Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

TQ có thể đã tiếp tay cho Bắc Triều Tiên vi phạm lệnh chế tài của LHQ


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Năm, 25 tháng 2 2010


Trung Quốc đang cứu xét chuyện liệu có thể đã liên can đến việc hỗ trợ cho một vụ chuyên chở vũ khí của Bắc Triều Tiên qua Trung Phi hay không. Chuyến hàng đã bị Nam Phi chận lại và cũng vi phạm các biện pháp chế tài mà Liên Hiệp Quốc đã áp đặt đối với Bình Nhưỡng. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Phát ngôn viên Tần Cương nói rằng Trung Quốc đã ghi nhận các tin tức đó và đang “cứu xét vấn đề"
Hình: voa chinese Nan Zhang

Phát ngôn viên Tần Cương nói rằng Trung Quốc đã ghi nhận các tin tức và đang “cứu xét vấn đề"


Trong tuần này, Nam Phi đã gửi một bức thư cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kể chi tiết về một chuyến hàng chở các bộ phận xe tăng của Bắc Triều Tiên đến nước Cộng hòa Congo. Tin ghi bức thư này kể rõ chi tiết lộ trình của chuyến hàng và nói rằng hàng đã được cất lên một chiếc tàu ở Trung Quốc rồi chuyển qua một chiếc tầu thuộc quyền sở hữu của Pháp ở Malaysia. Tại một cuộc họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Tần Cương không nói nhiều về vấn đề này. Ông Tần nói rằng Trung Quốc đã ghi nhận các tin tức đó và đang “cứu xét vấn đề.” Ông nói nước ông sẽ tham gia các cuộc thảo luận có liên quan, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết. Chuyến hàng đã bị chận bắt hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi các giới chức của công ty hàng hải Pháp nói với nhà chức trách Nam Phi rằng họ nghi ngờ hàng hóa mà chiếc tàu của họ đang chở đến nước Cộng hòa Congo. Việc gửi hàng này vi phạm một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm tất cả mọi vụ xuất khẩu vũ khí của Bắc Triều Tiên, và cho phép các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc được kiểm tra các kiện hàng của Bắc Triều Tiên gửi bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Lệnh cấm được áp dụng hồi tháng 6 năm ngoái, sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành việc thử nghiệm hạt nhân bí mật. Về một vấn đề khác, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng một thỏa thuận mới đây giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cùng khai thác hai hòn đảo nhỏ ở biên giới thành các “khu vực tự do mậu dịch” là không vi phạm bất kỳ lệnh chế tài nào của Liên Hiệp Quốc áp đặt cho Bắc Triều Tiên. Ông Tần Cương nói Trung Quốc tin rằng dự án mới nhất tuân hành đúng lệnh chế tài của Liên Hiệp Quốc. Ông nói không nên để cho các biện pháp chế tài ảnh hưởng đến điều ông mô tả là “trao đổi và hợp tác bình thường” giữa hai nước. Dự án này có liên quan đến việc phát triển hai hòn đảo nhỏ trên sông Aùp Lục, gần thành phố biên giới Đơn Đông của Trung Quốc, thành các khu vực mậu dịch tự do, nơi người nước ngoài có thể ra vào mà không cần đến thị thực. Tin cho hay các kế hoạch bao gồm việc xây dựng các khách sạn, một sân golf, các cơ sở giải trí và các công viên nông nghiệp. Tin cũng nói rằng mục đích là gia tăng đầu tư nước ngoài vào Bắc Triều Tiên và củng cố các quan hệ kinh tế quốc tế của đất nước cô lập này.
source
VOA Vietnamese

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Chiến tranh sẽ bùng nổ giữa Anh và Argentina


Cập nhật lúc 1:27:25 AM - 23/02/2010

Falklands.jpg


Hình một dàn khoan dầu ngoài khơi Falkland Islands chụp vào cuối năm 2009. Hôm thứ Hai, công ty Desire Petroleum PLC đã bắt đầu khai thác dầu hỏa tại một điểm phía bắc Falkland Islands, khiến cho chính phủ Argentina giận dữ – ảnh: Diamond Offshore Drilling.


Hoài Mỹ/Viễn Đông

LONDON/BUENOS AIRES – Anh quốc và Argentina (Á Căn Đình) lại lâm vào một cuộc xung đột mới về quần đảo Falkland. Theo đài BBC, nội trong tuần này hay đầu tuần tới, các công ty Anh sẽ khởi sự khai thác dầu hỏa ở vùng này. Ngoại trưởng của Argentina cảnh cáo: “Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để chống cự và để bảo vệ mọi quyền lợi của chúng tôi”.

Tình thế càng căng thẳng hơn khi các nhóm “Rio-group” - gồm các quốc gia Châu Mỹ Latin và các quốc gia Caribbean đang họp thượng đỉnh ngày 21 và 22-02-2010 ở Cancun, Mexico - đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Argentina.

Vụ tranh chấp nói trên này khiến dư luận thế giới nhớ lại cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Anh quốc và Argentina - Falkland War - diễn ra cách nay vừa đúng 28 năm mà vết thương vẫn chưa khỏi hẳn theo ý nghĩa của danh ngôn: Thời gian là thần dược chữa lành mọi vết thương. Năm 1982, cuộc chiến bùng nổ và kéo dài 74 ngày vì vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Falkland. Lần này, nếu không có một giải pháp chính trị, người ta e rằng mộc cuộc chiến mới sẽ khó tránh khỏi cũng ở hải phận này và thời điểm chấm dứt thì rất khó đoán, nhưng vì một nguồn lợi thiên nhiên vô cùng quí báu: Dầu hỏa!


* Địa lý và lịch sử của Falkland

Falkland Islands hay Islas Malvinas là một quần đảo của Anh quốc nằm về phía Nam Đại Tây Dương, cách các bờ biển Magellan (gần Nam Mỹ) khoảng 515 cây số. Hai hòn đảo lớn hơn cả gọi là West-Falkland và East-Falkland; phần còn lại gồm tổng cộng gần 200 đảo nhỏ. Diện tích tính chung là 12.200 cây số vuông. “Thủ đô” và là thành phố duy nhất mang tên Port Stanley.

Quần đảo mang hình dáng của một miền duyên hải sắc cạnh với những vịnh nhỏ và eo biển hẹp. Điểm cao nhất của các hải đảo này là ngọn núi Adam 698 mét, nằm ở West-Falkland.

Trên những hải đảo ngày đêm lộng gió này sinh sống lúc nhúc các loại sinh vật của miền Bắc cực, như hải cẩu, chim cánh cụt và loài hải âu “khắc khổ”. Chỉ có rất ít người “chịu khó” cư ngụ ở đây để chăn nuôi bầy gia súc như trừu và dê.

Các sử gia không chắc chắn ai là người đầu tiên đã khám phá được những hòn đảo này và trên đảo có thổ dân hay không. Chỉ một điều chắc chắn là nhiều nhà đi biển vòng quanh thế giới đã tìm ra vùng Nam thuộc Đại Tây Dương, nên cũng đã có thể đặt chân lên quần đảo Falkland này. Điển hình là năm 1501 nhà mạo hiểm người Tây Ban Nha, Amerigo Vespucci khi du hành vòng quanh vùng Nam thuộc Đại Tây Dương, đã viết về một số đảo ngầm hoang vắng dưới biển ở bên ngoài Nam Mỹ. Các sử gia suy đoán đó có thể là việc mô tả đầu tiên về các dãy hải đảo này.

Vào khoảng thế kỷ 15 và 16, cho tới năm 1690, thuyền trưởng người Anh, John Strong đã đặt chân lên đất liền của một eo biển nằm giữa các hòn đảo quan trọng và đã đặt tên là “Falkland Sound” - “Quê nhà ở các đảo”.

Theo thời gian, sau nhiều lần thay quyền đổi chủ, hết người Anh lại tới Pháp, rồi Tây Ban Nha đến Á Căn Đình… và sau cùng Falkland lại rơi vào tay người Anh tên John Byron sau khi ông này “đền bù” một số tiền kếch xù cho Louis Antoine de Bougainville để người Pháp này “ra đi” vĩnh viễn. Port Louis được đổi thành Port Soledad. Năm 1770, quần đảo bị người Tây Ban Nha chiếm đoạt bằng vũ lực và cư dân Anh bị trục xuất. Tuy vậy người Tây Ban Nha chỉ ở lại các hòn đảo này cho tới năm 1811 thì tự động di tản vì tình trạng bất ổn trong nước. Nhờ vậy cư dân Anh đã hồi hương.


* Nguyên nhân “Falkland War”

Ngày 02-04-1982, với tướng Leopoldo Galtieri chỉ huy, một lực lượng Argentina gồm 8.000 quân nhân và 20 chiến xa loại LVTP 7 đã bất ngờ đổ bộ xâm chiếm quần đảo Falkland. 1.800 cư dân trên các hòn đảo này cộng với 57 binh sĩ của ngành Hàng Hải Vương Quốc (Royal Marines) và 11 thủy thủ của Hải Quân Vương Quốc Anh (Royal Navy) đã vô phương chống cự trước cường lực.

Nguyên nhân chính thức của chiến dịch quân sự này là vào thời điểm đó chế độ quân phiệt cai trị Argentina với tướng Galtieri đứng đầu, lập luận rằng người Tây Ban Nha đã để lại quần đảo Falkland cho họ và các hải đảo này thuộc về Argentina vốn thoát khỏi nền cai trị của Tây Ban Nha để trở thành độc lập năm 1816. Ở Argentina, uy quyền của Anh được nhận thức là một nỗi sỉ nhục. Niềm kiêu hãnh của đất nước vốn bị tổn thương đó sẽ được chữa lành nhờ cuộc ra quân này.


* Liên Hiệp Quốc (LHQ) can thiệp

Ngày 03-04-1982, LHQ đồng biểu quyết kêu gọi các đơn vị quân sự của Argentina rút lui và chấm dứt mọi sự thù nghịch. Argentina từ chối. Tướng Leopoldo Galtieri đang cần một “sự tái chiếm lòng nhân dân”, nếu sự bất mãn tiếp tục, ông sẽ bị chấm dứt quyền lực. Argentina do đó bất tuân nghị quyết của LHQ. Bởi thế nữ thủ tướng Anh đương thời, bà Margaret Thatcher, người được mệnh danh là “Iron Lady”, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc khai chiến mặc dù đa số dân chúng Anh chưa hề nghe nói về những hải đảo đó và rất ít người biết phần vùng này lại là thuộc địa của Anh.

Hôm sau, nội các Anh họp khẩn. Bà Thatcher cho rằng 1.800 công dân Anh chính cống ở Falkland đã yêu cầu việc bảo vệ nước Anh bằng quân sự. Lập trường của bà rất minh bạch và cuơng quyết: Bà không thể ngồi koanh tay. Phải chiếm lại các hòn đảo này với bất cứ giá nào cho dù đa số cố vấn quân sự của bà và những yếu nhân về chính sách đối ngoại tỏ ra nghi ngờ về một chiến dịch; ngay cả các lực lượng quân sự Anh cũng gặp nhiều khó khăn trước quyết định này, bởi vì họ đã không được huấn luyện cho thứ công tác như thế.


* Cuộc chiến

Một lực lượng gồm 27.000 người và trên 100 tầu chiến được tập trung nhanh chóng - đến ngày 5 tháng Tư, thì trực chỉ tiến về mục tiêu. Hai chiến hạm Invincible và Hermes cũng đã hiện diện.

Những ngày đầu tiên, chiến tranh diễn ra trên biển và trên không. Hải và không quân của Argentina cũ kỹ đã thua đậm trước những vũ khí cực kỳ tối tân của Anh; tuy nhiên các phi cơ Dassault Super Etendard của Argentina cũng đã gây thiệt hại cho các tàu hải quân Anh, trong số này đáng kể là chiếc Sheffield bị trúng đạn, gẫy đôi và chìm ngày mồng 4. Ba tuần sau, ngày 25 tháng 5, chiếc Coventry chịu cùng số phận, kéo theo xuống lòng biển 25 sinh mạng. Ngày 8 tháng 7, đến lượt chiếc Sir Galahad “banh càng” cùng với 50 quân nhân tử vong

Về phía Argentina, tuần dương hạm “General Belgrano” do Hoa Kỳ trao lại cho Argentina năm 1951 sau khi đã phục vụ hải quân Mỹ suốt thời đệ nhị thế chiến, đã bị một tiềm thủy đĩnh Anh “chôn vùi” xuống lòng đại dương.

Lực lượng Anh càng ngày càng tiến gần mục tiêu. Nhẩy dù và pháo binh của hải quân được đưa bằng tầu tới Port San Carlos rồi đổ bộ lên bờ ở Goose Green. Trận đánh xáp lá cà diễn ra ác liệt. Quân Argentina chiến đấu anh dũng, nhưng lính Anh nhờ phần lớn yếu tố tâm lý đã sớm làm chủ được tình thế khiến đối phương nhiều người phải đầu hàng. Khi lực lượng Anh bao vây Stanley, toàn thể quân Argentina còn lại đã buông vũ khí.

Thiệt hại: Anh: 255 quân sĩ và 3 cư dân ở đảo thiệt mạng, 777 người bị thương và 59 người bị bắt làm tù binh - Argentina: 649 tử vong, 1.068 bị thương và 11.313 tù binh.


* Lịch sử tái diễn?

28 năm sau, nay trận chiến Falkland có cơ tái phát mà lần này, như trên đã nói, nguyên nhân chính yếu và dầu hỏa và khí đốt với trị giá ước lượng khoảng trên 110 tỉ đô la.

Ô khai thác dầu và khí đốt này nằm trong vùng bao quanh quần đảo Falkland và nhiều công ty Anh nay mai sẽ khởi sự công cuộc khai thác. Theo hãng thông tấn Reuters, thủ tướng Anh Gordon Brown đã khẳng định: “Đương nhiên chúng tôi có toàn quyền làm việc này”. Người Anh cho rằng họ đã có luật pháp quốc tế trong tay và thủ tướng Brown nhấn mạnh là họ luôn luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đối với các hải đảo này.

Trước câu hỏi của các ký giả là các tàu chiến (của Anh) tăng cường có được chuyển đến vùng đó hay không, thủ tướng Anh trả lời: “Chúng tôi đã làm tất cả công việc chuẩn bị xét ra cần thiết để bảo đảm là Falkland đã được bảo vệ đầy đủ”.


* Nghiêm trọng

Tuy nhiên, Argentina ngược lại cho rằng người Anh không có quyền hành gì ở các vùng chung quanh những hải đảo ấy. Đài BBC viết rằng nữ tổng thống Cristina Fernandez thứ Tư tuần qua đã minh xác là Argentina hiện giờ buộc bàu bè nào cập bến các đảo ấy phải xuất trình giấy phép kể cả tàu bè của các nước ở toàn vùng Nam Mỹ.

Anh quốc bác bỏ mạnh mẽ sự đòi hỏi kể trên.

Trong một bản tuyên bố, chính quyền Argentina xác quyết họ đã thi hành “tất cả biện pháp dự phòng” để ngăn chận người Anh đến lấy dầu hỏa và khí đốt. Ngoại trưởng Argentina, ông Jorge Taiana nhấn mạnh rằng Argentina sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các quyền lợi của họ.

Đại sứ Anh ở Argentina đầu tiên sau cuộc chiến tranh Falkland, Humphrey Maud cho rằng việc Argentina đòi giấy phép quả thật nguy hiểm. Hãng thông tấn Reuters trích dẫn lời tuyên bố của ông Maud: “Mỗi sự cố gắng của Argentina nhằm đòi hỏi một hình thức nào đó về chủ quyền của vùng ấy đều là điều mà chúng tôi nhận thấy rất nghiêm trọng”. Quan điểm của ông đã được Andrew Rosindeel, dân biểu quốc hội của Đảng Bảo Thủ, tán đồng.


* Giải pháp ngoại giao

Tuy vậy sẽ là sự kiện gây ngạc nhiên trường hợp hai bên không chịu giải quyết cuộc tranh chấp này qua việc đối thoại - điều mà chính quyền Anh cũng vẫn thường nhấn mạnh.

Ông Adrew Rosindell cho rằng tuy vấn đề có thể ít đưa tới một cuộc xung đột về quân sự, nhưng đây là một vụ tranh chấp lớn nhất kể từ sau cuộc chiến 1982. Dân biểu này nói: “Đây là là một thứ trình diễn tiêu biểu của một cuộc triển lãm. Họ dư biết là người Anh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, và đó là một cuộc chiến mà họ không thể nào thắng nổi”.


* Ủng hộ Argentina

Ngoại trưởng Argentina, Jorge Taiana đã đưa vấn đề này ra trước hội nghị của “Rio-Group” vừa diễn ra ở Cancun, Mexico trong hai ngày, Chủ Nhật và thứ Hai vừa qua. Theo các nhà ngoại giao, sự ủng hộ từ hội nghị này rất quan trọng đối với Argentina.

Hugo Chávez, tổng thống của Venezuela xác định ngay chỗ đứng của ông ta trong cuộc xung đột: “Nghe này, Anh quốc, nhà ngươi dự tính ở lại Las Malvinas trong bao lâu?” - Trong câu hỏi, ông ta đã dùng địa danh bằng tiếng Tây Ban Nha thay vì “Falkland”. Chávez huênh hoang theo thói quen, nhắn gửi lời tuyên bố trực tiếp tới Anh quốc và nữ hoàng Elizabeth: “Người Anh vẫn tiếp tục đe dọa Argentina, nhưng nhớ là chúng tôi không còn sống trong năm 1982 nữa. Nều xẩy ra một cuộc xung đột, nhà ngươi có thể biết đích xác là Argentina không đứng riêng rẽ một mình đâu nhé như nước này đã một lần lâm vào”.

Công ty dầu hỏa Desire đã thầu được khế ước khoan dầu, nhưng hiện cố tỏ ra trung lập đối với vụ tranh chấp giữa Anh và Argentina. Phát ngôn viên của công ty này phát biểu: “Desire là một công ty thương mại và chúng tôi không dính líu vào điều mà Argentina nói sẽ mang ra trước LHQ”.

Cư dân khoảng 3.000 người ở các đảo trên vùng Falkland bày tỏ họ hiện không biết mình đứng ở đâu. Theo nhật báo London Daily Telegraph, chính khách địa phương Jan Cheek trình bày: “Chúng tôi đã từng nghe nhiều năm điều vô lý này từ phía Argentina, và nay lại nghe nữa, vẫn chuyện cũ rích”.

Nhật báo trên giải đoán nữ tổng thống Cristina Kirhner của Argentina có thể đã được nhiều hơn động lực về dân quyền để có một đường hướng cứng rắn trong cuộc chiến mới về các hải đảo ấy. Bài bình luận của London Daily Telegraph viết là tuy nhiên uy tín của bà Kirchner đã xuống dốc trong các cuộc thăm dò ý kiến gần đây, do đó bà cần cơ hội để tái “đánh bóng” tiếng tăm của mình? – (HM)
source
Vien Dong Daily

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Bất chấp (...) lớn tiếng phản đối, TT Obama không chỉ tiếp Đức Dalai Lama, mà còn tuyên bố ủng hộ Tây Tạng…



Trần Vũ theo AP, Feb 18, 2010
hoạt động khắp thế giới, một cách bận rộn
và minh mẫn như một tráng niên.
Cảnh họp báo ngoài toà Bạch Ốc.
Photo courtesy: AP" src="http://www.calitoday.com/directory/getdata.asp?about_id=c0bfd848044b964e5dd160ec871c105d-1" vspace="10" width="400" border="0" height="320" hspace="10">
Tuy 75 tuổi, nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma
hoạt động khắp thế giới, một cách bận rộn
và minh mẫn như một tráng niên.
Cảnh họp báo ngoài toà Bạch Ốc.
Photo courtesy: AP

Cali Today News - Thứ năm 18/2, TT Obama có cuộc hội kiến với Đức Dalai Lama tại Tòa Bạch Ốc và điều này chắc chắn sẽ làm Trung Quốc tức giận thêm và khiến cho mối giao hão giữa hai cường quốc càng thêm căng thẳng.

Nhưng các nhà quan sát cho là việc tiếp kiến này sẽ không ảnh hưởng đến tổng giá trị mậu dịch song phương lên tới 366 tỉ đô la và tiền nợ của chính phủ Mỹ đối với TQ là 755 tỉ đô la.

Yan Xuetong, Giám đốc Viện International Studies của đại học Tsinghua, nhận xét là Mỹ và TQ vừa là đối thủ, vừa là đối tác: “Cả hai thường tự nhận là bạn với nhau, thật ra không phải như thế”.

Các căng thẳng gần đây đã gia tăng khi Mỹ bán vũ khí trị giá 6.4 tỉ đô la cho Đài Loan, công ty Google hăm dọa rút khỏi TQ và TQ gia tăng thuế đánh vào gà nhập cảng từ Mỹ.

Ngoài ra hai siêu cường còn có những quan điểm khác nhau về vấn đề ô nhiễm môi trường và về vấn đề tham vọng nguyên tử của hai quốc gia bướng bỉnh là Bắc Hàn và Iran.

Tuy nhiên theo Orville Schell, một chuyên gia về TQ thì các xung khắc đó không thể gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương, vốn là loại quan hệ “quan trọng nhất thế giới” về mặt chính trị và kinh tế.

Một dấu hiệu tích cực khác là hàng không mẫu hạm USS Nimitz và 4 tàu chiến của Mỹ hôm qua đã ghé vào Hồng Kông và hơn 5,000 thủy thủ được dịp lên bờ nghỉ ngơi thư giãn.

Đức Dalai Lama bao giờ cũng là cái gai trong mắt Bắc Kinh, đặc biệt khi Ngài đến thăm Hoa Kỳ. Từ thời TT Bush (cha) năm 1991 đến nay, Ngài đã diện kiến với từng TT Mỹ sau đó.

Mới đây sau một cuộc đàm phán, chính phủ ở Bắc Kinh đã bác bỏ tất cả yêu cầu về quyền tự trị của người Tây Tạng do Đức Dalai Lama đưa ra.

Theo Douglas Paal, Phó Chủ Tịch hiệp hội Carnegie Endowment for International Peace thì có thể “lý do làm TQ lên cơn giận dữ là TQ e ngại ảnh hưỏng của cuộc gặp gỡ này đối với dân chúng TQ hơn”.

Trong cuộc gặp gỡ 45 phút giữa hai nhà đoạt giải Nobel Hòa Bình, là Đức Đạt Lai Lạt Ma và TT Obama, TT Obama đã lên tiếng ủng hộ Tây Tạng về nhân quyền và bản sắc của dân tộc này. Theo Tùy viên báo chí tòa Bạch Ốc là ông Robert Gibbs thì “tổng thống đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc giữ gìn bản sắc tôn giáo, ngôn ngữ và văn hoá đặc thù của người Tây tạng và bảo vệ nhân quyền của người Tây tạng trong khuôn khổ của Trung Cộng.”

Ngay lập tức, (...) lên án Đức Đạt Lai Lạt Ma và cho rằng vị lãnh tụ Phật giáo này không thành thật, thu hút tín đồ qua những bài giáo pháp với mục đích chia rẽ nước Trung Hoa.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Ma Zhaoxu còn lên án Hoa Kỳ là Mỹ đã hành xử trên những nhận thức cũ kỹ, không tôn trọng và vi phạm “những tiêu chuẩn căn bản và nguyên tắc nền tảng trong bang giao quốc tế, và không tôn trọng chủ quyền của Trung quốc.” Ông ta còn lên án tiếp là cuộc họp đã “đi ngược lại sự thừa nhận của Mỹ được lập lại nhiều lần là Tây Tạng là một phần của (...) và Mỹ sẽ không ủng hộ Tây Tạng giành độc lập.”

Về phiá Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau phiên họp, đã bước ra ngoài tòa Bạch Ốc, gặp gỡ ký giả, và nói rằng ông ta rất “hạnh phúc” có được sự ủng hộ của TT Obama, và sau đó còn nghịch tuyết với ký giả.

TT Hoa Kỳ ca ngợi quan điểm và thái độ “trung đạo” của Đức Đạt Lai Lạt Ma: Đó là sự quyết tâm chống lại thái độ bạo động và tìm kiếm cách đối thoại với Bắc Kinh. Trong lúc đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma thì bày tỏ thích thú ông TT Obama cao nghều và rất năng nổ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng ông ta chấp nhận sự cai trị của (...), nhưng chỉ đòi quyền tự trị và nhân quyền rộng rãi hơn, vì theo ngài, thái độ này là vì lợi ích của Tây Tạng, một đất nước rất, rất lạc hậu, nghèo nàn, ở một địa thế bị cô lập.

Trong lúc cuộc họp diễn ra, Đức Đạt Lai Lạt Ma còn gặp gỡ Ngoại trưởng Hillary Clinton và được hàng trăm người Tây tạng hoan nghênh chào đón, vẫy cờ và hò reo” Đức Đạt Lai Lạt Ma vạn tuế” và “Cám ơn TT Obama.”

Kể từ khi Tây Tạng bị chiếm đóng và Đức Đạt Lai Lạt Ma sống lưu vong, đã 50 năm trôi qua, vị lãnh tụ tinh thần và chính quyền của Tây tạng, ngày càng tạo ra sự ảnh hưởng đáng kể đối với Phương Tây trên phương diện tôn giáo cũng như chính trị.

Trần Vũ theo AP

source
Calitoday

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2010

Obama ép Trung Quốc về mậu dịch



TT Obama trọng cuộc họp với các TNS Dân Chủ

Ông Obama muốn Trung Quốc và các nước khác thực hiện cam kết thương mại.

Tổng thống Obama nói ông sẽ có một lập trường cứng rắn với Trung Quốc để nước này mở cửa thị trường cho hàng của Mỹ.

Ông Obama cho các Thượng nghị sĩ (TNS) đảng Dân Chủ hay, ông sẽ duy trì "sức ép thường xuyên" với Trung Quốc và các nước khác, yêu cầu những nước này tôn trọng cam kết thương mại.

Cạnh đó ông Obama nói thêm ông không muốn thi hành chính sách bảo hộ mậu dịch đối với TQ, cảnh báo “sẽ là một lỗi lầm nếu Hoa Kỳ tự cô lập mình tại thị trường đó.”

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng xung quanh đề nghị bán vũ khí cho Đài Loan.

Quan hệ giữa hai nước phần nào bị ảnh hưởng trước cáo buộc TQ xâm nhập và hệ thống thư điện tử Gmail. Và chuyến thăm Mỹ sắp tới của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt lai Lạt ma.

Trước đó phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo chuyện ông Obama gặp Đạt lai Lạt ma sẽ làm tổn hại đến quan hệ song phương.

Bà Mã Chiêu Húc nói: "Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ hiểu rõ sự nhạy cảm của vấn đề Tây Tạng, giải quyết vấn đề này một cách thận trọng, tránh làm tổn hại quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.”

Tỷ giá hối đoái

Trong cuộc gặp với các TNS của đảng Dân Chủ, có người đặt câu hỏi trước các vụ tranh cãi về thương mại, liệu Hoa Kỳ có nên cắt quan hệ với TQ hay không?

Tổng thống Obama nói ông sẽ tiếp tục gây sức ép để Trung Quốc và các nước khác giữ cam kết của họ trong giao thương. Cạnh đó ông cảnh báo sẽ là lỗi lầm nếu Hoa Kỳ thi hành chính sách bảo hộ mậu dịch.

Ông Obama nói: "Cách chúng ta làm là thúc đẩy thực thi các điều luật thương mại tốt hơn, gây sức ép liên tục với Trung Quốc và các nước khác mở cửa thị trường theo hướng có đi có lại.

"Điều tôi không muốn thấy chút nào, dưới danh nghĩa của đảng hay của quốc gia, là lo sợ trước sự cạnh tranh quốc tế.

"Tương lai của chúng ta gắn liền với khả năng bán hàng ra ngoại quốc, Trung Quốc là một trong các thị trường lớn nhất của Mỹ.”

Ông Obama nói ông sẽ xem xét đến tỷ giá hối đoái để không có nước nào tự cho đồng tiền của mình một lợi thế không công bằng với đồng đôla Mỹ.

source

BBC Vietnamese

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2010

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il bị kiện về tội ác chống nhân loại


BẮC Á


Tú Anh

Bài đăng ngày 01/02/2010 Cập nhật lần cuối ngày 01/02/2010 18:18 TU

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il.Ảnh : Reuters

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il.
Ảnh : Reuters

theo AsiaNews, một số cựu tù nhân cải tạo Bắc Triều Tiên nộp đơn kiện lãnh đạo Kim Jong Il tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại. Hồ sơ đã được chuyển đến Tòa án Quốc tế La Haye, Hà Lan. Trong đơn, họ tố cáo các hành vi « bạo ngược » của chế độ. Tù nhân không biết phạm tội gì, không biết ở tù bao lâu. Những người vượt ngục bị xử bắn.

Với sự trợ giúp của Liên minh Công dân vì Nhân quyền cho tù nhân và người tỵ nạn Bắc Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ tại Seoul, ba cựu tù nhân lao cải đào thoát từ miền Bắc đã nộp đơn kiện lãnh đạo Kim Jong Il về tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại.

Hồ sơ tố cáo chế độ (...) Bình Nhưỡng đã được nộp tại Tòa án quốc tế La Haye, Hà Lan, hồi tháng 12 vừa qua.

Các trại tù tại Bắc Triều Tiên được đặt tên là trại cải tạo lao động nằm trong những vùng đồi núi hiểm trở. Tù nhân bị đối xử rất khắc nghiệt như những « quần đảo ngục tù, Gulag, của Liên Xô cũ.

Một trong ba người đứng đơn kiện có bà Kim Young-Soon, vượt thoát sang Hàn Quốc năm 2003, sau 9 năm bị giam giữ trong trại tù Yodeok mà tên gọi chính thức là « trại cải tạo số 5 ». Bà nói, "cái tội" của bà là "người quen của bà Song Hye-Lim", vợ thứ hai của lãnh đạo Kim Jong-Il. Để bảo vệ bí mật lãnh đạo có hai vợ, chính quyền bắt nhốt người bạn gái để bịt miệng. Đa số tù nhân trong trại Yodeok, nơi giam giữ khoảng 30 000 người mà họ không rõ tại sao mình ở tù và chừng nào ra.

Người may mắn được thả phải ký giấy cam kết giữ im lặng tuyệt đối không được tiết lộ. Nếu bất tuân thì sẽ bị bắt lại ngay. Còn người dân nào đề cập đến sự hiện hữu của các trại cải tạo thì sẽ bị kết án là "phản động" và đi tù.

Trong khi đó ở biển Hoàng Hải, Bình Nhưỡng vừa ra thêm lệnh mới cấm giao thông trên 5 khu vực.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết, lệnh cấm của Bắc Triều Tiên có hiệu lực từ 7 giờ chiều hôm nay đến 8 giờ sáng thứ ba ngày mai.

Tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố cấm tàu thuyền tại 2 vùng biển gần nơi hai bên tranh chấp lãnh hải và sẽ có hiệu lực trong vòng hai tháng.

source

RFI Tieng Viet