ông Thaksin) vào chức vụ mới, trưởng đội huấn luyện thể dục thể hình (aerobics), ông kể, “Ai cũng nhạo báng tôi".

“Các người đừng chỉ định một chiến binh như tôi vào nhiệm vụ ngu xuẩn như thế".

Và ông cảnh báo cấp chỉ huy: “Tôi có chuẩn bị cho một điệu nhảy. Tên nó là điệu nhảy với lựu đạn trong tay."

Tôi có chuẩn bị cho một điệu nhảy. Tên nó là điệu nhảy với lựu đạn trong tay

Seh Daeng

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA News): Cựu đại sứ Mỹ William Itoh tại Thái Lan từ 1996 đến 1999 nói ông hy vọng sẽ có một thoả thuận hòa hoãn giữa nhóm biểu tình Áo Đỏ và chính phủ Thái và nói ông "luôn là người lạc quan về nước Thái Lan".

Strait Times (Singapore) trong bài của Nirmal Gosh:

"Phe Áo Đỏ ở Thái Lan đã tiến về phía cực đoan."

Seh Daeng bị bắn hạ bởi một viên đạn vào đầu đêm qua khi đang nói chuyện với các phóng viên, gồm cả nhà báo của International Herald Tribune, ông Tom Fuller."

Asia Times: Brian McCartan viết về vụ bắn ông Seh Daeng "Loạt đạn phá tan hòa bình mong manh ở Thái Lan".

"Một cuộc đọ găng bắt đầu cùng quyết định của chính phủ đưa quân vào, thắt chặn vòng vây khu vực biểu tình. Bạo lực đã leo thang và hiện chưa rõ liệu chính phủ có ý chí làm dứt điểm với cuộc bình định này và chấp nhận rủi ro làm nhiều người chết, hay sẽ rút ra, như họ vẫn làm trong quá khứ."


source
BBC Vietnamese

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Vài nét về tân Thủ tướng Anh


Thế Giới Cập nhật Thứ Ba, 11 tháng 5 2010


Tân Thủ tướng Anh David Cameron, cùng vợ, Samantha, tại Dinh Thủ tướng, 10 Downing Street, 11/5/2010
Hình: AP

Tân Thủ tướng Anh David Cameron, cùng vợ, Samantha, tại Dinh Thủ tướng, 10 Downing Street, 11/5/2010

Trong bài diễn văn đầu tiên với tư cách là Thủ tướng, ông David Cameron nói rằng đất nước đang đối mặt với những vấn đề sâu rộng và cấp bách. Nhưng ông nói những ngày tốt nhất của nước Anh đang ở phía trước, và ông hứa hẹn xây dựng một xã hội có trách nhiệm hơn, trong đó tự do và công bằng được coi trọng.

Ông Cameron, 43 tuổi, đã bước vào dinh Thủ tướng hôm thứ Ba với danh hiệu là Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Anh trong 200 năm qua.

Ông có bằng đại học về chính trị, triết và kinh tế của trường Oxford. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị trong vai trò một nhà nghiên cứu của đảng Bảo thủ. Sau đó ông làm tư vấn cho Bộ trưởng Tài chính Norman Lamont.

Ông được bầu vào Quốc hội năm 2001 và trở thành lãnh tụ đảng bảo thủ 4 năm sau đó.

Ông lập gia đình với bà Samantha và sắp sửa có đứa con thứ 3 vào tháng 9. Một người con khác đã chết vì biến chứng của liệt não và động kinh khi được 6 tuổi.

Do quá trình săn sóc người con tàn tật này, ông rất thán phục trước hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhà nước, và ông hứa sẽ chú ý đến những công dân bệnh tật và yếu đuối nhất của nước Anh.

Tân Thủ tướng bác bỏ những người cho rằng ông có lập trường chống Hoa Kỳ và EU, nhưng ông nói ông không bắt buộc đồng ý với chính sách của tất cả mọi người.

source

VOA Vietnamese

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Tổng thống Nga lên án chế độ toàn trị Liên Xô


CHÂU ÂU -
Bài đăng : Thứ bảy 08 Tháng Năm 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 08 Tháng Năm 2010

Áp phích ca ngợi Stalin trên đường phố Matxcơva
Reuters
Trọng Thành

Tổng thống Nga thừa nhận các tội ác của Liên Xô và gây sức ép buộc chính quyền Matxcơva bỏ kế hoạch dán áp phích ca ngợi Stalin

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của nhật báo Nga Izvestia ngày 7/5, tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã chỉ trích chế độ « toàn trị » của Liên Xô cũ và « các tội ác » của Stalin. Thông điệp này sau đó đã được đưa lên các kênh truyền hình chính của Nga.

Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa Phát-xít, tổng thống Nga muốn tách bạch chiến thắng của Hồng quân cùng với quân đội Đồng minh, ra khỏi những tai họa do Liên bang Xô viết gây ra. Ông nhấn mạnh : « chế độ được xây dựng tại Liên bang Xô viết là một chế độ toàn trị, nơi các quyền tự do căn bản bị xóa bỏ hoàn toàn »« những điều Stalin gây ra cho chính người dân Nga không thể nào tha thứ được ».

Với tuyên bố này, tổng thống Nga đã khẳng định một đường lối rất khác với người tiền nhiệm. Cựu tổng thống Vladimir Putin vốn rất ít khi phê phán chế độ Xô viết và thậm chí còn cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm kịch địa lý chính trị lớn nhất thế kỷ XX. Theo nhà chính trị học Nga, Alexandre Konovalov, các tuyên bố của ông Medvedev sẽ giúp vào việc trả lại sự thật cho lịch sử. Tuy nhiên, ông Nikolai Petrov, thuộc trung tâm Carnegie, lại cho rằng, tuyên bố của tổng thống Nga chỉ nhằm cải thiện hình ảnh nước Nga trong mắt phương Tây và thành phần cấp tiến tại Nga, chứ không có tác động gì đến giới tinh hoa Nga.

Theo báo chí Nga, điện Kremlin đã gây sức ép với chính quyền thủ đô Matxcơva buộc họ từ bỏ kế hoạch dán các áp phích quảng bá vai trò của nhà độc tài Stalin trong Đệ nhị Thế chiến, tại các nơi công cộng trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 9/5. Do đồng thời e ngại dân chúng sẽ bôi bẩn các áp phích này, chính quyền địa phương đã phải chuyển các áp phích vào trong các bảo tàng.

Thái độ khác thường của tổng thống Nga nằm trong xu thế cởi mở của Matxcơva trong hồ sơ vụ hành quyết các sĩ quan Ba Lan tại Katyn theo lệnh Stalin. Đã từ nhiều năm nay, các tổ chức phi chính phủ Nga tố cáo chủ trương của chính quyền Nga các cấp trong việc phục hồi mạnh mẽ vai trò của nhà độc tài Stalin. Đợt kỷ niệm chiến thắng 1945 kéo dài từ suốt một tuần nay khiến cuộc tranh luận này đang được kích động trở lại, ngược lại với chủ trương lâu nay của điện Kremlin là thu hẹp các quan tâm về vấn đề này.

Ký ức về Stalin chia rẽ xã hội Nga sâu sắc. Theo một điều tra dư luận xuất bản tháng 12 năm 2009, 54% người Nga vẫn ngưỡng mộ nhà độc tài Stalin. Theo ông Lev Goudkov, giám đốc trung tâm thăm dò dư luận Levada, sự nhập nhằng trong ký ức về Stalin chính là do chủ trương của chính quyền Nga.

Trên thực tế, Matxcơva muốn sử dụng hình ảnh Stalin để làm rung động lòng yêu nước của người Nga. Ông Goudkov nhận xét : « Một mặt, người ta cố gắng biểu dương Stalin như là một lãnh tụ quốc gia, nhà độc tài đã toàn tâm toàn ý đưa nước Nga đến chiến thắng, trong khi người ta lại không nói gì đến trách nhiệm của ông ta trong các vụ đàn áp. Mặt khác, nhà cầm quyền cố giữ lấy vẻ ngoài dân chủ của nước Nga, bằng cách không muốn phương Tây nhận ra họ chính là người thừa kế di sản của nhà độc tài ». Thể hiện sự bất bình sâu sắc của mình, ông cho biết : « Xung đột của nước Nga hiện nay nằm trong đầu óc của những người nắm quyền. Trong bối cảnh vắng bóng những nhà lãnh đạo tinh thần và một giới tinh hoa có khả năng xây dựng được những nền tảng đạo lý cho xã hội, rất nhiều người chọn thái độ bàng quan, hoặc không muốn nghĩ đến nữa. Đây là một thái độ nguy hại, làphản ứng của một xã hội què quặt về tinh thần ».

Thứ năm 06 Tháng Năm 2010
Lần đầu tiên quân đội NATO diễn hành trên Quảng Trường Đỏ Matxcơva
Lần đầu tiên quân đội NATO diễn hành trên Quảng Trường Đỏ Matxcơva
Một đơn vị quân đội Mỹ tập diễn hành trên Quảng Trường Đỏ Maxcơva ngày 06/05/2010
REUTERS/Sergei Karpukhin
Tú Anh

Kỷ niệm 65 năm chấm dứt thế chiến thứ hai tại Nga sẽ không bị bóng ma của Stalin làm xáo trộn. Cuộc diễn binh năm 2010 này sẽ được chính phủ Nga tổ chức một cách hoành tráng và long trọng nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.Nổi bật lần này có sự tham dự của nhiều đơn vị quân đội NATO (Pháp, Mỹ, Anh...) và khoảng 20 lãnh đạo quốc tế.

Đối với Tây phương Thế Chiến Thứ Hai kết thúc ngày 8 tháng 5 năm 1945, một ngày sau khi Đức Quốc Xã ký lệnh đầu hàng tại thành phố Reims của Pháp. Nhưng do yêu cầu của Liên Xô, văn kiện đầu hàng được ký một lần nữa vào ngày 9 tháng 5 tại Berlin, trong khu vực do Hồng quân chiếm đóng. Lần đầu tiên từ khi Liên Xô sụp đổ, kỷ niệm 9 tháng 5 năm nay sẽ được Nga tổ chức một cách trọng thể hơn bao giờ hết.

Đây cũng là đầu tiên mà quân đội của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tham dự duyệt binh tại Quảng Trường Đỏ. Bên cạnh 10 ngàn quân Nga, khoảng 1000 quân nhân của 13 nước khác trong đó có Mỹ, Anh, Pháp và Ba Lan sẽ nhịp bước ngang qua khán đài danh dự. Đây là sự kiện nổi bật nhất vì cho đến nay Nga vẫn xem quân đội NATO là kẻ thù đe dọa an ninh nước Nga. Trong số các đơn vị Tây phương tham dự diễn binh có một phi đoàn chiến đấu cơ của Pháp, một tiểu đoàn Anh, một đơn vị của sư đoàn 18 bộ binh Hoa Kỳ và một đoàn quân Ba Lan.

Nhiều lãnh đạo quốc tế nhận lời mời dự lễ như Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ Tướng Đức Angela Merkel, Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden.

Theo AFP, sự kiện chính phủ Nga thông báo binh sĩ NATO sẽ diễn binh tại quảng trường Đỏ đã làm gây bất bình cho những người cộng sản Nga vẫn còn xem quân đội Tây phương là « bọn không ra gì ». Trong khi đó thì nhà nước sử dụng nhiều phương tiện lớn trên toàn quốc để đánh dấu ngày lễ trọng đại và kích động tự hào dân tộc. Những băng vải màu đen và vàng cam biểu tượng của lòng can đảm của chiến binh Liên xô được phát không cho dân chúng. Hàng ngàn biểu ngữ « mừng lễ chiến thắng » đã được căng khắp thủ đô và nhiều thành phố lớn.

Theo nhận định của ông Lev Goudkov, giám đốc viện thăm dò ý kiến Levada, thì chiến thắng 1945 là « biểu tượng chính yếu, là nền tảng của bản sắc dân tộc Nga ». Do vậy, số cựu chiến binh còn sống mỗi ngày mỗi ít đi, thì quy mô lễ kỷ niệm càng to lớn. Theo chuyên gia này, thì chính phủ Nga « khai thác triệt để chiến thắng này để chứng tỏ sức mạnh của nước Nga »

Trong không khí lễ hội và hòa giải này, đã xảy ra một sự kiện chắc chắn sẽ gây ra nhiều xáo trộn nếu không có thái độ cương quyết của phe dân chủ và một bộ phận trong chính quyền của Tổng Thống Medvedev. Theo hãng thống tấn Ria Novosti, ủy ban tổ chức đại lễ do Tổng Thống Medvedev đứng đầu đã dứt khoát cấm sử dụng hình ảnh, chân dung của nhà độc tài Stalin trên đường phố thủ đô.

Cách nay hai hôm , đến cận ngày 9 tháng 5, chính quyền thủ đô Maxcơva một lần nữa tìm cách luồn lách lệnh cấm này. Nhưng theo tin hôm nay, 06/05, phe chủ trương phục hồi Stalin, người được mệnh danh là « đồ tể » đã phải lùi bước. Các nhóm đối lập và tổ chức nhân quyền dọa trước là họ sẽ trả đưa bằng những biểu ngữ kể tội diệt chúng của Stalin.

Thông tín viên Hoàng Dung từ Maxcơva đã giải thích thêm về quy mô lịch sử và ý nghĩa đặc biệt của ngày lễ 9 tháng 5 năm nay tại Nga.


Thông tín viên Hoàng Dung-Matxcơva-06/05/2010

source

FRI Vietnamese

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên sang Bắc Kinh cầu viện Trung Quốc



Lãnh đạo Bắc Triều Tiên trước một khách sạn ở Đại Liên, TQ, ngày 3/5/10
Reuters
Đức Tâm

Hôm qua, ông Kim Jong-il đã tới Trung Quốc và theo lịch trình, hôm nay, ông được chủ tịch Hồ Cẩm Đào đón tiếp tại Bắc Kinh. Đây là một trong những chuyến công du ngoại quốc hiếm hoi của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Lần cuối cùng ông Kim sang Trung Quốc cách nay đã bốn năm.

Chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế Bắc Triều Tiên gặp nhiều khó khăn sau vụ đổi tiền gây phẫn nộ trong công chúng, quan hệ Liên Triều xấu đi, các nước phương Tây duy trì áp lực đòi Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về hồ sơ phi hạt nhân hóa.

Các dự án hợp tác Liên Triều như tổ hợp du lịch núi Kim Cương, khu công nghiệp Keasong, những nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho Bình Nhưỡng, thì đang bị chững lại do những căng thẳng giữa hai chính quyền.

Sau vụ bắn thử tên lửa và thử hạt nhân, Bắc Triều Tiên đã bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt kinh tế từ tháng sáu năm ngoái. Giáo sư Cheong Seong-chang, thuộc Viện Sekong ở Seoul, được báo La Croix trích dẫn, giải thích, Bắc Triều Tiên bị kiệt quệ về kinh tế và rất cần đến Trung Quốc. Do vậy, trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Kim Jong-il, “lần đầu tiên, hợp tác kinh tế sẽ là điểm quan trọng nhất trong các cuộc thảo luận sắp tới”.

Vẫn theo chuyên gia Cheong, Bắc Triều Tiên cố gắng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc, thậm chí còn sửa đổi cả các quy định liên quan đến khu công nghiệp Rajin Sonbong, gần biên giới. Trung Quốc đã được cấp quyền sử dụng trong vòng 10 năm cảng Rajin của Bắc Triều Tiên , cửa ngõ mở thẳng ra vùng biển Nhật Bản. Trung Quốc cũng là đối tác kinh tế hàng đầu của Bắc Triều Tiên và hiện đang tiến hành nhiều dự án khai thác mỏ và tài nguyên tại nước này.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục Bắc Triều Tiên tiến hành các cải cách kinh tế, thế nhưng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên rơi vào tình thế nan giải. Một mặt, các cuộc cải cách có thể giúp cải thiện tình hình kinh tế, nhưng mặt khác, điều này buộc chế độ Bắc Triều Tiên phải từ bỏ chính sách chạy đua vũ trang, vốn vẫn được Bình Nhưỡng xem là bức tường rào ngăn cản mọi âm mưu tấn công nước này.

Vậy, Trung Quốc sẽ được gì khi chấp nhận giúp Bắc Triều Tiên? Về mặt chiến lược, Bắc Triều Tiên là vùng đệm cực kỳ quan trọng, che chắn phía đông bắc Trung Quốc, do có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Là đồng minh cận kề và truyền thống, Trung Quốc không thể để cho chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ.

Trước sức ép của phương Tây đòi Trung Quốc phải thể hiện vai trò nước lớn, có trách nhiệm, Bắc Kinh có thể tranh thủ chuyến công du của ông Kim để thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán sáu bên, bị bế tắc từ hơn một năm nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều có cùng nhận định, Trung Quốc sẽ không cưỡng ép Bắc Triều Tiên làm việc này. Giống như trong trường hợp Iran, Trung Quốc sẽ chủ trương “đàm phán đến cùng”. Nói một cách khác, Bắc Kinh sẽ để cho Bình Nhưỡng tự quyết định khi nào và bằng cách nào quay trở lại bàn đàm phán về hồ sơ hạt nhân.

Theo giới quan sát, có một nghịch lý là Bắc Triều Tiên càng bị cô lập bao nhiêu thì Trung Quốc lại càng giang tay ra bảo trợ cho đồng minh thân cận này. Reuters trích dẫn nhận định của ông Peter Beck, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên, thuộc đại học Stanford, Califonina, Hoa Kỳ : Bắc Kinh luôn luôn tỏ ra rất ngần ngại bỏ rơi những quốc gia bất hảo. Có vậy, Trung Quốc càng dễ đầu tư vào những nước này.

source

RFI Vietnamese